Liên quan tới việc triển khai gói an sinh xã hội theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, cả nước đã có hơn 15 triệu người được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết, tiền đã chi hỗ trợ 8.400 tỷ đồng, 1,2 triệu lao động tự do với 2.180 tỷ đồng được nhận, 37.000 hộ sản xuất kinh doanh được hỗ trợ.
 
Trong tổng số kinh phí đã hỗ trợ trên, các tỉnh phía Nam và một số tỉnh miền Trung chiếm 72%, riêng TP.HCM đã dành trên 3.000 tỷ tiền mặt hỗ trợ lao động tự do, người yếu thế.
 
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp và người lao động chưa thể tiếp cận được gói hỗ trợ 26.000 tỷ.
 
Ông Nguyễn Viết Hiệp, Giám đốc Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội thông tin, hiện tại đơn vị có khoảng 1.000 lao động đang phải nghỉ việc không lương do tàu chở khách dừng hoạt động vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

 

{keywords}
Hơn 5.000 lao động đường sắt đang phải nghỉ việc không lương chưa tiếp cận được gói hỗ trợ 26.000 tỷ

Ông Hiệp chia sẻ, theo chính sách hỗ trợ từ gói an sinh 26.000 tỷ, Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội đã làm thủ tục để hỗ trợ người lao động, tuy nhiên do có nhiều điều kiện ràng buộc nên rất khó tiếp cận.
 
Cụ thể, theo yêu cầu tại quyết định 23 của Chính phủ, người lao động tạm nghỉ việc, mất việc làm để nhận được hỗ trợ thì doanh nghiệp phải lập danh sách gửi xin xác nhận của BHXH, doanh nghiệp phải không nợ BHXH mới nhận được xác nhận.
 
Trong khi gói vay ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động điều kiện đưa ra yêu cầu doanh nghiệp không nợ BHXH, không nợ xấu, không nợ thuế khiến doanh nghiệp khó tiếp cận.
 
Trong báo cáo gửi Bộ LĐ-TB&XH mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nêu rõ, hiện Tổng công ty có 5.520 người đang phải dừng việc không lương, nhưng đơn vị không thể tiếp cận được chính sách hỗ trợ do vướng mắc về thủ tục hỗ trợ.
 
Để tháo gỡ khó khăn, mới đây Tổng công ty Đường sắt đã có văn bản kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH báo cáo Thủ tướng xem xét sửa đổi quy định tại Nghị quyết 68 và Quyết định 23 để tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ.
 
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 yêu cầu doanh nghiệp muốn tiếp cận vay vốn để tái tạo sản xuất thì phải không có nợ xấu, phải quyết toán thuế 2020. Với nhiều doanh nghiệp hiện nay, đây là điều kiện không tưởng, bởi dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã 2 năm khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh không thể “ngóc đầu” lên được. Hầu như doanh nghiệp nào cũng nợ thuế, nợ BHXH. Đây chính là điều kiện cản trở doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi.
 
Ông Hùng nói thêm, đối với việc vay để trả lương người lao động, quy định cho phép doanh nghiệp kê khai và chịu trách nhiệm trước nhà nước nhưng khi làm xong phải lấy xác nhận của BHXH. Trong bối cảnh doanh nghiệp nợ BHXH thì đương nhiên BHXH yêu cầu phải thanh toán hết nợ BHXH thì mới được xác nhận. Đây cũng là điều kiện khiến nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn hỗ trợ của Chính phủ.
 
Tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc
 
Trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, quyết định 23 quy định người sử dụng lao động tự kê khai lập danh sách, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đối với số lao động ngừng việc, do vậy không nên quy định phải có xác nhận của cơ quan BHXH. Việc quản lý dữ liệu BHXH đều đã được số hóa, doanh nghiệp có thể truy xuất dữ liệu để cung cấp cho ngân hàng.
 
Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng đề nghị bỏ quy định doanh nghiệp phải không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn. Bởi dịch bệnh kéo dài suốt 2 năm, trong khi thời gian cơ cấu nợ theo quy định của Ngân hàng nhà nước chỉ được 12 tháng dẫn đến có một số doanh nghiệp đã hết thời gian cơ cấu nợ phải chuyển sang nợ xấu nên không tiếp cận được gói hỗ trợ.

{keywords}
Doanh nghiệp vận tải đang rất khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19


Mới đây trong báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, liên quan tới quá trình thực hiện Nghị quyết 68, điều kiện xác nhận về thuế đang là một trở ngại với nhiều địa phương và người sử dụng lao động. Do đó, Bộ LĐTBXH sẽ trình Chính phủ xem xét, sửa đổi theo hướng bãi bỏ toàn bộ điều kiện về hồ sơ xác định thuế để thúc đẩy nhanh việc hỗ trợ cho các đối tượng.
 
Bộ trưởng cũng khẳng định, sẽ bãi bỏ điều kiện người sử dụng lao động không có nợ xấu năm 2020, để được vay tiền trả lương cho người lao động, trả lương phục hồi sản xuất.
 
Đại diện một doanh nghiệp vận tải cho rằng, ngoài việc đơn giản hoá thủ tục tiếp cận gói hỗ trợ, Chính phủ cần có chỉ đạo các ngân hàng gia hạn, kéo dài thời gian trả nợ và giảm lãi vay cho doanh nghiệp.
 
Đặc biệt, khi dịch bệnh được kiểm soát, cần có chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay để khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Vũ Điệp

5.870 tỷ đồng hỗ trợ đã đến tay 13 triệu lượt lao động

5.870 tỷ đồng hỗ trợ đã đến tay 13 triệu lượt lao động

Cập nhật giải ngân từ gói an sinh xã hội 26.000 tỷ (gói hỗ trợ lần 2) cho thấy, đến nay đã có gần 13 triệu lượt lao động nhận được hỗ trợ.