Hiện dư luận đang có nhiều bình luận xôn xao về đề xuất thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng thay vì theo hộ gia đình như hiện nay. Bộ trưởng có thể nói rõ về việc này?

- Việc thu phí rác sinh hoạt quan trọng nhất là không đánh đều bình quân, ví dụ rác thu 10 - 20 nghìn/hộ mà tính trên lượng rác, đo bằng khối lượng, thể tích. Thông thường đo bằng khối lượng thì không thực tế nên chủ yếu người ta đo bằng thể tích trên bao đựng rác, người ta tính khoảng bao nhiêu m3 rác. Tính như thế là phù hợp hơn.

Tính theo lượng có nghĩa là xả ra khối lượng rác nhiều, tức thể tích nhiều thì phải trả tiền nhiều, chứ không đánh đều trung bình, bình quân.

Nhiều nước tính tiền rác qua bao bì. Họ thực hiện phân loại rác, các loại với màu sắc khác nhau. Mỗi bao bì chứa thể tích bao nhiêu và dựa vào lượng rác trên bao bì để tính bán bao bì và tiền thu rác.

Việc này được quy định như thế nào trong dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi?

- Vấn đề này không quy định cụ thể trong luật mà sẽ đưa ra nguyên tắc, trên cơ sở đó các địa phương quy định cụ thể quá trình thực hiện. Có thể cụ thể hoá bằng nghị định, thông tư chứ không đưa vào chi tiết trong luật này.

{keywords}

Ảnh: Minh Đạt

Bộ luật này chỉ nói nguyên tắc là không tính tiền xử lý rác đổ đồng mà trên cơ sở người nào xả rác ra nhiều thì phải trả nhiều hơn, tức là dựa trên lượng rác. Thông thường các nước dựa vào thể tích túi bao bì. Còn việc quy định màu nào, chia bao nhiêu loại túi, cách tính toán thế nào thì sẽ do văn bản dưới luật hướng dẫn.

Nhưng ở Việt Nam người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác, vẫn thường xảy ra tình trạng vứt rác vừa bãi, thậm chí vứt trộm thì liệu việc này có khả thi?

- Đúng là như vậy. Hàn Quốc mất 10 năm để thực hiện được vấn đề này. Thực thi được hay không thì quan điểm, chủ trương của luật pháp phải phù hợp thực tế.

Khi đưa ra chính sách như vậy phải xác định trách nhiệm người dân phân loại, đến thu gom thế nào, tức là phải có sự đồng bộ giải pháp từ người dân, cho đến khâu cuối cùng là xử lý trên chặng đường thu gom, phân loại.

Quan trọng hơn nữa là người dân có nhận thức đầy đủ vấn đề này hay không, vì đây là việc người dân trực tiếp làm, trực tiếp giải quyết vấn đề bảo vệ sức khoẻ cho chính mình. 

Nếu người dân ủng hộ được và trực tiếp làm thì sẽ thành công. Nhà nước đảm bảo các điều kiện để làm sao từ khi người dân phân loại thì có chính sách khuyến khích người dân tham gia vào quá trình này và người dân cũng được thụ hưởng qua việc phân loại đó....

Tại phiên thảo luận tổ ngày 11/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “Phải rút ví bỏ ra hàng chục triệu đồng nộp phạt thì mới nâng cao ý thức. Chúng ta không có chế tài nghiêm thì nói mãi cũng nhờn”.

Dự luật lần này tính toán việc xử phạt các hành vi vi phạm bảo vệ môi trường như thế nào?

- Chỉ đạo của Thủ tướng cũng chính là quan điểm của bộ luật này.

Chúng tôi đưa vào luật mấy vấn đề về mặt thanh tra xử phạt thành chính. Chẳng hạn như việc thanh tra với DN, nhà máy lớn thì không không theo kế hoạch và thông báo trước mà nhiều khi theo thông tin phản ảnh cho thấy có vấn đề thì thanh tra ngay.

Còn xử lý vi phạm sẽ theo khung cao nhất và phải bằng mức chi phí mà nhà sản xuất cố tính vi phạm, trốn tránh để mang lại lợi nhuận phi pháp của mình.

Đưa ra mức như thế nào đó thì phải được Quốc hội cho phép nhưng quan điểm về mặt nào đó phải xử phạt thật nghiêm, tiền xử phạt đủ lớn để răn đe. Với người dân còn có giáo dục, nâng cao nhận thức, cả cộng đồng vào cuộc.

Thủ tướng cũng lưu ý, dự luật phải làm rõ hơn vai trò quản lý nhà nước cũng như chức năng của các bộ, ngành, không thể một bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi”?

- Quan trọng là phải làm rõ chức năng nhiệm vụ. Nhiệm vụ nào quản lý nhà nước thống nhất, nhiệm vụ nào phân công các bộ ban ngành và địa phương, đi kèm là con người, đạt được mục tiêu và chịu trách nhiệm, chứ không phải một việc đến 2-3 người thì sẽ chồng chéo.

Còn giờ một việc phân cho một người, người quản lý không đi làm việc mang tính sự nghiệp và hoạt động trong lĩnh vực đấy. Người làm quản lý và hoạt động sự nghiệp, hoạt động DN phải tách bạch hơn.

Quản lý nhà nước phải thống nhất với quy định luật theo nguyên tắc một việc chỉ giao một người. Ví như người làm cầu thủ không làm trọng tài, phân cấp, trách nhiệm đi với quyền hạn và năng lực thực thi; làm rõ quản lý nhà nước với hoạt động sự nghiệp và DN. Cái gì làm tốt nên xã hội hóa.

Thu Hằng

Thủ tướng: Phải rút ví hàng chục triệu nộp phạt mới biết bảo vệ môi trường

Thủ tướng: Phải rút ví hàng chục triệu nộp phạt mới biết bảo vệ môi trường

Thảo luận tại tổ về dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vào sáng nay (11/6), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, vấn đề môi trường là thách thức không chỉ riêng Việt Nam mà cả toàn cầu.