Về những khởi sắc của vùng đất Mường Nhé sau những thăng trầm của lịch sử, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Điện Biên Lò Văn Muôn tâm đắc với vai trò của xây dựng Đảng.

Ông cho biết, trong nhiều năm qua, sự quan tâm của tỉnh ủy đối với các đảng bộ, tổ chức đảng ở vùng biên đều nằm trong mối quan tâm chung của tỉnh ủy. Những đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước đều được triển khai đồng bộ đến với các vùng khó khăn, trong đó có Mường Nhé.

“Có nhiều nghị quyết triển khai chung, đồng bộ cho các địa phương, khi áp dụng với các địa phương cụ thể lại phát huy những vai trò cụ thể.

{keywords}
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Điện Biên Lò Văn Muôn

Ví dụ điển hình như nghị quyết 04 năm 2016 về xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, phát triển đảng, cơ sở đảng ở những thôn bản chưa có đảng viên hoặc chưa có chi bộ, đây là một trong số những nghị quyết dùng chung cho đảng bộ nhưng mục tiêu hướng đến phần nhiều cho vùng biên”, lời ông Lò Văn Muôn.

Đối với Mường Nhé, ông Muôn nhìn nhận, đảng bộ các cấp đã thể hiện được vai trò lãnh đạo của mình trong mọi công việc về chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương.

Trong những việc nổi lên ở Mường Nhé về trật tự an toàn xã hội, di cư tự do, nội dung về quản lý rừng hay xóa đói, giảm nghèo đều có vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng.

Theo ông Muôn, trong lịch sử, Mường Nhé là vùng đất màu mỡ, dân cư thưa, thuận lợi cho việc làm nương rẫy nên thu hút di cư tự do, kèm theo việc di cư tự do cũng mang theo các nguy cơ, hạn chế ở từ nơi khác đến.

Bên cạnh đó, các thế lực hoặc các phần tử lợi dụng việc đó để tuyên truyền, lôi kéo và kích động tư tưởng ly khai dẫn tới sự kiện tháng 5/2011.

Với ông Lò Văn Muôn, sự kiện tháng 5/2011 là vụ việc tụ tập đông người - một hành động vi phạm pháp luật trong một đất nước có chủ quyền.

{keywords}
Bản Huổi Khon, xã Nậm Kè

Ông chia sẻ: “Với lượng người kéo về Nậm Kè, Mường Nhé lên đến 6-7 nghìn người trong thời gian ngắn, sinh hoạt trong các lều trại và bị các đối tượng phản động lừa dối về việc một vị 'vua Mông' từ trên trời sẽ xuất hiện khiến tình hình chính trị bất ổn.

Thời điểm ấy, Phó bí thư - Chủ tịch UBND Tỉnh Mùa A Sơn là người trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng của địa phương để thực hiện việc giải tán đám đông. Ông Sơn cũng là người đi đầu để gặp gỡ, thuyết phục, đấu tranh với đối tượng cầm đầu.

Tôi cho rằng hành động của ông Mùa A Sơn là hành động có trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính địa phương, thể hiện Mường Nhé thuộc chủ quyền của chúng ta, của tỉnh Điện Biên, của đất nước Việt Nam chứ đâu phải của một nhóm người nào”, ông Lò Văn Muôn nhận định.

Phải thượng tôn pháp luật

Trước hệ lụy của việc dân di cư tự do từ nhiều nơi về Mường Nhé, dẫn đến việc khó khăn trong việc nhập khẩu, ông Muôn cho rằng mọi việc làm của người dân phải tuân thủ quy định pháp luật.

“Có không ít người hỏi chính quyền câu: tôi có phải người Việt Nam không? Theo tôi, những câu hỏi như vậy phản ánh góc độ nhận thức và hiểu biết còn hạn chế.

Pháp luật của nước ta được tự do cư trú trên đất nước Việt Nam nhưng ai muốn di chuyển đến, di cư đến cũng phải có đủ các điều kiện cụ thể.

{keywords}
Trang trại của bí thư bản Tá Miếu (xã Sín Thầu, Mường Nhé) 

Đằng này, một bộ phận người dân lẳng lặng theo đường rừng, trốn tránh mọi sự quản lý, mọi sự kiểm soát, tự vào khai phá, phát rừng làm nương nên hỏi làm sao là công dân Việt Nam được. Công dân Việt Nam muốn cư trú ở đâu thì đều phải theo quy định của pháp luật”, ông Muôn thẳng thắn.

Bên cạnh đó, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Điện Biên cho biết, tỉnh cũng triển khai chính sách và đã xin ý kiến của Trung ương về việc quản lý hộ tịch, hộ khẩu.

Có nhiều trường hợp, tỉnh đã giao cho cơ quan chức năng bỏ công sức, thời gian để xác minh, chứng minh là họ có đủ điều kiện để cấp chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu.

“Phải làm cho Mường Nhé sáng lên”

Phó bí thư thường trực tỉnh ủy Lò Văn Muôn cho biết, tháng 8 vừa qua, làm việc với ban Giám đốc Công an huyện Mường Nhé tại Hà Nội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đặt kỳ vọng huyện phấn đấu trở thành điểm sáng phát triển kinh tế - xã hội, tích cực trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Bộ trưởng xác định, để yên tâm sản xuất, người dân phải ổn định chỗ ở, từ đó hơn 1.000 căn nhà với tiêu chí 3 cứng bằng nguồn vốn Bộ Công an huy động sẽ được triển khai tại huyện.

{keywords}
Công an Mường Nhé dựng nhà với nguồn vốn của bộ Công an. Ảnh: Ngọc Trường

“Tỉnh ủy đã có kế hoạch thực hiện nghiêm túc việc thực hiện làm nhà này và đã có những kết quả bước đầu”, ông Muôn nói.

Trưởng công an huyện Mường Nhé, Đại tá Nguyễn Ngọc Trường cho biết, đến nay các lực lượng đang tích cực và đảm bảo tiến độ hoàn thiện nhà cho những gia đình được chọn hỗ trợ.

Huyện đã rà soát, lập danh sách số hộ có nhu cầu cần hỗ trợ đến từng bản, hộ gia đình. Lập biên bản làm việc, hướng dẫn cho các hộ gia đình viết đơn xin hỗ trợ làm nhà theo mẫu.

“An cư mới lạc nghiệp, khi có nhà khang trang để ở, tôi tin người dân sẽ yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế, bỏ tập quán di canh, di cư như mong muốn của Đại tướng Tô Lâm”, trưởng Công an huyện Mường Nhé chia sẻ.

Đoàn Bổng

'Tôi có phải người Việt Nam không' và trăn trở của Bí thư Mường Nhé

'Tôi có phải người Việt Nam không' và trăn trở của Bí thư Mường Nhé

Ngày nhận quyết định của tổ chức về làm Bí thư huyện ủy Mường Nhé (Điện Biên), ông Nguyễn Quang Sáng tự nhủ phải dồn hết sức và trí lực để đưa huyện vùng biên phát triển.