- Chủ tịch Hội đồng Dân tộc QH Ksor Phước cho rằng quyết định của UBND ai ký phải là người dự cùng nguyên đơn giải quyết vụ án hành chính. Nếu ký sai có thể đứng trước vành móng ngựa chứ không thể ủy quyền cho người khác đứng thay.

Thảo luận tại tổ về dự án luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) chiều nay, ĐBQH bất bình trước các vụ án hành chính - những vụ án "dân kiện quan" chưa khi nào thấy quan ra tòa mà toàn trốn, rồi ủy quyền cấp dưới. Dù những người được ủy quyền chưa hẳn có liên quan hoặc có chuyên môn, đơn thuần chỉ được phái đến đến nghe rồi về báo cáo lại.

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) lưu ý, thực trạng trên dẫn đến việc tranh tụng tại phiên tòa không hiệu quả. Chất lượng xét xử các vụ án hành chính vì thế rất thấp, tỉ lệ phải cải sửa tới 4-5%, chủ yếu liên quan đất đai.

Ông Đương đề nghị dứt khoát người nào ký quyết định thì người đó phải ra tòa. Có như vậy mới đảm bảo bình đẳng trong xét xử, công bằng cho người dân.

"Khi quan ký sai, quan phải ra tòa thì mới thấy được cái sai của mình để có trách nhiệm và cẩn trọng hơn khi ra quyết định" - ông nói.

ĐB Hà Văn Khoát (Bắc Kạn) cũng lo ngại, nếu không quy định rõ trường hợp nào mới được cử người đại diện thì e rằng tất cả các vụ án hành chính liên quan đến người đứng đầu cơ quan, tổ chức đều sẽ cử người đại diện theo ủy quyền. Sẽ không có ông chủ tịch, giám đốc sở nào lại đứng ra hầu tòa cả.

{keywords}
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước

Kể câu chuyện của bản thân khi còn làm Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho hay, ông cũng từng cử văn phòng đi thay trong một vụ án tố tụng hành chính tại huyện Chư Sê (Gia Lai). Lúc đó thấy cũng bình thường nhưng nghĩ lại cần phải xem xét lại.

Theo ông, nếu là quyết định của UBND, thì ai ký người đó phải thay mặt UBND để dự cùng với nguyên đơn giải quyết vụ án. Không thể đưa một ông phó giám đốc đến, như thế không đúng, vì đây chỉ là cơ quan tư vấn, tham mưu giúp việc.

"Nếu người ký là chủ tịch hoặc ông phó chủ tịch ký thay thì ông chủ tịch và ông phó chủ tịch phải đứng ra thực hiện. Ông ký sai ông chịu, ông cũng có thể đứng trước vành móng ngựa chứ không thể ủy quyền cho người khác đứng thay được", ông Ksor Phước nhấn mạnh.

Tòa huyện không dám xử quan huyện

Một thực tế được nêu, đó là hầu hết các địa phương đều còn tình trạng nể nang khi tòa huyện xử quan huyện dẫn đến tồn đọng án, án kéo dài, gây bức xúc cho nhân dân. ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) cho biết đã theo dõi từ khi còn làm ở huyện đến khi về tỉnh, thấy rất khó cho chánh án TAND huyện khi xử chủ tịch huyện, thậm chí không dám xử, dẫn đến đùn đẩy, án kéo dài.

Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga chỉ rõ về mặt lý thuyết tòa án xét xử độc lập nhưng khi một ông chủ tịch huyện thường kiêm phó bí thư bị kiện, về mặt lý thuyết là độc lập, nhưng về mặt thực tiễn thẩm phán là đảng viên công tác tại tòa án có quan hệ lệ thuộc với ông phó bí thư huyện.

{keywords}
Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga 

"Trong trường hợp này có sự lệ thuộc nhất định, nhất là tòa án lệ thuộc về kinh phí, ông chánh án cũng có quan hệ lệ thuộc. Đặt thẩm quyền cấp huyện xử việc kiện ông chủ tịch cấp huyện là khó", bà Nga phân tích.

Theo bà, nên mở rộng thẩm quyền cho TAND tỉnh, thành, cho phép xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND huyện, chủ tịch UBND huyện. Việc này sẽ đảm bảo công bằng và quyền lợi chính đáng cho người dân.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng các thẩm phán phải chịu rất nhiều áp lực khi xét xử các vụ án dân kiện quan. Nếu dân thắng, bất lợi cho quan, còn nếu quan thắng, dân thua mà họ có ấm ức thì thẩm phán thấy không yên. Chưa kể áp lực án cải sửa, hủy rồi oan sai phải bồi thường. Họ không mấy tha thiết khi về các tòa hành chính.

"Nhiều nơi coi toà án huyện như 1 đơn vị cấp phòng của huyện. Họ bảo ông chánh án TAND huyện sao to bằng ông chủ tịch được, giờ ông chánh án đi xử ông chủ tịch thì xử thế nào?", bà Thúy đặt câu hỏi.

Theo đó, ĐB cho rằng nên xem xét việc để TAND tỉnh xét xử sơ thẩm những vụ án khiếu kiện quyết định chủ tịch UBND huyện. Tuy nhiên cần có quy định cụ thể, tránh việc cứ khiếu kiện thuộc thẩm quyền của huyện là rút hết lên trên để xử.

{keywords}
ĐB Trần Du Lịch

Cũng không đồng tình để tòa huyện xử chủ tịch huyện, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) khá gay gắt: “Tất cả cử tri khiếu nại về đất đai, hành chính mà tôi khuyên đưa ra tòa, họ nói với tôi là đừng bày họ làm chuyện đó, mất thời giờ. Làm sao ông thẩm phán dám xử ông chủ tịch huyện, thậm chí ông chánh án cũng không dám xử. Chúng ta phải thực tế, không lý thuyết chỗ này”.

Ông đề nghị tất cả quyết định của UBND quận, huyện thì tòa án tỉnh phải xử.

"Nếu xử, tỷ lệ thắng kiện của người dân đã ít rồi mà thắng kiện đến thi hành án càng cực kỳ khó khăn. Tôi đang cầm một loạt hồ sơ không chịu thi hành. UBND không chịu thi hành, cơ quan thi hành không dám thi hành”, ông Trần Du Lịch chia sẻ.

T.Hạnh - T.Chung -  H.Nhì - L.A.Dũng