Hà Nội ngày 7/3 có 32.317 ca Covid-19 nhiễm mới. Tính từ đầu đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4) tới nay, Thủ đô có tới 430.525 ca nhiễm.
Trong khi đó, trên bình diện cả nước, ngày 7/3 có 147.358 người nhiễm mới, nâng tổng số ca từ đợt dịch thứ 4 lên 4.574.560 ca. Công sở, nhà máy, xí nghiệp, vắng bóng người làm việc do nhân sự đã trở thành F0, F1. Đường phố ở Hà Nội cũng thưa vắng người có lý do F0, F1 nhiều, ai cũng ở nhà.
Mới đây, Bộ Y tế đã đề xuất cho phép người thuộc diện F0, F1 đi làm việc và hàng ngày Bộ sẽ không công bố số ca nhiễm.
Cả Trạm y tế phường Tương Mai (Hoàng Mai) có 9 cán bộ, nhân viên y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho 31.000 dân |
Nêu quan điểm về vấn đề này, bạn đọc Thu Quỳnh cho hay: “Không ít công ty có quá nhiều người bị nhiễm bệnh, rơi vào tình cảnh một người gánh việc cho mấy người. Rất mệt mỏi”.
“Theo tôi, F1 phải đi làm, không nên cách ly vì làm như vậy sẽ thiếu hụt nguồn lao động trầm trọng. Còn F0 thì vẫn nên cách ly, không nên vội vã đi làm”, bạn Cao Văn Trọng nêu quan điểm.
Bạn đọc Thanh Tuấn cho rằng, cả nước đã được phủ vắc xin, số ca mắc bệnh nặng không nhiều, nên không cần phân biệt F1, F0. Khi đi làm, F1, F0 đeo khẩu trang, sát khuẩn... đảm bảo 5K. Ai bị ho, sốt thì uống thuốc, nếu thấy nặng thì nhập viện.
Đồng quan điểm với Thanh Tuấn, bạn Mộng Vân cho rằng: “Mọi người cần đeo khẩu trang và giữ 5K. Dù có F0 đứng ngay trước mặt nhưng cả 2 đều đeo khẩu trang đúng cách thì khả năng lây lan thấp”.
“F0, F1 đi làm là hợp lý bởi nhiễm thì cũng không nặng, uống thuốc là khỏi”, Đăng Linh nêu quan điểm.
Bạn đọc Ngọc Toàn mạnh mẽ cho rằng: “Cần quy định rõ, F0 phải đi làm trực tiếp, trừ khi trở nặng, nhập viện. Không nên để tự nguyện, bởi như thế sẽ có người viện lý do để trốn việc”.
Bạn đọc Ngọc Chúc cho hay: “Rồi F nào cũng phải đi làm cả thôi nhưng phân loại rõ ràng là tốt nhất! Theo tôi, nên phân loại F1 chung cơ quan hay F1 chung nhà F0. F1 chung cơ quan thì cho đi làm bình thường vì đã thực hiện 5K. Còn F1 chung nhà F0 thì nên cho cách ly tại nhà 5 ngày để theo dõi, vì F1 chung nhà thì sinh hoạt, ăn uống chung, thậm chí ngủ chung F0 (vợ chồng, cha mẹ con cái,...) nên nguy cơ nhiễm cao”.
Còn bạn Thanh Hải cho rằng, các F0 nên làm ở phòng làm việc riêng.
Lây lan, hậu Covid-19, ai chịu?
Bên cạnh quan điểm ủng hộ việc cho F1, F0 đi làm, nhiều người tỏ ra lo lắng vì nguy cơ lây nhiễm sẽ tăng lên. “Làm thế nào đảm bảo những người F0, F1 đi tới nơi về tới chốn, không gây ảnh hưởng tới những người khác?”, bạn Trần Trọng An đặt câu hỏi.
Bạn Đức Phong lo lắng: “F1 mà đang chờ xác định có lây nhiễm hay không, đã cho đi làm trực tiếp thì có nguy hiểm không? Nếu quyết tâm cho đi làm, cần bắt họ cam kết chịu trách nhiệm việc đi tới nơi về tới chốn, không rẽ ngang dọc (kể cả chợ búa), không làm lây nhiễm bệnh dịch!. Hơn nữa, không phải F0 nào cũng bị nhẹ, nên việc ép những F0 có sức khỏe đi làm không đảm bảo là điều không nên”.
Bạn có nickname Hoàng Thanh LC lo lắng: “Chưa có miễn dịch cộng đồng thì chưa nên để F1, F0 “hăng hái” như thế. Nếu đã quyết tâm để họ đi làm, nên bắt ký cam kết không để lây lan dịch bệnh, đảm bảo 5K... Nếu không, với ý thức của người dân mình, cũng chả biết ngoài giờ làm họ đi những đâu!”.
Bạn Ai Vân Anh nêu ra vấn đề đáng chú ý: “Không chỉ quan tâm tới việc F0, F1 tự nguyện đi làm mà phải có tự nguyện của đồng nghiệp. Họ có muốn làm việc cùng với F1 trong thời gian chờ xác nhận F1 bị nhiễm hay không? Còn F0 thì chắc chắn là rất khó”.
Bạn có nickname QueHaNoi cho rằng, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh chỉ dựa vào ý thức trách nhiệm của F0, F1 là điều khó khả thi.
Bạn đọc Trần Thị Vân cùng quan điểm khi cho rằng, các nước tiên tiến như Mỹ và Tây Âu đã trải qua các loại lây nhiễm của các biến chủng Covid-19 hơn nước ta, tiềm lực vắc xin, hệ thống y tế tốt hơn ta nhưng họ vẫn chưa coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, hệ thống y tế vẫn theo dõi và tích cực phòng chống Covid-19. Nước ta y tế còn chưa mạnh, để F0, F1 đi làm bình thường càng khó hơn khi ý thức người dân quá “phập phù”.
“Virus liên tục biến đổi, vẫn cần cẩn thận nếu không lại có biến chủng mới thì không kịp trở tay”, bạn Lê Tuấn Anh lo ngại.
Bạn Minh Anh thì cho rằng: “Nên thí điểm tại một nơi cụ thể trước rồi mới áp dụng rộng rãi”.
Thành Huế
Hà Nội chục ngàn ca nhiễm mỗi ngày, y tế phường làm quần quật, sao nỡ trách?
Lo lắng khi bị nhiễm Covid-19, nhưng không được nhân viên y tế chăm sóc, nhiều người dân ở Hà Nội bức xúc, thấy mình bị bỏ rơi. Nhưng, cũng có nhiều F0 ngậm ngùi “thương các em, các cháu vất vả quá”.