- Những quyết định xé rào của ông góp phần quan trọng trong việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Nhiều người gọi ông là Bí thư xé rào, kiến trúc sư của đổi mới…

Đó là chia sẻ tại hội thảo “Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng Việt Nam” do Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Thành ủy TP.HCM, Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức ngày 17/11 ở TP.HCM.

Đây là hoạt động kỷ niệm 90 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Gần 90 tham luận khẳng định những cống hiến to lớn của ông đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và đổi mới đất nước.

“…Nếu phải đi tù, tôi đem cơm cho chị”

Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải kể: Những năm từ 1976 đến 1981, TP.HCḾ phải đương đầu với vô vàn khó khăn, thách thức mới như lũ lụt miền Tây, công tác cải tạo nhiều sai sót, thiếu điện cho sản xuất và tiêu dùng, tiêu cực xã hội phát triển, số người thất nghiệp tăng, giới trí thức trốn ra nước ngoài tăng nhanh…

Ông Hải kể, lúc đó, những khó khăn hiện diện khiến một bộ phận trí thức muốn ra đi khỏi đất nước.


Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong ngày hoàn thành đường dây tải điện 500KV Bắc - Nam. Ảnh: Tuổi trẻ

Đảm trách vị trí lãnh đạo thành phố giai đoạn này, ông Võ Văn Kiệt đã đến gặp họ. Ông nói: “Anh em cố gắng ở lại, trong vòng 3 năm nữa, nếu tình hình vẫn không thay đổi, tôi sẽ đưa anh em ra sân bay”. Và họ ở lại. Đổi lại cho những nỗi mơ hồ là sự chờ đợi, tin tưởng ở tương lai.

Nhưng hơn cả, bản lĩnh của cố Thủ tướng được thể hiện mạnh mẽ ở những quyết định, những hành động lớn, mà ông Hải gọi đó là những quyết định, hành động ‘xé rào”.

Hai chỉ đạo hành động “xé rào” mà ông đã làm là trong hai lần quyết định mua lúa gạo cứu đói cho dân.

Năm 1978, một lần họp với lãnh đạo các tỉnh Tây Nam bộ bàn về giá mua lúa. Theo chỉ đạo của Chính phủ, giá lúa mua không quá 8 đồng/kg, kể cả lúa giống. Nếu theo chỉ đạo này thì sẽ không mua được lúa để xuống giống cho kịp vụ đông xuân, hệ quả năm sau còn thiếu đói trầm trọng nữa.

Khi đó, ông Sáu Dân (Võ Văn Kiệt - PV) đã nói với lãnh đạo các tỉnh Tây Nam bộ: “Một là để dân đói nhưng các đồng chí giữ nguyên chức vụ nếu theo đúng chỉ đạo, mua lúa giống không quá 8 đồng/kg. Hai là dân no, khắc phục được ngay hậu quả, kịp vụ nhưng các đồng chí mất chức. Các đồng chí chọn cách nào? Vậy là các đồng chí ấy chọn cách thứ hai”.

Lúc đó, ông nói quan điểm: Không có chủ trương nào của Đảng, Nhà nước làm cho dân đói khổ, cán bộ lo cho dân no lại bị kỷ luật. Còn nếu cấp trên nghiêm, cứng, cứ yêu cầu phải kỷ luật để làm gương, thì thà chịu mất chức còn tốt hơn là ngồi đó để thấy dân mình đói khổ.

Một lần khác, sau ngày thống nhất, Sài Gòn bị kéo vào guồng máy kinh tế tập trung. Đến mùa thu hoạch, đồng lúa miền Nam chín vàng, nhưng người dân thành phố lại ngấp nghé nạn đói. Nhà nước áp giá 1,5 đồng/kg trong khi thị trường là 5,2 đồng, vì thế người dân không chịu bán.

Lúc đó, ông Kiệt trực tiếp chỉ đạo bà Ba Thi - Giám đốc công ty Lương thực thành phố mang tiền xuống các tỉnh ĐBSCL mua lúa với giá gấp 5 lần giá Nhà nước quy định. Chỉ đạo này khiến bà Ba Thi lo lắng. Ông cương quyết: “Chị cứ làm đi, nếu chị phải đi tù thì tôi đem cơm cho chị”.

Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh Tạ Ngọc Tấn cho rằng, nếu trong những năm 1978-1979, ông Võ Văn Kiệt được mệnh danh là “Chủ tịch gạo” vì đã giải quyết nhanh vấn đề giải quyết lương thực trầm trọng của thành phố thì những năm 1980-1981, ông được gọi là “Tướng xé rào” vì đã vượt qua lối tư duy mòn cũ, đi sâu tìm hiểu và đề ra những biện pháp sáng tạo để tháo gỡ khó khăn cho thành phố.

Bí thư Lê Thanh Hải cũng khẳng định nhờ “những quyết định xé rào”, ông đã góp phần quan trọng trong việc hình thành đường lối đổi mới.

“Tổng công trình sư”

Tại hội thảo, các tham luận cũng đã chứng minh rằng, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một trong những “tổng công trình sư” của nhiều dự án lớn, quan trọng trong thời kỳ đổi mới đất nước như công trình điện Trị An, Thác Mơ, Yaly, Phú Mỹ, đường dây tải điện 500 kV Bắc-Nam, các công trình giao thông như đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Thuận, nhà máy lọc dầu Dung Quất…

Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa TƯ Trần Trọng Tân xúc động kể lại, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt không những được thanh niên, nhân dân lao động tin yêu mà cả giới tri thức, nhân sĩ cũng rất quý mến. “Ông lôi cuốn họ theo cách mạng không phải từ sự khéo nói theo kiểu xã giao mà từ tấm lòng chân thật. Họ khen ông là người khi đã hứa giúp ai cái gì là không quên, dù là những việc nhỏ nhất”.

Ông Tạ Ngọc Tấn khẳng định, trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, cố Thủ tướng có hai cống hiến nổi bật thể hiện rõ nét tầm nhìn của một nhà lãnh đạo tinh tường và đầy bản lĩnh.

Đó là việc ông kiến nghị xứ ủy Nam Bộ cho phép sáp nhập Sài Gòn - Chợ Lớn với Gia Định thành Khu Sài Gòn - Gia Định.

“Chính việc sáp nhập này đã minh chứng sinh động cho tầm nhìn mang tính chiến lược, vùng ven Gia Định trở thành “vành đai đỏ”, là bàn đạp để các lực lượng biệt động đứng chân, thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công vào quân Mỹ ngụy ở nội thành”, ông Tấn khẳng định.


Các đại biểu trao đổi tại hội thảo

Cống hiến to lớn mang dấu ấn Võ Văn Kiệt đó là quyết định không chấp nhận ngừng bắn khi chính quyền Sài Gòn đã vi phạm Hiệp định Paris, vào đầu năm 1973.

Cụ thể, gần một tuần sau Hiệp định được ký kết, tận mắt chứng kiến những vi phạm trắng trợn của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, ông Kiệt đã triệu tập hội nghị Thường vụ Khu ủy mở rộng và quyết định không chấp nhận ngừng bắn khi chính quyền Sài Gòn đã vi phạm Hiệp định Paris.

“Đây là một quyết định rất dũng cảm và đầy trách nhiệm, phù hợp với tình hình thực tế của chiến trường và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và các lực lượng vũ trang lúc bấy giờ. Lịch sử đã chứng minh quyết định này là đúng đắn”, ông Tấn phân tích.


Tá Lâm