Quyết liệt chuyển đổi

Từ vùng đất chuyên trồng lúa nước, xã Đặng Cương, huyện An Dương đã thay đổi tư duy chuyển từ trồng lúa sang trồng hoa, cây cảnh. Từ đó, thu nhập bình quân từ trồng hoa, cây cảnh của người dân đều tăng ít nhất từ 2-3 lần. Có những hộ gia đình thu nhập cả tỷ đồng mỗi vụ hoa. Hoa Hải Đường Đặng Cương trở thành thương hiệu hoa nức tiếng khu vực phía Bắc. Năm 2015, Xã Đặng Cương, huyện An Dương về đích nông thôn mới.

Tại các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, An Dương…, các xã xây dựng NTM đều quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, các khu cánh đồng lớn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, huyện Vĩnh Bảo đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào các vùng sản xuất ở xã Tân Liên, Tam Đa…

{keywords}
Diện mạo nông thôn thay đổi

Hải Phòng đã thu hút 12 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC với tổng diện tích 1034,81 ha, vốn đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Hiện toàn thành phố có 20.340 ha vùng sản xuất tập trung, giá trị sản xuất trung bình đạt trên 245 triệu đồng/ha/năm.

Nhiều cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa cho năng suất cao hơn từ 8 đến 15% so với sản xuất đại trà, chi phí giảm 2,5 đến 5%, lãi thuần tăng từ 9 đến 11 triệu đồng/ha.

Trong lĩnh vực tiêu thụ sản phẩm, Hải Phòng có 54 doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia vào liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với 1.130 hộ vệ tinh, thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; 53 cửa hàng chuyên kinh doanh nông lâm, thủy sản được cấp giấy chứng nhận an toàn; 25 cửa hàng, hệ thống siêu thị tiêu thụ sản phẩm sản xuất nông lâm thủy sản.

Ở khu vực nông thôn đã hình thành các cụm, khu công nghiệp đi vào hoạt động. Hầu hết các huyện đều có cơ sở gia công cơ khí – luyện kim, các ngành dệt may, da giày, sản xuất vật liệu xây dựng, khai khoáng, tiểu thủ công nghiệp như sửa chữa, bảo trì, gia công cơ khí…, phát triển mạnh, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động.

Điều dễ nhận thấy, không chỉ bộ một nông thôn thay đổi mà thu nhập của người dân cũng tăng theo. Theo báo cáo của UBND TP. Hải Phòng, thu nhập đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 55 triệu đồng/người/năm (thu nhập bình quân khu vực nông thôn cả nước năm 2018 đạt 35,8 triệu đồng/người/năm), tăng 39,49 triệu đồng so với năm 2010 (15,51 triệu đồng/người/năm) và tăng 18,05 triệu đồng so với năm 2015 (36,95 triệu đồng/người/năm).

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, thời gian tới, thành phố tiếp tục xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị, xây dựng NTM đáp ứng yêu cầu thúc đẩy, nâng cao chất lượng toàn diện gắn với giảm nghèo bền vững, đời sống vật chất khá giả, môi trường sống an toàn, đời sống tinh thần phong phú.

Đến năm 2030, Hải Phòng phấn đấu thu nhập bình quân khu vực nông thôn gấp 2 lần so với năm 2025 (năm 2025 ước đạt 120 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,1%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%; duy trì tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch (như đô thị) đạt 100%; 50% số huyện chuyển thành quận.

Diện mạo nông thôn đổi thay

Sau 10 năm triển khai chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn của Hải Phòng, nhất là cơ sở hạ tầng đã có thay đổi vượt bậc, tạo nên sức bật mới cho khu vực ngoại thành của thành phố Cảng.

Thực hiện chủ trương của thành phố, ngay sau khi cán đích NTM, ngoài 15 thôn được chọn triển khai điểm mô hình có sự đầu tư, hỗ trợ kinh phí của thành phố thì rất nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố cũng hăng hái bắt tay vào xây dựng “Thôn nông thôn kiểu mẫu”. Hàng loạt các tuyến đường hoa, cây đã được xây dựng, nhân rộng, tạo điểm nhấn sắc nét trong tổng thể bức tranh thiên nhiên tươi đẹp của lành quê Hải Phòng hôm nay.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng thông tin, sau 10 năm đã xây dựng Nông thôn mới, đã có 5.711 km đường giao thông được nâng cấp, cải tạo; 269 trạm bơm điện, kiên cố hóa; trên 4.600 km kênh mương được nạo vét; 393,65 km đường dây trung thế, hạ thế; 1.137 trạm biến áp; 559 công trình trường học các cấp; 629 công trình văn hoá; 50 chợ nông thôn; 48 công trình y tế, 37 hệ thống cấp nước đạt quy chuẩn nước đô thị.

{keywords}
Hạ tầng là yếu tố quan trọng

Toàn bộ hệ thống giao thông khu vực nông thôn đã được bê tông hoá hoặc nhựa hoá. Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, thực hiện đề án hỗ trợ xi măng xây dựng đường giao thông nông thôn, thành phố hỗ trợ 527 nghìn tấn xi măng, tương ứng 780 tỷ đồng, nhân dân tự nguyện đóng góp gần 1,3 triệu ngày công, hiến hơn 4,148 triệu m2 đất, đóng góp trên 1.000 tỷ đồng, xây dựng khoảng 3.000 tuyến đường nội đồng, thôn xóm dài hơn 3.432 km.

 Cùng với đó, các địa phương đã đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới 450 trạm bơm điện, 559 công trình trường học các cấp, trên 50 chợ nông thôn, 629 nhà văn hóa, khu thể thao xã, thôn, xóm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 55 triệu đồng/người/năm, tăng 39,49 triệu đồng so với năm 2010.

Mục tiêu phấn đấu hết năm 2020, 100% số huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Đến năm 2025, có 4 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu; 30 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 20 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; 100 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu

Đến năm 2030, Hải Phòng phấn đấu có 100% huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu; 100% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; từ 20 - 30% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; 250 - 300 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn gấp 2 lần so với năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,1 %; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%; duy trì tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đạt 100%; 50% số huyện chuyển thành quận.

Trong giai đoạn tới, Hải Phòng tiếp tục xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài,là nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội. Từ nay đến năm 2020, Hải Phòng tập trung xây dựng nông thôn mới cấp huyện theo quy định tại Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Bài: Nguyễn Thị Kim Chi - nhóm PV
Ảnh: Phạm Duy Linh - nhóm PV