Trong những ngày qua, TP.HCM liên tục phá vỡ kỷ lục về số ca mắc trong ngày, từ 99 ca (ngày 16/6) tăng lên 137 ca (17/6) và tiếp tục tăng lên 149 ca (18/6).
Tối qua (21/6), TP.HCM ghi nhận đỉnh dịch mới khi có thêm 166 ca nhiễm sau 24h, cao nhất từ đầu đợt dịch lần thứ 4.
Đáng chú ý, ngoài những ca trong khu cách ly, phong tỏa thì vẫn còn rất nhiều ca bỗng nhiên xuất hiện, không rõ nguồn lây.
Hiện tổng số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM đã tăng lên gần 1.800 ca, trở thành ổ dịch cao thứ 2 cả nước, chỉ sau Bắc Giang. Trong khi một tuần trước đó, ngày 16/6, số bệnh nhân chỉ vừa vượt ngưỡng 1.000 ca.
Số ca nhiễm Covid-19 tại TP.HCM những ngày qua tiếp tục tăng mạnh. Ảnh: Trương Thanh Tùng |
Từ 20/6, TP đã thay đổi biện pháp chống dịch bằng chỉ thị đặc biệt (Chỉ thị 10), hôm nay (22/6), đợt giãn cách thứ hai đã ở vào tuần cuối nhưng việc khống chế dịch còn rất nhiều khó khăn khi diễn biến vẫn vô cùng phức tạp.
Trước đó, từ 0h ngày 20/6, TP ban hành Chỉ thị 10 khi đã 3 tuần trong hai đợt giãn cách, liên tiếp các ca bệnh vẫn tăng mạnh. Đây là chỉ thị áp dụng những biện pháp cụ thể với hoàn cảnh hiện tại, để siết chặt phòng, chống dịch và thực nghiêm hơn việc giãn cách xã hội. Nhưng nghịch lý là càng giãn cách thì số ca lại càng tăng mạnh.
Hiện TP đã phong tỏa 3 khu phố thuộc phường An Lạc (quận Bình Tân) và 3 ấp thuộc xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) với mỗi nơi ghi nhận cả trăm ca từ 20/6.
Đến trưa 21/6, TP lại phong tỏa tiếp khu phố 2, phường 16 (quận 8), nơi tiếp giáp phường An Lạc. Đây là khu phố có 2.049 nhân khẩu, 6 khu nhà trọ (595 phòng trọ) với 1.400 nhân khẩu.
Theo Chủ tịch UBND quận 8 Trần Thanh Tùng, tính đến ngày 20/6, trên địa bàn ghi nhận 110 ca mắc, trong đó các ca bệnh có dấu hiệu tăng theo từng ngày. Đặc biệt, tại phường 16 phát hiện 57 ca mắc và chỉ riêng khu phố 2 chiếm 53 ca.
Tính đến chiều tối cùng ngày, để khoanh vùng, điều tra, truy vết các trường hợp mắc Covid-19 mới, TP đã phong tỏa thêm nhiều nơi với tổng cộng 469 điểm ở khắp 21 quận, huyện và TP Thủ Đức.
Phó chủ tịch TP Dương Anh Đức nhấn mạnh, nguyên tắc phong tỏa là người dân “nội bất xuất, ngoại bất nhập”; người trong khu phong tỏa phải giãn cách, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật cấp thiết.
Chính quyền TP cũng nhận định, diễn biến của dịch bệnh đang rất phức tạp và có nhiều điểm mới khó lường. Số người nhiễm bệnh tăng cao, tăng nhanh và dự báo khả năng con số này tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Việc siết chặt, nâng cao hơn mức độ của các biện pháp phòng, chống dịch đang triển khai là phù hợp với yêu cầu của tình hình hiện nay để có thể nhanh chóng kiểm soát và khống chế dịch bệnh, nhất là các chuỗi dịch chưa rõ nguồn lây”.
Với quyết tâm cao, chính quyền TP.HCM xác định, đây là tuần rất quan trọng để chặn đứng dịch bệnh.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, biện pháp căn cơ nhất vẫn là tiêm vắc xin nhưng để vắc xin hoạt động hiệu quả cần có thời gian.
Do đó, trước mắt vẫn cần tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch triệt để và tầm soát diện rộng. Đồng thời có biện pháp kiểm soát và giảm bớt dòng người đến TP.HCM.
Cuộc chạy đua vắc xin
TP.HCM vừa được Chính phủ giao triển khai một chiến dịch tiêm chủng phòng Covid-19 với quy mô rất lớn. Trong số lượng một triệu liều vắc xin AstraZeneca mà Nhật Bản tặng Việt Nam, TP được phân bổ 836.000 liều.
Trong đó, có 50.000 liều giao cho Bộ Quốc phòng phía Nam và lực lượng công an; TP còn hơn 780.000 liều và sẽ phân bổ tiêm cho tất cả các nhóm ưu tiên.
TP.HCM bắt đầu chiến dịch tiêm chủng cho gần 800 nghìn người. Ảnh: Trương Thanh Tùng |
“TP đã bắt đầu khởi động chiến dịch tiêm vào ngày thứ 7 (19/6) và chiều 21/6 sẽ triển khai đại trà. Hy vọng chiến dịch triển khai đúng như kế hoạch mong muốn là 5 ngày, thời gian còn lại dành để tiêm vét.”, Phó chủ tịch TP Dương Anh Đức cho hay.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cũng nhấn mạnh: "Mặc dù triển khai thần tốc, quyết liệt nhưng mục tiêu hàng đầu vẫn là đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng, chống Covid-19. TP sẽ thực hiện theo phương châm tiêm tới đâu an toàn tới đó".
Tuy nhiên, ngành y tế TP cho biết, nếu tiêm xong đợt này thì mới có 6% dân số TP được tiêm. Theo thống kê, TP có hơn 2,3 triệu người thuộc diện ưu tiên tiêm chủng.
Sau 3 đợt phân bổ vắc xin trước đây, TP mới chỉ tiêm được cho hơn 94.000 người. Như vậy, số vắc xin TP vừa được cấp mới chỉ đáp ứng gần một nửa số người thuộc diện ưu tiên.
Theo ngành y tế, mục tiêu của TP là có 14 triệu liều vắc xin để tiêm cho toàn bộ người dân. Do đó, khi được Chính phủ đồng y tự chủ mua vắc xin, TP đã và đang tiếp cận các doanh nghiệp sản xuất để đàm phán mua vắc xin.
Thông tin tại buổi họp báo để thông báo đến người dân về chiến dịch tiêm chủng trưa 21/6, Phó giám đốc Sở Y tế TP Phạm Hoài Nam cho biết, khả năng đầu quý 3/2021 sẽ tiếp cận được nguồn vắc xin.
TP đặt mục tiêu đến cuối năm 2021 sẽ tiêm cho 2/3 dân số TP và sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy nhanh việc mua vắc xin.
Ông Dương Anh Đức cũng cho biết, TP.HCM có 2 nguồn cung vắc xin là Chính phủ cấp và TP chủ động tiếp cận. Theo kế hoạch dự kiến đến cuối năm, Việt Nam sẽ nhận hơn 100 triệu liều vắc xin, TP.HCM sẽ được nhận khoảng 10% (khoảng 10 triệu liều) trong số này. Ngoài ra, TP đã tiếp xúc trực tiếp với các nhà sản xuất, không phải qua trung gian. Với nguồn cung này, TP hướng đến là có khoảng 5-10 triệu liều trong năm nay.
Đồng thời, theo thông tin từ Bộ Y tế, tiến độ vắc xin nội rất khả quan. Hy vọng đến năm 2022, Việt Nam có những lô đầu tiên và người dân Việt Nam sẽ có vắc xin nội sử dụng.
>>> Xem thêm tình hình dịch covid-19 tại TP.HCM mới nhất
Đức Bảo
Hình ảnh đầu tiên về chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 thần tốc tại TP.HCM
Chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 lớn chưa từng có tại TP.HCM sáng nay (19/6) chính thức khởi động. Những người đầu tiên là hơn 500 công nhân hai công ty tại khu công nghệ cao.