Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này sáng nay, Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thúy Anh cho hay, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấm ép buộc người khác sử dụng rượu, bia; cho người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia; cấm uống rượu, bia khi tham gia giao thông…

{keywords}
Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thúy Anh

Tiếp thu ý kiến đại biểu, điều 5 của dự thảo luật đã được chỉnh lý, nêu 11 mục các hành vi bị nghiêm cấm, như: Bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi khi biết rõ người mua chưa đủ 18 tuổi, người đã có dấu hiệu say rượu, bia; Cho người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; Người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông…

Hành vi khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người chưa đủ 18 tuổi và khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu từ 15 độ cồn trở lên hoặc sử dụng rượu từ 15 độ cồn trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức cũng bị nghiêm cấm.

Đề nghị bỏ quy định cấm bán rượu, bia trên Internet

Bà Nguyễn Thuý Anh cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc lại quy định cấm bán rượu, bia trên Internet vì không khả thi, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế phát triển thương mại điện tử, tạo rào cản phát triển của các doanh nghiệp, làm mất quyền được thông tin của người tiêu dùng.

Một số ý kiến khác đề nghị cấm có điều kiện như quy định về độ tuổi được mua, nhất là đối với độ tuổi vị thành niên.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã bỏ quy định này và chỉ giữ quy định về điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử.

Nội dung này được quy định tại điều 16 của dự thảo luật: Đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử; Có biện pháp kiểm soát để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm và mua rượu, bia; Sản phẩm rượu được bán phải đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật...

Trước ý kiến cho rằng quy định cho phép quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ cồn nhưng cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên là bất công, không hợp lý.

Về vấn đề này, UBTVQH  thấy rằng, độ cồn trong sản phẩm rượu, bia quyết định những tác động có hại của rượu, bia đến sức khoẻ con người, nên việc quản lý quảng cáo rượu theo độ cồn là cần thiết.

”Kinh nghiệm quốc tế cũng như Việt Nam, thường căn cứ trên nồng độ cồn của sản phẩm mà quy định các giải pháp quản lý phù hợp”, bà Nguyễn Thuý Anh nói.

Do đó, dự thảo luật đã quy định những biện pháp quản lý quảng cáo rượu theo hướng quản lý chặt với rượu có độ cồn cao, từ 15 độ cồn trở lên (khoản 2 điều 5), quản lý giảm nhẹ hơn đối với rượu từ 5,5 độ cồn đến dưới 15 độ cồn và bia từ 5,5 độ cồn trở lên (điều 13) và quản lý ở mức thấp đối với rượu, bia dưới 5,5 độ cồn (điều 12).

Cũng theo giải trình của UBTVQH, trên thế giới có hơn 123 nước có quy định biện pháp cấm hoặc hạn chế quảng cáo rượu, bia.

Vì vậy, để hạn chế ảnh hưởng của việc quảng cáo rượu, bia đến giới trẻ và phù hợp với xu hướng quốc tế tránh việc hiểu lầm là chỉ rượu từ 15 độ cồn trở lên mới gây hại nếu dự thảo luật quy định cấm quảng cáo loại sản phẩm này.

Đồng thời, quy định cụ thể việc quản lý quảng cáo rượu dưới 15 độ cồn và bia tại điều 12 và điều 13 của dự thảo luật.

Người Việt tốn gần 4 tỷ USD uống bia năm 2017

Người Việt tốn gần 4 tỷ USD uống bia năm 2017

Năm 2017, Việt Nam tiêu thụ khoảng 305 triệu lít rượu và gần 4,1 tỷ lít bia. Chi phí cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỷ USD.

Hương Quỳnh