- Nửa thế kỷ sau ngày chiếc tàu đầu tiên rời bến K15 Hải Phòng tiến về phương Nam với nhiệm vụ cách mạng bí mật, câu chuyện về đoàn tàu không số vẫn chứa đựng những điều bất ngờ, không tưởng về sức mạnh ý chí cách mạng của những người lính hải quân.

Những ánh lửa, những đường đạn vạch sáng trời đêm
Một cột lửa bốc lên, một tiếng nổ trùm xuống mặt biển
Con tàu và các thuỷ thủ đã ra đi như thế
Biển xanh đón anh, không hình hài, không mộ chí

Đã 50 năm. Ông Lưu Lanh, một cựu chiến binh tàu không số năm xưa, đọc bài thơ về 104 đồng đội của ông đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Tàu 165 của thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm với 18 cán bộ chiến sĩ bị địch bao vây ở Cà Mau năm 1968 đã chiến đấu và hy sinh không còn một ai. Cũng thời điểm đó, tàu 235 của thuyền trưởng Phan Vinh vào Hòn Hèo đang bốc hàng thì bị địch phát hiện bao vây, chiến sĩ trên tàu chiến đấu đến cùng và cho nổ tàu, 20 người chỉ còn 6 người sống sót…

Và còn nhiều nữa những người lính đã bỏ mạng để bảo vệ con đường bí mật: đường Hồ Chí Minh trên biển - tuyến đường biển chiến lược vận chuyển vũ khí cho những địa bàn chiến trường trọng điểm miền Nam, giải phóng đất nước.

Lật giở những trang sử liệu. Tháng 1/1959, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị Trung ương 15 (khóa II), xác định: “Nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà phải được thấu suốt trong tất cả các chủ trương công tác, chính sách của Đảng, Nhà nước và hành động của nhân dân trên miền Bắc”.

Miền Bắc trở thành hậu phương chiến lược cho nhiệm vụ lịch sử. Để vận chuyển sức người, sức của từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam, sau khi thành lập tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trên bộ, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập tuyến vận tải quân sự chiến lược trên biển: Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Đường Hồ Chí Minh trên biển vận chuyển vũ khí cho những địa bàn chiến trường trọng điểm miền Nam như duyên hải miền Trung, cực nam Trung Bộ và Nam Bộ - những nơi mà tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn chưa vươn tới được.

Ông Lanh đã may mắn hơn những đồng đội bỏ mạng trên biển trong khi làm nhiệm vụ. Những ngày cách mạng năm xưa ông Lanh nhớ, mỗi khi nghe đài báo bão ở biển Đông cấp 11-12 lại “rùng mình hình dung cảnh mũi tàu chúi xuống trong màn đêm đen kịt, sóng hai bên dựng đứng như hai tòa nhà...”

Nhưng cảm giác sợ hãi đó đã không thể đủ sức nhấn chìm ý chí của cựu chiến binh Lanh và những đồng đội của ông khi sống những ngày hải trình khắc nghiệt, mang một khát khao lớn lao nhất: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Lanh nói: “Huyền thoại" trong từ điển là để chỉ một điều không có thật, nhưng với đoàn tàu không số, huyền thoại chính là ở chỗ biến một điều không thể thành sự thật. Và sự huyền thoại của đoàn tàu không số nằm trong những chiến công, cách giữ bí mật và cả cách hy sinh cho tròn nhiệm vụ lịch sử.

Những thuỷ thủ tàu không số năm xưa tại cuộc hội thảo ngày 22/9. Ảnh: Vương Anh

“Gặp địch. Tôi quyết tử”

Mỗi chuyến tàu xuất phát, đích đến chỉ có thuyền trưởng và chính trị viên biết, chiến sĩ đi nửa đường hoặc cập bến mới được phổ biến. Ai hỏi cũng chỉ nói chung chung là “đi B”… Đó là tinh thần hoạt động của những người lính trên tàu không số. Ông Trần Văn Hữu, một chiến sĩ cùng thế hệ với ông Lưu Lanh, nay là Chủ tịch Hội truyền thống đoàn tàu không số toàn quốc kể.

Trên hải trình, các tàu phải liên tục “cải dạng” - thiết kế, trang bị lại cho giống với tàu ở những nơi đi qua để dễ dàng trà trộn, tránh bị địch nghi ngờ. Như những ký hiệu, những con tàu “không số” đến vùng nào mang số của vùng đó… Tàu biến thành tàu buôn, tàu dầu, tàu cá…, cờ cũng thay đổi, màu sơn chưa giống với màu đặc trưng của tàu địa phương thì nửa đêm cũng phải dậy sơn lại tàu. Những chiếc tàu không số giống như san hô ở biển, thay hình đổi dạng để thích nghi…

Tàu không số cũng chọn những lúc thời tiết xấu nhất để khởi hành, càng là giông tố, bão bùng, sóng to gió lớn, càng là lúc thuận lợi cho những nhiệm vụ bí mật. Đó là khi địch sợ thời tiết tránh vào bờ, thậm chí tàu đánh cá cũng không ra khơi. Những khi như vậy, những chiếc tàu không số lao đi như những chiếc lá tre trong cơn cuồng phong.

Và đỉnh cao của giữ bí mật, hành động bảo vệ bí mật cao cả nhất, chính là tự hủy tàu. Sau sự kiện Vũng Rô năm 1965, quân địch đã biết về hoạt động chi viện vũ khí bằng đường biển của miền Bắc, các chuyến tàu đi ngày càng khó khăn và nguy hiểm. Có những tàu đã không bao giờ trở về, những gì còn lại chỉ là một dòng điện tín cuối cùng: “Tôi gặp địch, sẵn sàng quyết tử”.

Mỗi chiếc tàu không số lên đường, ngoài số hàng được giao vận chuyển, đều có trên dưới 1 tấn bộc phá và thuốc bổ đặt khắp tàu. Mỗi người lính ra đi là chấp nhận hy sinh, ngày trở về chỉ có trong hy vọng.

Trong 183 chuyến tàu ra khơi, có những tàu đến được bến, giao được hàng và quay về an toàn, có những tàu không thể vào bến đành chở hàng về, có những tàu đắm giữa biển khơi do bão tố, có những tàu mắc cạn vì đá ngầm, có những tàu gặp địch không còn cách nào khác phải cho nổ tàu…

“Địch đã đánh giá sai đối phương, không ngờ quân ta từ chỗ không có khẩu súng nào, đã dần đối phó được cả xe lội nước, máy bay trực thăng, súng ống hiện đại của Mỹ ngụy”, ông Lanh tự hào nói. “Đó mới là chiến công lớn nhất của đoàn tàu không số góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc”.

“Trong chiến tranh, Biển Đông giữ vị trí rất quan trọng đối với miền Nam và cả nước. Trong hòa bình, biển, đảo thuộc chủ quyền của ta là sự sống còn của cả dân tộc Việt Nam.

Cho nên việc bảo vệ, xây dựng, khai thác biển thuộc chủ quyền của ta hiện nay càng quan trọng hơn bao giờ hết. Tôi mong hội thảo rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Trích thư Đại tướng Lê Đức Anh gửi hội thảo kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển ngày 22/9/2011

Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng thời điểm đó là Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng tham mưu. Trong lá thư gửi hội thảo kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển ngày 22/9 vừa qua, ông viết: “Tháng 5/1959, Tổng Tham mưu trưởng giao nhiệm vụ cho tôi: “Tạo điều kiện vận tải bằng đường bộ và đường thủy để chi viện người và vũ khí cho miền Nam...”. Tôi đã chỉ đạo anh em trong Cục khẩn trương lo lực lượng, tổ chức các đơn vị vận tải; sau đó lo việc đóng tàu và tổ chức các đơn vị cho Quân chủng Hải quân chuẩn bị mở Đường Hồ Chí Minh trên biển. Và tôi có hai lần được đi tàu không số. Tôi đã chứng kiến tinh thần cách mạng kiên cường của cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số, luôn sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân phục vụ”.

Đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh ngăn chặn quy mô lớn, nhằm phá hoại, cắt đứt tuyến đường vận chuyển chiến lược của ta. Nhưng quân và dân ta trên Đường Hồ Chí Minh trên biển đã dũng cảm vượt qua Hạm đội 7 của Mỹ, lực lượng tuần duyên của ngụy trên biển và ven biển, vượt qua biết bao gian khổ, ác liệt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển, chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn hàng vạn tấn vũ khí và hàng nghìn cán bộ để duy trì, phát triển đấu tranh cách mạng ở miền Nam chống Mỹ - ngụy, góp phần quyết định vào thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

“Có thể nói, công đầu của bộ đội Hải quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chính là những Đoàn tàu không số và Đường Hồ Chí Minh trên biển” - Đại tướng Lê Đức Anh cho hay.

Từ 1961 đến tháng 4/1975, Đoàn 759 và 125 vận chuyển 44.324 tấn vũ khí, trang bị, hàng hoá chi viện cho quân và dân miền Nam đánh Mỹ.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, thực hiện Chỉ lệnh "thần tốc" của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Đoàn 125 đã thực hiện thành công 130 lần với 143 chuyến tàu, chở 8.741 tấn vũ khí hạng nặng gồm 50 xe tăng và pháo cỡ lớn, đưa 18.741 cán bộ, chiến sĩ vượt 65.721 hải lý để kịp thời tham gia chiến đấu, giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo phía Nam thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Với nhiệm vụ lịch sử, con đường đã đi vào huyền thoại, thể hiện khát vọng độc lập tự do và thống nhất tổ quốc, biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của tài thao lược và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Lịch sử đã ghi lại những chiến công của đoàn tàu không số với số lượng vũ khí đạn dược vận chuyển cung cấp cho chiến trường miền Nam. Nhưng, lịch sử đã ghi lại những trang lớn hơn về những chiến công không thể lượng hóa bằng con số của những đoàn tàu không số năm xưa.

Chung Hoàng