- Chính phủ sẽ trình QH 2 phương án liên quan đến giữ quốc tịch kiều bào để xem xét quyết định: kéo dài thời hạn đăng ký 5 năm hoặc bỏ quy định về thời hạn đăng ký giữ quốc tịch.


Thảo luận về dự án luật sửa đổi luật Quốc tịch VN tại phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều 29/4, Bộ Tư pháp trình phương án kéo dài thời hạn đăng ký giữ quốc tịch thêm 5 năm.

Theo đó quy định: "Người VN định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch VN theo quy định của pháp luật VN trước ngày 1/7/2009 là ngày có hiệu lực của luật từ 2008, thì vẫn còn quốc tịch VN và phải đăng ký với cơ quan đại diện VN ở nước ngoài trước ngày 1/7/2019 để giữ quốc tịch VN".

{keywords}
Ảnh: VGP

Do tính cấp bách của thời hạn đăng ký quốc tịch VN sắp hết (1/7/2014), Bộ Tư pháp đề nghị Chính phủ trình QH cho phép quy định thời điểm có hiệu lực là 1/7/2014 để kiều bào có thời gian đăng ký.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng quy định nhằm đảm bảo quyền lợi cho người VN sinh sống ở nước ngoài nhưng tình huống nhiều người mất quốc tịch do không đăng ký như hạn định của quy định pháp luật thì không có lợi cho nhiều mặt. Hiện con số đăng ký giữ quốc tịch mới chỉ hơn 6.000 người trong tổng số 4,5 triệu người VN đang sinh sống ở nước ngoài.

Theo Thủ tướng, phương án Bộ Tư pháp dự thảo kéo dài thêm 5 năm đăng ký một mặt tránh hạn định cận kề, có thêm thời gian để đánh giá, tổng kết cũng như tuyên truyền sức lan tỏa của quy định đến cộng đồng người VN ở nước ngoài nhưng cũng có thể đặt ra câu hỏi trong tương lai. Đó là nếu sau 5 năm nữa người Việt ở nước ngoài không đăng ký hết thì có tiếp tục kéo dài thời gian đăng ký nữa và số còn lại sẽ mất quốc tịch vĩnh viễn?

Lo vi hiến

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho hay việc dự thảo quy định như đề xuất liên quan quá trình chính sách về quốc tịch được quy định trong luật từ 1945 đến 1998 và 2008.

Đó là quy định nguyên tắc một quốc tịch cứng, thậm chí từ 1945-1988, sắc lệnh Bác Hồ ký thì những người quốc tịch VN nhập quốc tịch nước ngoài là mất quốc tịch VN. Ông cũng cho hay, dù dự thảo phương án thời hạn như trên thì số người VN ở nước ngoài thuộc phạm vi điều chỉnh của điều khoản không nhiều (dù không có con số chính xác).

"Báo chí viết hàng triệu người mất quốc tịch thì hơi xúc động. Thực tế số thuộc phạm vi điều chỉnh không nhiều" - Bộ trưởng nói.

Ông cũng lưu ý dù quy định cơ chế một quốc tịch nhưng luật Quốc tịch 2008 "hở", đó là không quy định nếu đã nhập quốc tịch nước ngoài thì tự động mất quốc tịch VN như các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Tuy nhiên ông thừa nhận, khi thực hiện quy định như luật được thông qua đã chưa lường hết được khó khăn về quảng bá, tuyên truyền, tổ chức đăng ký, bản thân hướng dẫn thi hành chậm, tổ chức thi hành chưa lưu thông giữa đăng ký và cấp hộ chiếu.

Bộ trưởng cũng cho rằng, nếu quy định vô thời hạn về đăng ký giữ quốc tịch thì mục đích đề ra sẽ không đạt yêu cầu.

"Vô thời hạn sẽ mãi rơi vào tình trạng mập mờ về quốc tịch VN, khi đó ảnh hưởng vấn đề bảo hộ công dân. Hiến pháp 2013 quy định rõ một nguyên tắc: không dẫn độ, giao nộp công dân VN cho nước khác.

Trong trường hợp 2 quốc tịch mà chúng ta chấp nhận sự can thiệp của các nước trong bảo hộ lãnh sự tại lãnh thổ VN thì điều này chắc chắn vi hiến. Đến lúc đòi hỏi cần có thời hạn tiếp tục thực hiện chính sách QH đã thông qua. Chúng tôi cho rằng thời hạn quy định 5 năm là thỏa đáng, chứ thời hạn vô thì không thỏa đáng" - Bộ trưởng phát biểu.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao vẫn bảo lưu quan điểm từng đưa ra ngay từ khi dự thảo luận Quốc tịch 2008, đó là không nên quy định hạn định thời gian đăng ký giữ quốc tịch. Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, người VN ở nước ngoài được quyền lựa chọn một cách tự nhiên mà không cần phải ràng buộc về hạn định.

Trước các ý kiến khác nhau, Thủ tướng, Chính phủ thống nhất sẽ trình QH 2 phương án liên quan đến giữ quốc tịch kiều bào để xem xét quyết định: kéo dài thời hạn đăng ký 5 năm hoặc bỏ quy định về thời hạn đăng ký giữ quốc tịch. 

Linh Thư