Đến chiều 29/10, sau nhiều giờ đi bộ, phóng viên VietNamNet đã tiếp cận hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng tại thôn 1 (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) khiến 53 người bị vùi lấp. Trong đó, 33 người may mắn sống sót, 6 người tử vong và 14 người khác đang mất tích.

{keywords}
Hiện trường vụ sạt lở thôn 1, xã Trà Leng

Đoạn đường từ cổng chào xã Trà Leng đến nóc ông Lục (thôn 1) dài chưa đầy 10km nhưng xuất hiện vô số điểm sạt lở lớn nhỏ. Đất đỏ hòa với nước lũ đổ tràn từ đỉnh núi, nhiều đoạn sình lầy lút đến nửa người. Máy xúc, máy ủi cùng nhân lực được huy động tối đa với mục tiêu thông tuyến trong thời gian sớm nhất.

Sau khi vượt qua đoạn suối ngầm cuối cùng, khung cảnh vụ sạt lở thôn 1 (xã Trà Leng) hiện ra một cảnh hoang tàn, đổ nát. Ngôi làng bị san bằng. Lực lượng công binh cùng người dân nén nước mắt dùng tay trần, đào từng lớp đất, đá tìm kiếm người dân mất tích.

Cách đó không xa, trên các ngọn đồi trồng quế, những nấm mồ mới được đào lên. Đây là nơi yên nghỉ của 6 nạn nhân vụ sạt lở đã được người dân cùng lực lượng chức năng tìm thấy thi thể.

Với khuôn mặt thất thần, đầu tóc rũ rượi, chị Hồ Thị Hòa (thôn 1) gào khóc bên thi thể người thân vừa được tìm thấy. Chị Hòa có cha mẹ, em gái và đưa con trai đã chết và đang mất tích trong đống bùn đất.

Chị Hòa cho biết, chị đi làm ở TP Tam Kỳ (Quảng Nam) thấy mưa bão nhớ nhà nên xin nghỉ làm về thăm nhà. Đi được nửa đường, chị Hòa được người dân làng khác thông tin cả thôn 1 chỗ chị sống, bị ngọn đồi đổ sập san phẳng mọi thứ.

Thôn 1 có 11 ngôi nhà nằm san sát nhau ven suối, mọi người chủ yếu sinh sống bằng săn bắt, trồng trọt nhờ vào con suối ven làng.

Thế mà, chiều 28/10, sau cơn bão số 9 đổ bộ, mưa trắng trời khiến ngọn đồi sau làng đỗ sập, cả làng không còn một dấu tích.

“Trời ơi, ba mẹ, em gái và con tôi bị chôn vùi trong đất hết rồi. Cả nhà ơi, mọi người đâu hết rồi, con tôi đâu rồi. Ai cứu họ giúp tôi với” chị Hòa gào khóc trong vô vọng.

{keywords}
Chị Hồ Thị Hòa thất thần khi 4 người thân của chị chết và mất tích
{keywords}
Chị Hồ Thị Mai (người mang mũ) khóc nghẹn, ngóng chờ tin tức mẹ đang mất tích.
{keywords}
Em Hồ Thị Điệp gục đầu tuyệt vọng trước hai nấm mồ của ba và mẹ

Trong dòng người đang cố gắng tìm kiếm người đang mất tích, những tiếng khóc nấc nghẹn, bật ra nhưng không thành lời trong nỗi đau đớn, vô vọng trước cảnh tượng hoang tàn.

Ngồi thất thần bên em gái, chị Hồ Thị Mai (người mang mũ) khóc nghẹn, dõi mắt theo lực lượng chức năng đang tìm kiếm mẹ của chị đang mất tích.

Chị Mai kể, hôm xảy ra vụ việc, chị đang ở trung tâm xã Trà Leng. Nghe tin, thôn 1 bị sạt lở, chị cùng em gái tức tốc băng rừng, lội suối để vào tìm kiếm ba mẹ đang mất tích ở đây.

“Tôi không hình dung ra được, cả ngôi làng với 11 ngôi nhà bị san phẳng sau vụ sạt lở, không còn một dấu vết. Chỉ còn lại là khu đất trống và cảnh đổ nát. Bố tôi may mắn được người dân tìm thấy và cứu sống. Còn bây giờ, tôi không biết, mẹ tôi đang ở đâu trong đống đất đá. Trời ơi, cầu mong cho mẹ còn sống”, chị Mai bật khóc.

Về tìm ba mẹ, chỉ thấy 2 nấm mồ!

Cách hiện trường 11 ngôi nhà bị vùi lấp không xa, trên các ngọn đồi trồng quế, những nấm mồ mới được đào lên. Trong đó, em Hồ Thị Điệp gục đầu tuyệt vọng trước hai nấm mồ của ba và mẹ.

Em Điệp là học sinh lớp 11 Trường THPT Nam Trà My, thời điểm cả thôn 1 bị vùi lấp, em đang học bán trú tại trường. Nhận được hung tin cả làng bị xóa sổ Điệp gọi điện cho ba mẹ nhưng không liên lạc được.

Lúc này, Điệp được thầy cô trong đường đưa lên hiện trường vụ sạt lở. Vừa đặt chân tới đầu dốc và thấy đống đổ nát cả ngôi làng, Điệp lao tới rồi sụp xuống khóc nức nở.

“Em hỏi ba mẹ em đâu, có ai biết không?.... thì người làng đã dẫn em tới hai đống đất được phủ bạt trên đồi quế. Rồi họ nói, đây là 2 nấm mộ người dân làng làm để chôn cất ba mẹ em. Trời ơi, ba mẹ chết rồi, con biết sống với ai”, em Điệp gào khóc bên 2 nấm mồ của ba mẹ.

Lê Bằng - Quang Thành

Hiện trường lở núi san phẳng ngôi làng ở Quảng Nam

Hiện trường lở núi san phẳng ngôi làng ở Quảng Nam

Lũ quét tràn về khiến ngọn núi phía Tây của thôn 1 (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My) bị đổ sập sau tiếng nổ như bom, bùn đất từ trên cao phủ trùm lấy những căn nhà của 11 hộ dân trong thôn.