- Nếu hủy án để điều tra lại, vụ án sẽ đi vào bế tắc; nếu hủy án buộc tòa sơ thẩm xử lại theo hướng có tội là làm khó cho tòa này. Vì vậy, giải pháp ổn nhất là nên kết thúc vụ án ở phiên phúc thẩm.
 
Sáng nay (19/6), Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã xử phúc thẩm 'vụ án vườn mít”. Có hai khả năng xảy ra: hoặc tòa tuyên y án sơ thẩm (tức Lê Bá Mai không có tội), hoặc tòa tuyên hủy án để điều tra lại hoặc yêu cầu cấp sơ thẩm xử lại theo hướng có tội.

Điều tra lại: không thể!

Như VietNamNet từng đề cập, hầu như tất cả những vấn đề mà Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã yêu cầu trong quyết định giám đốc thẩm cơ quan tố tụng tỉnh Bình Phước đều không đáp ứng.

Rõ nhất là lời khai của cháu Hằng (nhân chứng trực tiếp duy nhất nhìn thấy có người thanh niên chở Út đi trong ngày xảy ra án mạng) và của bố cháu. Ban đầu, cả hai khai chỉ nhìn thấy một người thanh niên chở Út đi, nhưng sau đó lại khai người chở Út đi là Mai.
 
Thà tha lầm còn hơn làm oan người vô tội. Có lẽ đã đến lúc cơ quan tố tụng nên áp dụng nguyên tắc tố tụng tiến bộ này

Điều bất nhất này cơ quan điều tra và VKS không giải thích thuyết phục được. Như vậy, theo nguyên tắc suy đoán có lợi cho bị cáo, lời khai đầu tiên của cháu Hằng và của bố cháu (cũng như của Mai) phải được coi là chứng cứ vì nó phù hợp với nhau và phù hợp pháp luật.

Tương tự, những vấn đề khác mà quyết định giám đốc thẩm yêu cầu làm rõ, cơ quan tố tụng cũng không đáp ứng. Ví dụ như dấu vết bánh xe, dấu dép, màu sắc chiếc bình xịt thuốc, thùng đựng nước đá màu đỏ cơ quan điều tra thu giữ ở đâu, của ai, vì sao tự nhiên xuất hiện trong hồ sơ vật chứng vụ án… tất cả đều không được giải thích thỏa đáng.

Tóm lại, xét về mặt chứng cứ, từ sau phiên tòa sơ thẩm đầu tiên xử Lê Bá Mai án tử hình đến nay, cơ quan tố tụng hầu như không bổ sung thêm được chứng cứ có giá trị nào. Trong kết luận điều tra lại, chính cơ quan điều tra cũng thừa nhận rằng “những sai sót, mâu thuẫn này do đã xảy ra quá lâu nên không thể giải quyết triệt để”.

Có lẽ vì vậy mà khi VKS trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, cơ quan điều tra đã không làm rõ thêm được gì. Dù vậy, VKS vẫn ra cáo trạng truy tố Mai ra tòa. Đến phiên sơ thẩm lần ba (phiên tòa lần 2 bị hoãn do thiếu người phiên dịch), mặc dù đã cố gắng xem xét vụ án trên nền những chứng cứ “tạm có” nhưng sau ba ngày xét xử, tòa không thể kết tội được nên đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Tất nhiên lần này cơ quan điều tra không thể bổ sung được gì nên VKS đành “bảo lưu quan điểm truy tố” bằng bản cáo trạng cũ. Kết quả: Tại phiên tòa sơ thẩm lần 4, tòa đã phải tuyên bị cáo không phạm tội.

Cho nên lần này nếu tòa phúc thẩm tuyên hủy án để điều tra lại thì e rằng cơ quan điều tra vẫn chỉ “bổn cũ soạn lại”.

Buộc tòa sơ thẩm xử lại: cũng không xong!

Cần nhắc lại rằng vụ án này Tòa phúc thẩm TAND Tối cao từng xử phúc thẩm và tuyên y án sơ thẩm tử hình Lê Bá Mai về hai tội hiếp dâm trẻ em và giết người.

Tuy nhiên, với căn cứ kết tội lỏng lẻo, chứng cứ vụ án còn nhiều điều mâu thuẫn, chưa rõ, VKSND Tối cao đã quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy án để điều tra, xét xử lại từ đầu.
 

Nụ cười tự do của Lê Bá Mai sẽ tiếp tục hay vụt tắt, sau phiên tòa ngày 19/6 ?

Sau khi xem xét cẩn thận, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị của Viện, yêu cầu cấp sơ thẩm phải điều tra lại vụ án, làm rõ những vấn đề cụ thể đã nêu trong quyết định giám đốc thẩm.

Theo nguyên tắc tố tụng, nếu những vấn đề nói trên được cấp sơ thẩm đáp ứng đầy đủ và nếu vụ án không phát sinh tình tiết mới, cấp sơ thẩm có quyền tuyên xử bị cáo có tội.

Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra.

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ nào, nếu xác định có tội, bị cáo chỉ có thể lãnh mức án cao nhất. Vì vậy, chắc chắn trước khi đưa ra quyết định, HĐXX sẽ xem xét, cân nhắc thận trọng tất cả mọi tình tiết, ngóc ngách của vụ án.

"Vụ án vườn mít” kéo dài đã 8 năm. Trong ngần ấy năm, cơ quan tố tụng vẫn chỉ xem xét vụ án trên nền những chứng cứ không rõ ràng, thuyết phục và đã được cấp tòa cao nhất chỉ ra nhưng không khắc phục được.

Thà tha lầm còn hơn làm oan người vô tội. Có lẽ đã đến lúc cơ quan tố tụng nên áp dụng nguyên tắc tố tụng tiến bộ này. 

VietNamNet sẽ tiếp tục cập nhật phiên xử này.

Không thể cùng lúc đảm bảo được hai mục tiêu

Chúng ta phải thừa nhận là nhận thức của con người có hạn, không ai hiểu biết tất cả, không ai làm đúng hết tất cả.

Từ đó suy ra hoạt động điều tra, chứng minh tội phạm cũng có một giới hạn nhất định, do nhận thức hữu hạn của chủ thể tiến hành tố tụng.

Do vậy, trong một chừng mực nào đó khi chúng ta không đủ cơ sở để chứng minh người đó phạm tội thì phải tuyên bố họ không phạm tội.

Đó là một nguyên tắc tiến bộ trong tố tụng hình sự, thà bỏ lọt tội phạm còn hơn làm oan người vô tội.

Pháp Luật hình sự Việt Nam cần sớm ghi nhận nguyên tắc này. Vấn đề này được nhiều lãnh đạo các cơ quan tố tụng nhất trí nhưng lại băn khoăn rằng với đạo đức của người làm công tác ở cơ quan bảo vệ pháp luật, chúng ta không được quyền bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không được quyền làm oan người vô tội.

Làm sao có thể vừa đảm bảo không bỏ lọt tội phạm lại vừa đảm bảo không làm oan người vô tội? Không thể nào cùng lúc đảm bảo được hai mục tiêu đó.

(Trích phát biểu của PGS.TS Phạm Hồng Hải, Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, tại hội thảo về quyền bào chữa trong tố tụng hình sự)


Thái Bình