- Trước mắt, 36 cơ quan, đơn vị thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, cấp phòng thông qua thi viết và trình bày đề án.
Đây là thông tin được Bộ Nội vụ chia sẻ tại buổi cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh văn phòng Bộ cho biết, đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo chỉ áp dụng đối với trường hợp bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng và tương đương.
Không thực hiện thi tuyển đối với các chức danh được xác định là cán bộ theo quy định của luật Cán bộ, công chức hoặc khi xem xét bổ nhiệm lại.
Mở rộng cả người ngoài Đảng
Báo chí đặt câu hỏi: Người không phải đảng viên thì có đủ điều kiện đăng ký ứng tuyển không? Đề án này có chấm dứt được tình trạng tuyển dụng người nhà không?
Ông Trương Hải Long, Phó vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức trả lời, đề án thí điểm chính là giải pháp khắc phục những bất cập trong công tác bổ nhiệm cán bộ hiện nay.
Phó vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức Trương Hải Long |
Để thu hút thêm nguồn cán bộ chất lượng cao, đề án đã mở rộng ra cả các đối tượng nằm ngoài quy hoạch hoặc đối tượng chưa phải đảng viên.
Tuy nhiên, những đối tượng này không có quyền tự ứng cử mà cơ quan có thẩm quyền quản lý chức danh bổ nhiệm được quyền đề cử thêm những đối tượng nằm ngoài quy hoạch hoặc đối tượng chưa phải đảng viên. Đây là chủ trương đổi mới của Đảng trong công tác cán bộ.
Ông Long cho biết, hiện đã có 14 bộ ngành cơ quan trung ương, 22 địa phương đăng ký được thực hiện thí điểm đề án.
“Với các bộ ngành địa phương khác được chủ động xem xét, quyết định các vị trí, chức danh tổ chức thi tuyển. Khi thực hiện đổi mới phương thức tuyển chọn thì cũng phải thực hiện thống nhất theo công văn hướng dẫn của Bộ”, ông Long thông tin.
Khi tổ chức thi tuyển phải có 2 người trở lên cho 1 chức danh tuyển chọn. Trường hợp chỉ có 1 người đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi hoặc không có trường hợp nào đủ tiêu chuẩn thì tập thể lãnh đạo và cấp uỷ của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm có trách nhiệm đề cử thêm người có đủ tiêu chuẩn hoặc quyết định không thực hiện việc bổ nhiệm đối với chức danh đó cho đến khi có thêm người đăng ký dự tuyển.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã quyết định danh sách người đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia dự tuyển bảo đảm ít nhất có 2 người dự tuyển nhưng đến ngày thi chỉ có 1 người dự thi thì hội đồng thi tuyển vẫn tổ chức thi theo kế hoạch.
5 tiếng thi viết và trình bày đề án
Theo công văn hướng dẫn của Bộ Nội vụ, nội dung thi tuyển gồm 2 phần: Thi viết và trình bày đề án.
Trong đó thời gian thi viết là 180 phút, bao gồm kiến thức chung về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; hiểu biết về nghiệp vụ quản lý của chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh dự tuyển và các nội dung khác do hội đồng thi tuyển quy định.
Chủ tịch hội đồng thi tuyển sẽ quyết định chọn đề thi viết trong ngân hàng đề, bảo đảm bí mật đề thi theo chế độ tài liệu tối mật trong suốt quá trình xây dựng ngân hàng đề thi cho đến khi công bố đề thi viết được chọn.
Phần thi trình bày đề án: Tối đa 45 phút cho phần trình bày với các nội dung đánh giá thực trạng, phân tích mặt mạnh, hạn chế của đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn và chỉ ra nguyên nhân, dự báo xu hướng phát triển và đề xuất giải pháp.
Đồng thời phải nêu được chương trình hành động thực hiện các kế hoạch, giải pháp của người dự tuyển nếu được bổ nhiệm vào chức danh đó.
Sau khi trình bày, ứng viên sẽ có 60-90 phút trả lời các câu hỏi chất vấn. Thời gian trả lời cho mỗi câu hỏi chất vấn không quá 5 phút. Điểm thi trình bày đề án được chấm theo thang 100.
Các cơ quan Trung ương thí điểm: Bộ Nội vụ, Tư pháp, Công thương, Tài chính, KH-ĐT, TN-MT, NN&PTNT, GD&ĐT, Y tế, GTVT, Ban Tổ chức TƯ, Ban Kinh tế TƯ, Tòa án NDTC, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam. Các tỉnh, thành thí điểm: Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Bình, TT-Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Dương, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Cần Thơ, Kiên Giang, Bến Tre. |
Bộ trưởng Nội vụ: Thi tuyển lãnh đạo mở cho cả người ngoài quy hoạch
Điểm mới của việc thi tuyển lãnh đạo, theo Bộ trưởng Nội vụ, là mở rộng đối tượng thi tuyển, kể cả ngoài quy hoạch.
Bộ trưởng Y tế: Thuyết trình 15 phút để chọn Thứ trưởng
Sẽ có 2 ứng viên cho vị trí Thứ trưởng Bộ Y tế đang khuyết. Sau các vòng lấy phiếu, mỗi người sẽ có 15 phút thuyết trình đề án.
Sửa luật để tránh bổ nhiệm đúng quy trình vẫn lọt cán bộ kém
ĐBQH đề nghị sửa luật Cán bộ công chức để khắc phục tình trạng đề bạt bổ nhiệm đúng quy trình nhưng vẫn bỏ lọt một số cán bộ có năng lực yếu kém.
Quyết định của Ban Bí thư, Bộ trưởng Nội vụ về công tác cán bộ
Bộ Nội vụ vừa tổ chức công bố và trao các quyết định của Ban Bí thư, Bộ trưởng Nội vụ về công tác cán bộ.
Thúy Hạnh