Trong hai năm 1945 - 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 8 thư và điện gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman.

LTS: Trong bài viết nhìn lại chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, VietNamNet đã nhấn mạnh đến bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Harry Truman ngày 16/2/1946, được Chủ tịch nước giới thiệu với Tổng thống đương nhiệm Barack Obama.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của TS Ngô Vương Anh, một nhà nghiên cứu lâu năm về Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về những giá trị, những bài học lịch sử nhìn từ bức thư nêu trên:


Có lợi cho toàn thế giới

Trong bức thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman ngày 16/2/1946 (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, tr 91- 91), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ chính nghĩa của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam giành độc lập dân tộc, đứng về phía đồng minh chống phát xít; sự phi nghĩa của cuộc xâm lược mà thực dân Pháp đang đẩy mạnh ở Đông Dương trái ngược những lập trường Mỹ đã nêu trong các hội nghị quốc tế.

{keywords}
Trang 1 bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Truman ngày 16/2/1946, trong đó bày tỏ Việt Nam mong muốn được “hoàn toàn độc lập” và ý nguyện thiết lập “hợp tác đầy đủ” với Hoa Kỳ. Ảnh: Tư liệu của Cục Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “An ninh và tự do chỉ có thể được bảo đảm bằng sự độc lập của chúng ta đối với bất kỳ một cường quốc thực dân nào, và bằng sự hợp tác tự nguyện của chúng ta với tất cả các cường quốc khác. Chính là với niềm tin vững chắc này mà chúng tôi yêu cầu Hợp chủng quốc với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực Công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định trong sự ủng hộ nền độc lập của chúng tôi.

Điều mà chúng tôi đề nghị đã được trao cho Philippines một cách quý báu. Cũng như Philippines, mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Mỹ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”.

Nhìn xa hơn về quá khứ, người ta thấy rằng những bức điện, thư của Hồ Chí Minh, với tư cách Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, gửi Tổng thống và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đã có “ tiền đề” từ những mối quan hệ của Hồ Chí Minh (và Việt Minh) với lực lượng Mỹ chống Nhật ở Hoa Nam trước đó.

Sau khi Nhật tấn công Trân Châu cảng (7/12/1941) mở đầu cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, Mỹ đặt Đông Dương trong khu vực tác chiến của Quân đoàn không quân số 14 của Mỹ, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở vùng Hoa Nam và bắc Đông Dương.

Những tiếp xúc của Hồ Chí Minh với lực lượng Mỹ được thiết lập từ tháng 3/1945, sau sự kiện trung úy R. Shaw được Việt Minh cứu thoát ở vùng núi Cao Bằng ngày 2/11/1944 và đưa trở lại Côn Minh. Ngày 29/3/1945 ở Côn Minh, Hồ Chí Minh gặp tướng C. Chenault tư lệnh không đoàn 14 và hai người đã có những mối thiện cảm.

{keywords}
  

{keywords}
Trang 2 và 3 của bức thư

Hồ Chí Minh cũng đã làm cho người Mỹ hiểu hơn về Việt Minh và cuộc chiến đấu của giành độc lập của người Việt Nam. Sau đó, người Mỹ bắt đầu coi Việt Minh như một lực lượng đồng minh chống Nhật tích cực và có thể phối hợp các nỗ lực.

Cho đến đầu tháng 5/1945, hai sĩ quan OSS (Cơ quan tình báo chiến lược Mỹ, tiền thân của CIA) đã có thể đều đặn gửi báo cáo về từ Tân Trào. Ngày 17/7/1945, đội tình báo Mỹ mang biệt danh Con nai gồm 5 người do thiếu tá A. Thomas chỉ huy đã nhảy dù xuống Tân Trào.

Họ huấn luyện các kỹ năng quân sự cho 40 người được chọn từ số 110 quân du kích của Đàm Quang Trung. Đầu tháng 8/1945, trung đội Bộ đội Việt - Mỹ (tên đặt chính thức của Hồ Chí Minh) đã được thành lập và ngày 20/8/1945 trung đội này đã tham gia chiến đấu với quân Nhật ở Thái Nguyên dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp.

Việc hỗ trợ trang bị và huấn luyện chiến đấu cho một lực lượng nhỏ người địa phương trong vùng núi rừng Việt Bắc không giữ vai trò đáng kể về mặt quân sự trong việc kết thúc chiến tranh với Nhật ở Đông Dương. Người Mỹ biết rõ điều đó. Hồ Chi Minh cũng biết rõ điều đó.

Điều quan trọng hơn của những mối quan hệ với lực lượng Mỹ mà Hồ Chí Minh chủ trương thiết lập chính là tăng thêm lực lượng ngoại giao, uy thế chính trị của Việt Minh để giành độc lập cho dân tộc và tạo ra những tiền đề cho việc xác lập vị thế của nước Việt Nam độc lập trên trường quốc tế sau này.

Con đường hòa bình

Ngay sau khi giành lại được độc lập, bên cạnh việc củng cố, xây dựng chính quyền non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những hoạt động tích cực mở rộng quan hệ quốc tế.

Với Chính phủ Mỹ, trong hai năm 1945 - 1946, Hồ Chí Minh đã có 8 thư và điện gửi Tổng thống Harry Truman, 3 thư và điện gửi Bộ trưởng Ngoại giao James Byrnes.

Trong thư gửi ông James Byrnes ngày 1/11/1945, Hồ Chí Minh đề nghị gửi 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ để “xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”, và theo Người, giới trí thức Việt Nam “tha thiết mong muốn tạo được mối quan hệ với nhân dân Mỹ là những người mà lập trường cao quý đối với những ý tưởng cao thượng về công lý và nhân bản quốc tế, và những thành tựu kỹ thuật hiện đại của họ đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trí thức Việt Nam”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên trì tìm cách hoà bình, tìm con đường hoà bình để đem lại hoà bình cho nhân dân, cho đất nước Việt Nam với đầy đủ nội dung về quyền dân tộc.

Với con đường hòa bình, Hồ Chí Minh hướng đến điều hòa sự đa dạng về xu hướng chính trị, chế độ xã hội giữa các nước để các dân tộc gần gũi nhau, hiểu biết nhau, để mở rộng sự hợp tác hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước láng giềng và khu vực, hướng tới hòa bình và thịnh vượng.

Năm 1955, Người phát biểu: “Nhân dân Việt Nam tin chắc rằng mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hoà bình, tin chắc rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hoà bình được”.

Điều được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh với Tổng thống Harry S. Truman cho đến nay không hề cũ.

Những dòng cuối cùng trong Thông điệp của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đăng trên tờ Washington Post ngày 27/7/2013 đã kế thừa rõ nét tinh thần đó: "Mặc dù ở hai bờ xa cách của Thái Bình Dương bao la, nhân dân Việt Nam và nhân dân Hoa Kỳ cùng chia sẻ một niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng của một châu Á - Thái Bình Dương, hòa bình, hợp tác, thịnh vượng. Hôm nay, khi tôi tới thăm đất nước và nhân dân Hoa Kỳ, chúng ta cùng chia sẻ niềm vui vì ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gần 70 năm trước về mối quan hệ "hợp tác đầy đủ" giữa hai dân tộc đã thành hiện thực”.

  • TS Ngô Vương Anh