Thủ tướng vừa có công điện 1411 về việc tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 tỉnh Thừa Thiên-Huế và tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị). 

Công điện gửi các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, GD-ĐT, Y tế, Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn; Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai; Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và UBND các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

{keywords}
Các lực lượng đang tập trung sức lực cứu hộ, cứu nạn sạt lở đất tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị 

Công điện nêu rõ, gần một tháng nay, mưa lũ đặc biệt lớn kéo dài nhiều ngày trên diện rộng đã gây ngập lụt sâu, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại một số địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên, nhất là tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, làm nhiều người tử nạn, hàng chục người còn mất tích và chưa thể liên lạc được.

Công điện nhấn mạnh đến sự cố sạt lở đất tại Tiểu khu 67 Trạm Quản lý bảo vệ rừng sông Bồ đã làm 13 cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ hy sinh; 15 công nhân vẫn còn mất tích tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3; đặc biệt vào lúc 1h 25 sáng hôm nay tiếp tục xảy ra sạt lở đất tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị làm 22 cán bộ, chiến sỹ bị vùi lấp.

Trước những đau thương, mất mát to lớn này, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân của cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, những người bị tử nạn do thiên tai, chia sẻ những lo âu của gia đình có người còn bị mất tích.

Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo về công tác tìm kiếm, cứu nạn và công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời đã cử Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đến các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế trực tiếp chỉ đạo.

Những ngày tới, mưa lũ còn diễn biến phức tạp, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên ở mức cao. Để hạn chế thiệt hại, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, Thủ tướng yêu cầu năm nội dung.

Một là, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo Quân khu 4 và các đơn vị liên quan khẩn trương tập trung mọi nguồn lực, phương tiện để cứu hộ cứu nạn các nạn nhân còn đang bị mất liên lạc tại thủy điện Rào Trăng 3 và các cán bộ, chiến sỹ đang bị vùi lấp tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 bảo đảm nhanh nhất, khẩn trương nhất và an toàn cho lực lượng cứu hộ cứu nạn.

Hai là, các Bộ: Giao thông vận tải, Công an và UBND các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị huy động mọi phương tiện, nguồn lực phối hợp với Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 nhanh chóng thông tuyến giao thông tại các khu vực trên để kịp thời đưa các phương tiện, máy móc phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn.

Ba là, UBND các tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị và các địa phương liên quan tổ chức tốt việc thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân vùng lũ, nhất là các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ, gia đình cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh, gia đình có người không may bị tử nạn, mất tích.

Khẩn trương thực hiện các chế độ, chính sách tốt nhất đối với các gia đình chính sách, gia đình người bị nạn trong khi thực thi nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai; hỗ trợ cứu chữa người bị thương; hỗ trợ tổ chức an táng chu đáo theo phong tục địa phương đối với những người không may bị tử nạn.

Bốn là, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn chỉ đạo kiểm tra, rà soát ngay các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước.

Tổ chức cứu trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho người dân, nhất là đối với những hộ dân bị mất nhà cửa, những hộ ở vùng ngập sâu chia cắt dài ngày; tuyệt đối không để người dân thiếu đói, thiếu nước uống, không có chỗ ở.

Kịp thời triển khai công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ, trong đó tập trung hỗ trợ người dân sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa; dọn vệ sinh môi trường; tiêu độc khử trùng, không để dịch bệnh bùng phát sau mưa lũ.

Năm là, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; chủ động chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả theo thẩm quyền; tổng hợp nhu cầu cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ khắc phục thiên tai của các địa phương, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, báo cáo Thủ tướng.

Thu Hằng

Cán bộ thoát chết vụ đất lở vùi lấp 22 người: Núi nổ lớn, tôi nghe đồng đội kêu cứu

Cán bộ thoát chết vụ đất lở vùi lấp 22 người: Núi nổ lớn, tôi nghe đồng đội kêu cứu

Thoát chết trong vụ sạt lở đất,  anh Phạm Tấn An, nhân viên thông tin vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh đau xót, run rẩy kể lại thời điểm núi lở, vùi lấp 22 cán bộ chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337.