Chiều nay (5/8), Phó Bí thư Thành ủy Phan Văn Mãi và Phó Chủ tịch TP Dương Anh Đức đã chủ trì họp báo, cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn.

Trả lời câu hỏi của VietNamNet về tình hình thực hiện giãn cách đến nay chuyển biến thế nào? Công tác phòng, chống dịch của TP còn gặp những khó khăn, áp lực quá tải ở những khâu nào?

Trao đổi lại, Phó Bí thư Phan Văn Mãi cho biết, việc giãn cách xã hội đang có dấu hiệu chuyển biến tốt, người dân ý thức hơn trong việc chấp hành nghiêm các quy định; các cơ quan, ban ngành thực hiện trách nhiệm và hiệu quả hơn.

{keywords}
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi trao đổi tại buổi họp báo

“Đến chiều hôm qua, chúng tôi nhận thông tin từ Bộ TT&TT cho biết, sự di chuyển của người dân và các phương tiện giao thông vào ban ngày được chấp hành tốt, hạn chế nhiều hơn”, ông Mãi thông tin.

Cũng theo ông Mãi, từ việc ý thức của người dân tốt hơn nên nhiều nơi các chốt tự quản hoạt động hiệu quả, các vùng xanh được mở rộng dần. Điều đó cho thấy, nơi nào ý thức của người dân tốt thì cộng đồng nơi đó có kết quả phòng, chống dịch hiệu quả và an toàn nhiều hơn.

Phó Bí thư Thành ủy cho biết, dù chuyển biến trong công tác chống dịch đang tốt, nhưng TP tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn, không lơ là hay chủ quan.

Áp lực điều trị vẫn rất lớn

Theo Phó Bí thư Thành ủy, công tác phòng, chống dịch hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, cần khắc phục

Có hai việc mà Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP phải đặc biệt lưu tâm để có biện pháp phù hợp là công tác điều trị và chăm lo cho dân nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Cụ thể, càng ngày càng có đông người cần điều trị, số ca bệnh chuyển nặng cũng nhiều hơn, trong khi đó năng lực tiếp nhận, đội ngũ nhân lực, trang thiết bị có giới hạn nên tạo áp lực rất lớn. Áp lực lớn nhất hiện nay nằm ở các tầng điều trị 3, 4, 5.

{keywords}
Ông Phan Văn Mãi: Chiến lược phòng, chống dịch của TP.HCM chuyển dần sang điều trị để giảm tỷ lệ tử vong

“TP đang nỗ lực từng ngày, sẽ cố gắng nhiều hơn, với tinh thần 5 tại chỗ, để điều trị bệnh nhân, giảm tỷ lệ chuyển nặng, tử vong”, ông Mãi nhấn mạnh.

Qua đó, TP phải tổ chức sắp xếp lại cho phù hợp, liên thông giữa các tầng điều trị, chuyển lên thế nào, khi điều trị nhẹ hơn chuyển xuống thế nào?... phải có sự liên kết và phối hợp nhịp nhàng hơn.

Cũng theo ông Mãi, đến giờ, việc đếm ca dương tính không còn ý nghĩa, nhưng điều này không có nghĩa TP không quan tâm mà càng phải triệt để hơn trong giãn cách để ngăn nguồn lây.  

“Chúng ta quan tâm nhiều hơn ca nặng, chuyển hướng sang điều trị để tập trung cứu người, quan tâm số ca  bệnh được chữa khỏi để rút kinh nghiệm trong điều trị”, ông Mãi chia sẻ.

Vấn đề thứ hai, ông Mãi cho rằng TP phải quan tâm là do trong quá trình giãn cách, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải dừng lại; người lao động hai tháng nay không đi làm, không có thu nhập, tích lũy cạn dần... nên tạo ra sức ép lên đời sống của bà con.

TP đã huy động các nguồn lực từ xã hội, kể cả ngân sách, nguồn dự trữ đầy đủ để lo cho bà con. Vấn đề còn lại, theo ông Mãi, là phải phát hiện, thống kê đầy đủ người khó khăn để hỗ trợ. Đây là trách nhiệm mà chính quyền, đoàn thể cơ sở phải thực hiện với tinh thần không để ai bị bỏ sót, thiếu đói.

Về gói hỗ trợ người dân khó khăn, trong sáng nay Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Minh Tấn cho biết, gói hỗ trợ ba nhóm đối tượng nghèo, người lao động mất việc làm... gần 1.000 tỷ đồng đã được TP phê duyệt và thực hiện từ hôm hay đến 10/8.

Hồ Văn - Tú Anh

TP.HCM trao tiếp gần 1.000 tỷ đồng cho người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

TP.HCM trao tiếp gần 1.000 tỷ đồng cho người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

UBND TP đã phê duyệt gói hỗ trợ đợt 2 và chỉ đạo các quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai trao tiền tận tay người nghèo, người lao động mất việc kể từ hôm nay đến hết 10/8.