Cho dù cả thế giới gần đây đều tập trung vào việc Trung Quốc thử nghiệm máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên, nhưng quân đội Trung Quốc lại đang bận rộn “đầu tư” vào một loại vũ khí bay bí mật khác - bồ câu đưa thư.

Theo các báo cáo trên truyền thông quốc gia, cuối năm ngoái, đơn vị đóng tại Thành Đô thuộc Quân giải phóng Trung Quốc đã bắt đầu huấn luyện 10.000 chim bồ câu như một phần thúc đẩy chương trình xây dựng “đội quân dự phòng chim bồ câu”. Đội quân này sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng thông tin thông thường cho quân đội trong trường hợp xảy ra chiến tranh mà rất nhiều công nghệ hiện đại không sử dụng được.

Ảnh minh họa: pigeoncote
"Những chú bồ câu quân sự sẽ chủ yếu thực hiện sứ mệnh quân sự đặc biệt giữa quân đội đóng ở biên giới đất liền hoặc biên giới biển”, chuyên gia quân sự không quân Trần Hồng nói với Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV).

Theo báo cáo, những chú chim này sẽ được điều động tới các căn cứ thông tin ở các khu vực vùng núi hẻo lánh phía tây nam, đặc biệt là xung quanh chân núi Himalaya. Chim bồ câu bay với tốc độ lên tới 120km/h sẽ được huấn luyện để có thể mang được khối lượng thư tín khoảng 100 gram.

Những chú chim có lịch sử phụng sự lâu dài ở Trung Quốc. Bồ câu đưa thư được dùng ở nước này cách đây hơn 1000 năm, và bồ câu “mang quân phục” có mặt ở đây ít nhất vào cuối những năm 1930.

Năm 1937, Claire Lee Chennault, một phi công thuộc lực lượng không quân Mỹ, tới Trung Quốc để thiết lập một nhóm phi công do Mỹ tài trợ gọi là “Những chú hổ bay”, tham gia sứ mệnh đối phó với quân Nhật. Ông mang theo hàng trăm bồ câu đưa thư. Sau chiến tranh, những chú chim này ở lại và trở thành thành viên cốt lõi trong đơn vị bồ câu quân sự đầu tiên của quân giải phóng Trung Quốc.

Ngày nay, chim bồ câu cùng với 10.000 chú chó cùng phục vụ trong quân đội Trung Quốc, bảo vệ các kho quân sự, hỗ trợ lực lượng cảnh sát đặc nhiệm và quân đội đóng ở biên giới. Ngựa đã từng là một phần quan trọng trong hoạt động quân sự nay không còn vai trò, phần lớn chỉ tham gia triển lãm hay phim ảnh.

Không chỉ có quân đội Trung Quốc sử dụng các chiến binh có cánh trong những lúc khó khăn. Hàng trăm chim bồ câu đã được tham gia vào cuộc đổ bộ Normandy để cung cấp một kênh thông tin liên lạc khi các binh lính e ngại rằng, thông điệp radio của họ bị phát xít ngăn chặn. Chú chim bồ câu đầu tiên mang tin chiến thắng đến London đã được trao huân chương quân đội cao quý.

Các băng đảng tội phạm cũng phát hiện ra lợi ích khi sử dụng bồ câu: Vào tháng 1, nhà cầm quyền Colombia đã bắt được một chú bồ câu mà các kẻ buôn ma túy sử dụng để tuồn thuốc vào trại giam. Nhưng với lượng lớn cocaine và cần sa mang theo, bồ câu đã không thể vượt qua các bức tường nhà tù.

Ở Trung Quốc, chim còn được sử dụng cho hoạt động giải trí. Đua chim bồ câu rất được ưa chuộng ở nước này. Cuối tháng 1, tại một cuộc đấu giá chim bồ câu ở Bỉ, một người Trung Quốc đã phá vỡ kỷ lục thế giới khi trả giá 200.000 USD để sở hữu một chú chim bồ câu đua gốc Bỉ.

  • Thái An (Theo TIME)