Kể từ 0h sáng nay 16/8, Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM và Cần Thơ đã chính thức ngừng phát sóng toàn bộ các kênh chương trình analog để chuyển sang phát sóng số, theo đúng lộ trình của giai đoạn 1 Đề án số hóa truyền hình.

Tại thời điểm này, khi người dùng bật các kênh analog trên VTV, VTC, HTV... đều sẽ nhận được thông báo của nhà đài về việc chuyển đổi này. Một số kênh thậm chí còn phát xen lẫn các clip về hướng dẫn lắp đặt, vùng phủ sóng, giới thiệu về TV tích hợp DVB-T2 hoặc đầu thu DVB-T2 tới người xem. Nhiều người dân cũng đã nhận được tin nhắn từ Bộ TT&TT thông báo về việc tắt sóng và số Tổng đài hỗ trợ thông tin.

{keywords}
Thị trường đầu thu chưa có sự xáo trộn đột biến nào sau nửa ngày tắt sóng analog. 

Theo đó, để có thể tiếp tục thu xem các chương trình truyền hình phát sóng dưới định dạng số DVB-T2, người dân cần phải có TV tích hợp DVB-T2 hoặc đầu thu DVB-T2 (set-top box). Các sản phẩm này đều đang bày bán rất rộng rãi trên thị trường với nhiều tầm giá khác nhau. Các đầu thu đạt tiêu chuẩn, hợp quy sẽ được dán nhãn hợp quy từ Bộ TT&TT để phân biệt với đầu thu tiểu ngạch, "ngoài luồng", không đảm bảo chất lượng.

Một điểm nữa cũng cần lưu ý, là việc tắt sóng analog không ảnh hưởng đến những hộ gia đình đang sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền (truyền hình cáp, truyền hình số vệ tinh, truyền hình Internet...), mà chỉ tác động đến những gia đình dùng antena thu sóng truyền hình bằng công nghệ tương tự (analog) mà thôi.

Người dân có thể gọi điện đến Tổng đài 05111022 - Tổng đài dành riêng để hỗ trợ cho số hóa truyền hình - để tìm kiếm các thông tin cần thiết cũng như để được hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi như tư vấn lựa chọn đầu thu, giá tiền, nơi mua, lộ trình tắt sóng các địa phương khác...

Trong đợt này, ngoài 4 thành phố lớn, một số địa bàn thuộc 19 tỉnh lân cận cũng sẽ chịu ảnh hưởng của việc tắt sóng. Theo các chuyên gia dự đoán, việc tìm mua đầu thu để chuyển đổi sẽ chủ yếu diễn ra ở các quận, huyện ngoại thành của Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ hoặc Hải Phòng, cùng với các tỉnh lân cận do đa số hộ dân trong trung tâm thành phố đều đã thu xem truyền hình trả tiền.

Trên diễn đàn DVB-T2, phản ánh từ một số cửa hàng bán đầu thu cho biết, tình hình tiêu thụ đầu thu đầu giờ sáng nay khá bình lặng. Số lượng khách hỏi mua có tăng nhưng không đột biến và chủ yếu là người lớn tuổi, đối tượng chủ yếu vẫn còn xem truyền hình analog tại thời điểm hiện nay.

Trước đó, tại phiên họp lần thứ 11 của Ban chỉ đạo Đề án Số hóa, Tiểu ban giúp việc cho biết tỷ lệ hộ gia đình nghèo/cận nghèo theo chuẩn Trung ương đã được hỗ trợ đầu thu DVB-T2 để thu xem truyền hình số ước tính đã đạt trên 95%, đủ điều kiện để tiến hành tắt sóng.

Tại các địa bàn đã được phủ sóng truyền hình số mặt đất, số lượng kênh truyền hình có thể thu xem được sau khi chuyển đổi sẽ đạt từ 26-70 kênh, trong đó có 5-7 kênh chương trình HD. Cụ thể, số lượng kênh truyền hình miễn phí, không mã hóa được phát qua VTV, VTV, RTB và SDTV mà người dân có thể thu xem tại Hà Nội, Hải Phòng là 45 kênh SD, tại TP.HCM và Cần Thơ là 65 kênh SD. Ngoài ra, 6 kênh HD là VTV1, VTV3, VTV5, VTV6, VTV7 và VTV9.

T.C