Bộ TT&TT sáng nay tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thi hành luật Báo chí năm 2016 với sự tham dự của đại diện nhiều bộ, ngành, địa phương và lãnh đạo các cơ quan báo chí.

Trong báo cáo sơ kết, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc cho biết, luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển vượt bậc.

Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được đảm bảo và phát huy trong khuôn khổ hiến pháp và luật định. Tuy vậy, sau gần 3 năm triển khai, trên thực tế vẫn còn những quy định chung chung, chưa phân định rõ một số loại hình mới.

{keywords}
Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc

Nhiều địa phương cho rằng cần sửa đổi, bổ sung quy định về văn phòng đại diện, PV thường trú cho chặt chẽ hơn. Cục trưởng Cục Báo chí nêu thực tế có tình trạng nhiều văn phòng đại diện chỉ có Trưởng văn phòng có thẻ nhà báo, còn lại PV là nhân viên quảng cáo hoặc cơ quan báo chí ký với các cá nhân không có chuyên môn, nghiệp vụ về làm CTV, không đáp ứng yêu cầu về năng lực, trình độ của người làm báo. 

Thậm chí, có cơ quan báo chí cử Trưởng văn phòng ở tòa soạn Hà Nội và đưa các nhân viên hợp đồng làm nhân sự tại văn phòng đại diện ở địa phương.

Khó liên lạc với người phát ngôn

Theo phản ánh của các cơ quan báo chí, nhiều cơ quan hành chính nhà nước cử người phát ngôn cho có, mang tính đối phó; nhà báo, phóng viên liên lạc với người phát ngôn rất khó, bị né tránh bằng nhiều hình thức: trả lời chung chung hoặc khất hẹn…

Phát biểu tham luận, Phó tổng biên tập báo Lao Động Nguyễn Đình Chúc đánh giá luật Báo chí 2016 quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức ở địa phương trong việc cung cấp thông tin. Các cơ quan đã cởi mở hơn, tuy nhiên qua phản ánh của PV trong quá trình tác nghiệp, thực tế còn gặp không ít khó khăn.

{keywords}
Phó tổng biên tập báo Lao Động Nguyễn Đình Chúc

“Luật quy định khi PV đến làm việc với cơ quan chính quyền chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo, nhưng không ít nơi còn yêu cầu có giấy giới thiệu, điện thoại về tòa soạn xác minh thân nhân, việc này gây phiền hà, đi lại tốn kém.

Ngoài ra, việc quy định người có trách nhiệm phát ngôn mới được cung cấp thông tin cũng gây khó khăn, thường lấy lý do đi công tác, đi nước ngoài, ốm đau để trốn tránh, không cung cấp thông tin.

Hoặc có trường hợp yêu cầu phải gửi văn bản, sau đó chờ vài ngày, khi sự kiện đã nguội, chìm xuồng mới cung cấp thông tin, gây khó khăn cho cơ quan báo chí tác nghiệp", lãnh đạo báo Lao động phản ánh.

{keywords}
 

Trang tin điện tử "ký sinh" báo chí

Theo ông Lưu Đình Phúc, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn không ít bất cập như: Chưa có sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử, dẫn đến tình trạng “báo hóa”, gây khó khăn trong công tác quản lý. Luật cũng chưa quy định về báo in và tạp chí in, gây lúng túng cho cơ quan báo chí khi thực hiện, nhất là khi triển khai quy hoạch báo chí.

Về quy trình dẫn nguồn tin hiện nay, mặc dù có văn bản hướng dẫn của Bộ TT&TT quy định rõ là việc dẫn nguồn phải có văn bản thỏa thuận, dẫn link gốc nhưng hiện nay vẫn có tình trạng các trang thông tin, báo dẫn nguồn tin còn lộn xộn.

Đánh giá tình trạng báo hóa trang tin, báo hóa tạp chí, Phó tổng biên tập báo VietNamNet Võ Đăng Thiên cho biết hiện nay trang tin điện tử tổng hợp rất đặc thù được quy định trong luật báo chí, không phải là báo nhưng giống như 1 cơ quan báo chí.

{keywords}
Phó tổng biên tập báo VietNamNet Võ Đăng Thiên

Trang tin cung cấp thông tin nhưng lại không được sản xuất tin bài, mà phải dẫn lại, tổng hợp. Ông Thiên cho rằng lâu nay thực hiện không nghiêm nên xảy ra tình trạng trang tin tổng hợp "ký sinh" trên cơ quan báo chí.

"Bởi vì họ tồn tại nhưng không được sản xuất thì đương nhiên là có tình trạng vi phạm bản quyền. Tùy tiện đặt lại tít, tùy tiện biên tập lại, giật lại tít cho nó giật gân hơn để câu view", ông nói.

Thực tế có nhiều trang tin phát triển tốt, thậm chí có trang tin còn mạnh hơn tờ báo. Về vấn đề nên dẹp hay siết chặt quản lý, Phó tổng biên tập báo VietNamNet đề nghị nên nghiên cứu do có những trang tin làm tốt, nếu dẹp đi thì sẽ lãng phí. 

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng mặc dù đạt được những thành tựu quan trọng, song thực tế luật Báo chí năm 2016 còn nổi lên nhiều tồn tại, bật cập. Vì vậy việc sửa đổi, bổ sung luật cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết.

Việc này nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển; đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Trần Thường 

'Báo chí phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội'

'Báo chí phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, báo chí nước ta phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, Chính phủ sẽ tạo cơ chế mới cho báo chí phát triển.