Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu (Mâm bồng gốm men ngũ thái) vừa được Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc công nhận là bảo vật quốc gia hiện đang được bảo quản và trưng bày trong không gian trưng bày cổ vật tại Bảo tàng Quảng Ninh. Căn cứ vào hình dáng, hoạ tiết hoa văn, kỹ thuật chế tác,… các chuyên gia giám định cổ vật, các nhà nghiên cứu cho rằng Mâm bồng vẽ men nhiều màu có niên đại thời Lê sơ (thế kỷ XV).

Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu có cấu trúc giống như một đài sen với phần mâm phía trên chính là phần bông sen, cổ và thân giống như phần cuống của bông sen. Ở góc nhìn thẳng từ trên xuống, mâm bồng giống như một đoá sen đang độ khai mãn. 

{keywords}
Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu (thời Lê sơ) nom tựa một đóa sen, lòng đĩa vẽ họa tiết cá hóa rồng, bao quanh bởi 9 linh thú độc đáo.

Các dải băng hoa văn, đồ án hoa văn chủ yếu được sử dụng trang trí mâm bồng: Cá chép hoá rồng, linh thú, cánh sen, long mã, nhân vật, vv… cá đồ án được trang trí cụ thể như sau.

Mâm bồng còn tương đối nguyên, chỉ bị sứt mẻ, bong men một chỗ ở gờ miệng. Các hoạ tiết vẽ màu trên men phần lớn đã bị “bay”, phần còn lại không nhiều. Bên trong chân đế, tại vị trí tiếp giáp với mâm bị nứt một đường chỉ dài khoảng 18cm chạy vòng theo chân đế.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - chủ nhân của hiện vật cho biết, chiếc mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu này được trục vớt từ vùng biển Cù Lao Chàm, nơi đã phát hiện và khai quật con tàu Cù Lao Chàm chở đầy gốm men Việt Nam thời Lê sơ. 

Với chất lượng sản phẩm cao; hoa văn phong phú, đề tài trang trí và đặc biệt là màu sắc và chất liệu tạo màu để vẽ hoa văn cho phép các nhà nghiên cứu thống nhất cho rằng, Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu là một sản phẩm gốm men cao cấp thời Lê sơ (thế kỷ XV). Vật phẩm này không sản xuất để dành cho rộng rãi các đối tượng trong xã hội mà đây là sản phẩm chỉ dành cho tầng lớp cao trong xã hội đương thời. Thậm chí, căn cứ vào hình chi trước có vẽ 5 móng một số nhà nghiên cứu còn cho rằng đây là đồ Quan xưởng (Quan diêu – Lò quan), và việc tìm thấy ở Cù Lao Chàm có thể cho phép nghĩ rằng, đó có thể là tặng phẩm của vua nhà Lê dành cho các thương nhân đến buôn bán tại Đại Việt.

{keywords}
Hình dáng của mâm bồng không chỉ thể hiện tính thẩm mỹ mà còn là biểu trưng của tư tưởng với chiều sâu văn hoá.

Hiện nay loại hình mâm bồng gốm men niên đại thời Lê sơ được biết có 4 tiêu bản, trong đó 2 tiêu bản hiện ở trong nước, 2 tiêu bản hiện đang được lưu giữ và bảo quản ở nước ngoài. 

Hình dáng của mâm bồng không chỉ thể hiện tính thẩm mỹ mà còn là biểu trưng của tư tưởng với chiều sâu văn hoá. Mâm có cấu trúc một đài sen, một biểu tượng tiêu biểu của Phật giáo, triết lý từ bi, hỷ xả đã như một mạch nguồn chảy trong máu của mỗi người thợ cũng như người Đại Việt mà từ đó kết tinh qua hình dáng, hoạ tiết trang trí trên sản phẩm.

Không chỉ có vậy, giá trị nghệ thuật và tư tưởng thể hiện rõ nét qua các đề tài trang trí trên Mâm bồng. Các hoạ tiết trang trí trên Mâm bồng có thể chia thành 3 nhóm đề tài: đề tài liên quan và thể hiện các triết lý hay tư tưởng của Phật giáo; đề tài liên quan và thể hiện triết lý hay tư tưởng của Đạo giáo và Đề tài liên quan và thể hiện triết lý hay tư tưởng của Nho giáo. 

Đề tài Cá hoá rồng là đề tài mang tính chủ thể, thể hiện tư tưởng của Nho giáo trong việc học tập, tu dưỡng bản thân để mong có thể thành danh giúp đời, giúp người.

Hoạ tiết hoa sen không chỉ hỗ trợ để tôn lên hình khối của mâm và đề tài chính của đồ án trang trí mà còn thể hiện những giá trị biểu trưng của Phật giáo. Đặc biệt hình khối tổng thể của mâm bồng giống như một đài sen càng minh chứng rõ hơn điều đó. Đài sen là một biểu tượng của núi Meru (hay còn gọi là Tu Di đài) nơi Đức Phật ngự trị vì vậy, hình tượng này đã được sử dụng khá phổ hiến từ thời Lý - Trần. Cấu trúc, hình dáng và các hoạ tiết của Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu ở Bảo tàng Quảng Ninh là minh chứng sống động thể hiện tính kế thừa và mạch ngầm của Phật giáo trong đời sống văn hoá Đại Việt trong bối cảnh Nho giáo ngày càng được coi trọng và đề cao dưới thời Lê sơ.

{keywords}
Chiêm ngưỡng Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu vừa được công nhận là bảo vật quốc gia

Cùng với Phật giáo, Đạo giáo với phép tu tiên, sử dụng các bùa phép,… hàm chứa nhiều nét tương đồng với tín ngưỡng dân gian nên sớm được đông đảo quần chúng tiếp nhận. Dưới thời Lý - Trần, Đạo giáo được tôn trọng và thừa nhận trong chính sách khoan hoà “Tam giáo đồng nguyên” do vậy càng có cơ hội phát triển và hoà nhập sâu vào đời sống nhân dân.

Các hoạ tiết hoa văn trang trí trên Mâm bồng, ngoài những hình tượng có tính biểu trưng của Nho giáo và Phật giáo cũng bắt gặp các hình ảnh của Đạo giáo. Các đồ án sừng tê, ngọc báu, sinh tiền trang trí trên cổ mâm bồng là các đồ án trong bộ Bát bửu (tám vật báu) của Đạo giáo; hình ảnh nhân vật trang trí trong các hộc chân đế là những đề tài nằm trong bộ đồ án Bát tiên (tám vị tiên) của Đạo giáo, thể hiện cầu chúc những điều may mắn và thành công.

Như vậy, dù mỗi đồ án trang trí trên mâm bồng thể hiện các triết lý hay tư tưởng của Đạo, Nho hay Phật giáo song có thể thấy, sợi dây xuyên suốt trong các đề tài trang trí này là mong muốn thể hiện sự cố gắng và thành công, để đạt được sự thành công ngoài sự nỗ lực cố gắng luôn cần có sự may mắn.

Tình Lê