TIN BÀI KHÁC
Rau tăng, vàng mã cũng đua
Thị trường vàng mã năm nay được khách hàng nhận định là tăng khoảng từ 10-30% so với năm ngoái. Dù vậy, đồ cõi âm không hề ế ẩm mà đang đắt khách như tôm tươi. Người tiêu dùng, với tâm lý lo mọi thứ gần tết đều đội giá, đồ vàng mã cũng phi mã chạy theo nên đã tranh thủ sắm đồ ông Táo sớm.
Hàng
Mã vốn được coi là “thủ phủ” của các loại tiền vàng, nhưng nay mặt
hàng này cũng được mở rộng thêm sang cả đầu phố Hàng Lược và Đồng
Xuân. Cảnh chen lấn của những người mua hàng lúc về chiều khiến cả một góc phố
ồn ào, náo động.
Phố Hàng Mã được coi là thủ phủ của các đồ vàng mã. Càng về chiều,
khu phố này càng tấp nập cảnh chen lấn, chào mua hàng
Ngay từ đầu phố, sắc đỏ đã ngập trời, quầy nào cũng đầy ắp các loại tiền vàng. Từ những loại tiền phổ biến bằng chất liệu giấy mỏng, mềm cho đến những loại tiền cao cấp bằng USD với đủ các mệnh giá. Thêm vào đó thị trường các loại mũ, cá giấy cũng nóng lên không kém khi thay vì sử dụng các loại chất liệu giấy màu thông thường, thị trường năm nay còn có sự xuất hiện của các loại cá, mũ gấm (giấy màu bóng), cao cấp hơn còn có cả cá nhung, mũ nhung. Sự đa dạng của các mặt hàng này có khả năng chiều lòng được tất cả những khách hàng khó tính nhất.
Hiện một bộ đồ cúng ông Công, ông Táo gồm 3 chiếc mũ, 3 bộ quần áo, 3 đôi giày, 3 chú cá chép giấy, loại to có giá khoảng 120.000 đồng, loại nhỏ khoảng 90.000 đồng, tăng 10% so với năm ngoái.
Mặt hàng quần áo của ông Công, ông Táo cũng nhích thêm khoảng 15%, mức giá dao động từ 20 – 50.000 đồng/bộ, 70.000/bộ nếu lấy thêm hia, gươm, ngựa. Ngoài ra mặt hàng này còn có cả những bộ đồ complet có giá 70 – 80.000 đồng/bộ.
Năm nay ăn theo xu hướng được giá của tiền vàng, ngoài các mặt hàng truyền thống như cau vàng, thỏi vàng, hũ vàng, dây vàng, khách hàng còn có thể mua cành lộc vàng, lúa vàng... để đem về bày tại bàn thờ. Giá mỗi chùm lộc vàng gồm 10 cành từ 50 – 100.000 đồng.
Chị Thanh, chủ cửa hàng 39 Hàng Mã cho biết, các mặt hàng vàng mã đã được các hộ kinh doanh ở đây nhập về từ đầu tháng 1. Tuy nhiên những ngày này lượng khách đến mua còn khiêm tốn và chỉ đông về chiều nhưng qua ngày rằm trở đi đồ cõi âm sẽ đắt khách vô cùng, nhiều khi còn khan hàng và mức giá thường đội lên so với ngày thường khoảng 20-30%.
Chị Thanh còn nói thêm, để chiều lòng những khách hàng muốn sắm đồ xa xỉ cho người cõi âm, các mặt hàng đắt tiền như ô tô, xe máy, nhà lầu, tủ lạnh, ti vi, máy giặt hay đến cả osin… cũng được bày bán. Nhưng hàng này chỉ để trong kho, trưng bày hạn chế, khi nào khách hỏi mua mới đem ra bán. Giá mỗi chiếc xe ô tô loại 4 chỗ có giá 150.000 - 200.000 đồng, còn dòng xe 7 chỗ giá khoảng 160.000-250.000 đồng.
Giải thích cho sự nhộn nhịp của mặt hàng này, chị Nguyễn Diệu Loan, Cầu Giấy chia sẻ “Mỗi năm mới có một ngày Táo quân về trời báo cáo tình hình làm ăn của gia chủ dưới hạ giới nên dù khó khăn mấy thì nhà nào cũng cố sắm lấy cái lễ cho thật sung túc để trình diện với các chư vị Táo nên không thể xuề xòa cho qua được”.
Hàng ngoại, hàng nội chen nhau xuống phố
Dễ dàng nhận thấy 2/3 hàng hóa trên phố Hàng Mã là hàng của Trung Quốc bên cạnh những mũ áo, cá vàng được sản xuất từ Văn Hội, làng Cót (Hà Nội) hay Đông Hồ, Thuận Thành (Bắc Ninh).
Sự hiện diện rõ nhất của hàng Trung Quốc là các loại dây treo trang trí có hình con thỏ (Việt Nam có con mèo đứng thứ 4 trong 12 con giáp, ở Trung Quốc lại là con thỏ). Một số mặt hàng khác như pháo cây giả, pháo treo, đèn lồng cũng có xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc.
Các chủ hàng cũng tiết lộ, những phong bao lì xì vốn được nhiều người
dân sử dụng trong dịp Tết cũng phần lớn là hàng Tàu.
Các cơ sở sản xuất vàng mã dù có làm ngày đêm cũng không đủ phục
vụ nhu cầu của người dân
Chị Vĩnh, một chủ cửa hàng trên phố hàng Mã cho hay “Hàng Việt Nam thì cũng có thật nhưng đồ Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế vì mẫu mã đẹp, giá cả lại phải chăng”.
Trong khi đó chị Thủy, chủ một cơ sở sản xuất vàng mã tại làng Cót, Yên Hòa, Cầu Giấy, HN cũng cho hay: "Những ngày này, sản xuất ra đến đâu họ lấy hết đến đó. Nhà có thuê 10 người làm ngày đêm cũng không đủ cung cấp ra thị trường. Số lượng bán ra vào dịp này gấp 6 – 7 lần ngày thường".
“Dù giá cả năm nay có đội lên khá nhiều so với năm trước, nhưng sức mua của người dân không hề giảm. Sự có mặt của một số mặt hàng mới lạ từ Trung Quốc khiến khách hàng hài lòng hơn. Do vậy một số khách hàng không tiếc tiền bỏ ra cả triệu đồng để sắm được bộ đồ cúng ưng ý để tiễn ông Công, ông Táo”, chị Lan, chủ cửa hàng trên phố Hàng Mã chia sẻ.
Tuy nhiên, theo các nhà Văn hóa, nét đẹp của tết ông Công ông Táo chính là tục phóng sinh chứ không phải chú trọng đến tiền vàng, vật chất. Chỉ vì tâm lí “nhiều đồ nhiều lộc, đồ càng đắt, lộc càng nhiều” mà cả đống tiền sắm sửa chỉ sau một ngày lại thành tro.
Để sắm trọn bộ ông Công ông Táo cần phải đủ cả mũ, áo
quần, tiền vàng, cá chép cũng lên đến tiền triệu. Đó là chưa kể tiền vàng hay nhiều món đồ xa
xỉ như ô tô, xe máy, nhà lầu….
Minh Anh