Kính gửi: 

- Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố;                               

- Các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể;

- Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã.

- Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 28/9/2021 của Chủ tịch UBND thành phố về việc thực hiện chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn thành phố trong tình hình hiện nay, từ 0 giờ 00 phút ngày 30/9/2021 cho đến khi có thông báo mới, Chủ tịch UBND thành phố thống nhất chỉ đạo áp dụng tạm thời một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, cụ thể như sau:

I. Đối với vùng đang thực hiện cách ly y tế hoặc được thiết lập khi có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng: Tiếp tục thực hiện nghiêm biện pháp cách ly y tế, “ai ở đâu thì ở đấy” để phòng, chống dịch theo hướng dẫn tại Quyết định số 3986/QĐ-BYT ngày 16/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Công điện số 1168/CĐ-BYT ngày 07/8/2021 của Bộ Y tế về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

II. Đối với các vùng còn lại

1. Tiếp tục tạm dừng các hoạt động sau đây:

a) Hoạt động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp (trừ cơ sở cắt tóc, gội đầu), karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường, rạp phim, casino, điểm cung cấp dịch vụ internet công cộng, trò chơi điện tử.

b) Hoạt động lễ hội văn hóa, thể thao, các sự kiện biểu diễn nghệ thuật, giải đấu thể thao.

c) Hoạt động khu phố đi bộ, chợ đêm.

d) Hoạt động tại phòng tập gym, yoga, bida; hoạt động thể thao trong nhà, ngoài trời có tiếp xúc trực tiếp tại các sân tập, nhà thi đấu dịch vụ; hoạt động bơi lội tại các hồ bơi dịch vụ trong nhà, ngoài trời.

đ) Hoạt động dạy và học trực tiếp tại các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở giáo dục (các nhóm trẻ, trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt...), cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học, năng khiếu, kỹ năng sống, các trung tâm tư vấn du học, các cơ sở dạy thêm, học thêm.

e) Hoạt động phục vụ khách ăn, uống tại chỗ của các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống; tổ chức ăn, uống tập thể tại các đám hiếu, đám hỷ, tiệc liên hoan, tân gia,...

g) Hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh.

2. Các hoạt động sau đây được thực hiện với biện pháp kèm theo:

a) Hoạt động chợ truyền thống

- Bố trí luân phiên tối đa 50% số lượng gian hàng/quầy hàng; có vách ngăn giữa người bán, người mua và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 5858/BYT-MT ngày 21/7/2021.

- Đối với tiểu thương và những người làm việc trực tiếp liên quan đến hoạt động của chợ: Đã được tiêm ít nhất 01 liều vắc xin phòng COVID-19 sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng; mang khẩu trang, khuyến khích đeo tấm che mặt trong suốt.

- Đối với người đi chợ: Mỗi hộ gia đình chỉ được đi chợ với tần suất 03 ngày/lần và phải có Giấy đi mua hàng QRCode hợp lệ theo quy định; mang khẩu trang và khuyến khích đeo tấm che mặt trong suốt.

Riêng hoạt động của Chợ đầu mối Hòa Cường, Chợ đầu mối Cảng cá Thọ Quang được quy định tại văn bản riêng.

b) Hoạt động hội họp, tập huấn, hội thảo,…trong nhà do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức (trừ các hoạt động, sự kiện được cấp có thẩm quyền cho phép): Tập trung không quá 20 người trong 01 phòng; trường hợp 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng thì tập trung không quá 100 người.

c) Hoạt động của những người giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và những người giao hàng công nghệ (gọi chung là shipper): Phải  đeo khẩu trang y tế đạt chuẩn, găng tay và khử khuẩn tay bằng nước sát khuẩn khi tham gia hoạt động; đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin phòng COVID-19 sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng.

d) Hoạt động các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự: Tập trung không quá 30 người cùng một thời điểm.

đ) Hoạt động khách sạn, cơ sở lưu trú: Cho phép hoạt động lưu trú không quá 30% tổng số phòng hiện có, trường hợp 100% khách hàng đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng thì cho phép lưu trú không quá 50% tổng số phòng hiện có. Không được tổ chức các dịch vụ khác tại cơ sở lưu trú.

e) Hoạt động vận chuyển hành khách bằng phương tiện công cộng trong nội đô thành phố; vận chuyển khách bằng phương tiện thủy nội địa trên các tuyến sông, vịnh Đà Nẵng: Được hoạt động tối đa không quá 50% số ghế quy định trên phương tiện.

g) Các hoạt động thể dục, thể thao trong nhà, ngoài trời không tiếp xúc trực tiếp: Tập trung không quá 20 người.

h) Hoạt động tắm biển:

- Thời gian tắm biển hàng ngày: Từ 04 giờ 30 đến không quá 06 giờ 30.

- Chỉ tắm biển tại các khu vực được phép theo quy định và rời đi ngay sau khi tắm biển; không tập trung đông người trên bãi biển; cấm tụ tập vui chơi, chơi thể thao, ăn, uống, bán hàng rong... tại bãi biển; giữ khoảng cách ít nhất 01 mét với người khác; đeo khẩu trang trước và ngay sau khi tắm biển xong.

- Chưa cho phép dịch vụ tắm nước ngọt và các dịch vụ khác tại bãi biển và các khu vực công viên, vỉa hè ven biển (trừ dịch vụ trông, giữ xe, đồ đạc của khách theo quy định).

i) Hoạt động các cơ sở cắt tóc, gội đầu: Chủ cơ sở, nhân viên đã được tiêm ít nhất 01 liều vắc xin phòng COVID-19 sau 14 ngày; không phục vụ quá 3 người cùng một thời điểm.

k) Tổ chức đám tang: Tổ chức không quá 48 tiếng; tập trung không quá 20 người cùng một thời điểm, có sự giám sát của chính quyền địa phương và phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.

3. Các hoạt động khác ngoài quy định tại Công văn này được thực hiện bình thường, bố trí tối đa số người làm việc; tuân thủ nghiêm quy định hiện hành về phòng, chống dịch và các yêu cầu được quy định tại Khoản 5 Công văn này.

4. Người dân được di chuyển ra, vào Thành phố và phải tuân thủ các quy định phòng, chống dịch hiện hành của Trung ương và hướng dẫn của Thành phố, địa phương nơi đến.

5. Yêu cầu chung khi tham gia các hoạt động

a) Đối với công dân:

- Thực hiện nghiêm quy định 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế); không tập trung từ 20 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện…; giữ khoảng cách tối thiểu 02 mét giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

- Khi có triệu chứng nghi mắc COVID-19 (ho, sốt, đau họng, mất vị giác, khứu giác…) không được tự ý đi mua thuốc chữa bệnh, phải báo cơ sở y tế nơi gần nhất để được phân luồng, khám sàng lọc.

- Đã tiêm ít nhất 01 liều vắc xin phòng COVID-19 sau 14 ngày (trừ người dưới 18 tuổi và người không thể tiêm chủng theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền).

- Có mã QR và thường xuyên sử dụng mã QR khi đến nơi đông người, khi đến làm việc, học tập và sử dụng các dịch vụ - thương mại. Việc đăng ký cấp mã QR theo hướng dẫn tại Công văn số 2815/STTTT-CNTT ngày 25/9/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông.

b) Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp

- Phải có phương án an toàn phòng, chống dịch trong từng lĩnh vực hoạt động theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch và các Bộ, ngành Trung ương.

- Phải có thiết bị kiểm soát mã QR để quản lý đối với những người đến làm việc, học tập và sử dụng các dịch vụ - thương mại.

- Phải xét nghiệm SARS-CoV-2 với 100% người lao động có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như ho, sốt, khó thở…

III. Tổ chức thực hiện

1. Các sở, ban, ngành, Công an thành phố, UBND các quận, huyện, phường, xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi quản lý và các quy định hiện hành về phòng, chống dịch COVID-19 chịu trách nhiệm:

a) Quán triệt, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các nội dung quy định tại Công văn này; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.

b) Hướng dẫn, quản lý, kiểm tra, giám sát phương án an toàn phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý, yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động nếu không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo quy định.

2. Sở Y tế tham mưu UBND thành phố xây dựng Hướng dẫn các chỉ số đánh giá mức độ thích ứng an toàn phòng, chống dịch trên địa bàn và áp dụng biện pháp y tế như xét nghiệm, tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, cách ly y tế, điều trị, ứng dụng công nghệ thông tin trong truy vết, giám sát dịch tễ phù hợp với từng mức độ đánh giá.

3. Công an thành phố chủ trì, phối hợp với lực lượng y tế, Quân sự, Biên phòng, Đoàn thanh niên, các đoàn thể chính trị - xã hội và các địa phương tiếp tục duy trì hoạt động có hiệu quả của các chốt kiểm soát dịch liên ngành tại cửa ngõ ra vào thành phố; tăng cường tuần tra, kiểm tra xử lý những hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch.

4. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố chủ trì, phối hợp với các lực lượng liên quan tiếp tục duy trì hoạt động có hiệu quả các chốt kiểm soát số 13 (Cảng Tiên Sa) và chốt số 14 (Trạm kiểm soát Biên phòng Mân Quang).

5. Sở Tư pháp: Kịp thời hướng dẫn các cơ quan, địa phương thực hiện xử lý nghiêm các trường hợp phát sinh vi phạm quy định phòng, chống dịch.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn hoạt động của Chợ Cảng cá Âu thuyền Thọ Quang thích ứng an toàn với dịch COVID-19.

7. Sở Công Thương hướng dẫn hoạt động của các chợ đầu mối, chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị thích ứng an toàn với dịch COVID-19.

8. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan hướng dẫn người dân khai báo bằng QRCode trước khi vào thành phố.

b) Triển khai Ứng dụng mã QR khai báo y tế điện tử tích hợp dữ liệu tiêm vắc xin phòng COVID-19 và xét nghiệm SARS-CoV-2 của người dân để quét mã QR khi tham gia các hoạt động quy định tại Công văn này; hướng dẫn việc lắp các thiết bị quét mã QR cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tại các địa điểm tập trung đông người.

c) Hiệu chỉnh Ứng dụng Giấy đi mua hàng QRcode với tần suất 03 ngày/lần (người dân được lựa chọn đi chợ hoặc đi siêu thị theo tần suất quy định).

d) Tổ chức tuyên truyền Công văn này đến tận người dân biết, thực hiện; phối hợp với Sở Ngoại vụ tuyên truyền bằng tiếng Anh cho người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, học tập,... trên địa bàn thành phố biết, thực hiện.

9. UBND các quận, huyện:

a) Chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn quản lý; tham gia kiểm soát chặt chẽ phòng, chống dịch tại các chốt cửa ngõ ra vào thành phố trên các đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không và các đường mòn, lối mở trên địa bàn, tuyệt đối không để nguồn lây bệnh xâm nhập vào thành phố.

b) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan tổ chức thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ, chính xác các chế độ chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 theo quy định.

c) Chỉ đạo UBND các phường, xã: Tiếp tục duy trì hoạt động có hiệu quả của các Ban điều hành tại các vùng cách ly y tế; tiếp tục duy trì hoạt động có hiệu quả của Tổ COVID-19 cộng đồng trong phòng, chống dịch tại khu dân cư, thôn, tổ dân phố và từng hộ gia đình; cấp Giấy đi mua hàng QRCode đảm bảo phân chia số người đi chợ/siêu thị giãn cách phù hợp, không được cấp đại trà, hàng loạt, thiếu kiểm soát để tập trung đông người tại chợ, siêu thị.

Nhận được Công văn này, yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.

VietNamNet