“Chống dịch như chống giặc”. Hà Nội đã tổ chức họp báo lúc 10h đêm qua với sự tham dự của các lãnh đạo cao nhất của thành phố và đầy đủ ban ngành về ca nhiễm virus thứ 17 ở Việt Nam cho thấy tinh thần đó, thậm chí hơn cả tinh thần đó.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết sẽ phối hợp với các cơ quan để xác định tất cả hành khách trên chuyến bay VN00054 cùng với chị N, toàn bộ số y tá, bác sĩ của bệnh viện Hồng Ngọc,… để có cơ sở thực hiện biện pháp cách ly. Việc này “làm trong đêm nay và ngày mai”.

“Mọi thông tin liên quan đến Covid-19 sẽ được công khai, minh bạch để toàn bộ người dân Thủ đô nắm được, trên cơ sở đó bình tĩnh xử lý các vấn đề”, ông cam kết.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhắn nhủ thêm: “Chúng ta tuyệt đối không được lơ là chủ quan, nhưng cũng phải hết sức bình tĩnh, không quá hoang mang, lo lắng".

{keywords}
Thủ tướng yêu cầu "chống dịch như chống giặc".

Ca bệnh thứ 17 xuất hiện rốt cuộc cũng đã đến sau hơn 2 tuần bình yên ở Thủ đô, ở cả nước. Đó là thực tế không thể tránh khỏi.

“Bệnh nhân N. tự biết có khả năng lây bệnh nên chủ động không tiếp xúc với mọi người, đặc biệt là người nhà của mình, nhưng lại không chủ động khai báo với nhà chức trách. Không phải tự bệnh nhân không biết. Mặt không mong muốn ở đây là bệnh nhân giấu, không khai báo”. Đây là điều không thể chấp nhận được.

Singapore đang cố gắng kiểm soát dịch rất mạnh và xử rất mạnh với các đối tượng vi phạm quy định về phòng chống dịch như sau. Một cặp vợ chồng Trung Quốc đang bị đưa ra toà xét xử vì tội khai báo không trung thực về lịch trình tại Singapore, cản trở nỗ lực kiểm soát dịch của chính phủ. Nếu bị kết án, họ có thể ngồi tù 6 tháng hoặc nộp phạt 10,000 đô hoặc cả hai. Một người khác bị tước thẻ cư trú và cấm nhập cảnh lại do vi phạm yêu cầu cách ly tại nhà sau khi trở về từ nơi có nguy cơ dịch bệnh cao. Nhiều công ty và nhân viên bị phạt vì không chấp hành yêu cầu cách ly tại nhà. Nhân viên nước ngoài thì bị tước giấy phép lao động và đuổi về nước ngay lập tức.

Khai báo gian dối hoặc giấu lịch sử di chuyển, nhất là khi biết mình có nguy cơ cao, là tội hình sự và tội ác chống lại cộng đồng.

Bệnh nhân 31 ở Hàn Quốc đã làm lây lan bệnh cho biết bao nhiêu người, đưa cả đất nước vào tình thế rất khó khăn.

Vì thế, tất cả những ai đã và sắp trở về từ vùng có dịch, hãy trung thực khai báo y tế về những nơi mà mình đã đi qua, về tình trạng sức khoẻ của mình trong những ngày gần đây, hãy chủ động xin cách ly để bảo vệ sức khoẻ của chính mình, của gia đình, bạn bè, người thân và của cả cộng đồng.

Ca thứ 17 này không khai báo đã làm hỏng nỗ lực của bao nhiêu người căng mình ngày đêm chống dịch. Tuy nhiên, chuyện đã xảy ra rồi, chúng ta cần bình tĩnh mà đối phó chứ không nên hoảng loạn. Đừng gieo rắc fake news để gây thêm bất an, đừng đổ thêm dầu làm bùng lên ngọn lửa sợ hãi.

Những cảm xúc đó sẽ làm tê liệt xã hội, gây tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội. Xúc cảm đó kéo dài sẽ gây tốn phí bao nhiêu cho cả xã hội, cả nền kinh tế. Thủ đô không nên và không thể có chuyện người dân đổ xô đi mua sắm. Hi vọng người dân bình tĩnh vì đổ xô đi tích trữ hàng hóa sẽ tạo một loạt phản ứng dây chuyền. Lo lắng - tích trữ - tăng giá - tiền mất giá - kinh tế khó khăn - tinh thần xuống dốc - xã hội rối ren. Chất giấy vệ sinh đầy nhà lắm làm gì, mỳ tôm ở Việt Nam lúc nào chả có đầy. Bài học dân đổ xô đi mua đồ tích trữ ở Nhật, Úc, Mỹ cần được tránh.

Việt Nam có đầy đủ năng lực cung cấp lương thực, thực phẩm và hàng hóa thì người dân không nên tích trữ. Đó là trách nhiệm với cộng đồng!

Hôm nọ, Vĩnh Phúc chính thức dỡ bỏ lệnh cách ly đối với xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, sau 20 ngày phải phong tỏa hơn 10 nghìn người để phòng chống dịch Covid-19. Điều đó cho thấy sự khao khát bình yên như thế nào trước đại dịch Covid-19 đang gây bất an cho nhân dân khắp toàn cầu. Đó là nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương phải cùng vào cuộc và nỗ lực với trách nhiệm cao nhất.

Chúng ta vẫn phải mở cửa với thế giới, vẫn phải làm ăn, kinh doanh và như vậy rủi ro có thêm ca bệnh là hoàn toàn có thể. Nhưng cần bình tĩnh để đối phó. Chẳng biết ai ủ bệnh ai không, nên tốt nhất là chúng ta cần tự bảo vệ mình và người thân tốt nhất theo các khuyến cáo chuyên môn.

Với những gì đã diễn ra, với sự quyết tâm bền bỉ của cả hệ thống, với năng lực của ngành y tế và sự cảnh giác cao độ của toàn dân, Việt Nam có đủ năng lực, kinh nghiệm, tự tin để khống chế dịch bệnh này.

Và quan trọng nhất, không thể để cảm xúc hoảng loạn đè bẹp mọi lý trí. Chống dịch như chống giặc mà quân thù mới trước ngõ đã quân hồi vô phèng thì sao mà chống được!

Hoàng Tư Giang, Văn Thường, Hữu Hải