"Tôi nghĩ là mục tiêu chuyến đi của Thủ tướng là tiếp xúc để truyền bá thông điệp về Việt Nam, khẳng định tầm nhìn của Việt Nam trong không gian thế giới hiện đại” – PGS.TS. Trần Đình Thiên.

LTS- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đến Davos (Thụy sĩ), dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF (ngày 17 - 21/1), và dư luận chờ đợi ông sẽ giới thiệu mô hình chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động với các nhà đầu tư nước ngoài. Cùng nhìn lại mô hình chính phủ này trong chín tháng vừa qua, Tuần Việt Nam có cuộc phỏng vấn với PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, khi nhậm chức Thủ tướng, đã đặt ra nhiệm vụ phải xây dựng một chính phủ liêm chính, kiến tạo, và hành động. Theo ông, đâu là những vấn đề đặt ra với nhiệm vụ này?

Khi đặt ra vấn đề xây dựng “chính phủ kiến tạo” thì cũng có nghĩa là vẫn còn sự phân bổ nguồn lực sai, gây ra thất thoát, tham nhũng, dẫn đến một hệ thống vận hành kém hiệu quả, nền kinh tế “chậm lớn”, còn doanh nghiệp khó trưởng thành, vì bị “trói”, tổn thất do bộ máy nhiều quá… Tổng quát là do nhà nước chưa hoạt động theo tinh thần “phục vụ doanh nghiệp” mà vẫn là quản chặt, lo cho bộ máy của mình hơn là cho doanh nghiệp, cho sự phát triển chung. 

Chính phủ kiến tạo gắn với câu chuyện nhà nước phải thay đổi, tạo ra những điều kiện cho doanh nghiệp và nền kinh tế thị trường vận hành thông thoáng. Để được vậy, chúng ta phải thay đổi hệ thống luật lệ, bao gồm khuôn khổ luật pháp và chính sách, cung cấp môi trường kinh doanh thuận lợi, các điều kiện cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, v.v…

Còn chính phủ liêm chính, tôi hiểu đơn giản là chính phủ hoạt động “chí công vô tư”, không vụ lợi, không tham nhũng.

Nạn tham nhũng xưa nay đều là vấn đề gắn với cơ chế, với hệ thống quyền lực, không hẳn chỉ là vấn đề đạo đức cá nhân. Về mặt kinh tế, tham nhũng bắt nguồn từ chính cơ chế phân chia nguồn lực, nếu nó méo mó, sai lệch thì sẽ tạo cơ hội cho các cá nhân có quyền lực trong bộ máy dễ dàng kiếm chác, “chấm mút”.

Vì vậy, cách đặt vấn đề xây dựng chính phủ liêm chính là phải thay đổi hệ thống phân bổ nguồn lực, trong đó, về nguyên tắc, bảo đảm tất cả đều công khai minh bạch, dòng chảy thông thoáng.

{keywords}

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Tổng thống François Hollande bên lề cuộc hội kiến tháng 9/2016. Ảnh: VGP

Theo ông, bối cảnh kinh tế nào khiến Thủ tướng đặt ra nhiệm vụ này?

Thực ra, bối cảnh này bắt nguồn sâu xa từ vấn đề quan hệ chức năng giữa nhà nước và thị trường trong hệ thống kinh tế thị trường, và chức năng của chính phủ trong sự vận hành của nền kinh tế thị trường.

Về mặt cấu trúc, giai đoạn vừa rồi là giai đoạn Việt Nam định hình kinh tế thị trường, tức là chuyển đổi sang một hệ thống khác. Khi chuyển đổi cấu trúc như vậy, về nguyên tắc, “vai vế - chức năng” của nhà nước và thị trường phải dịch chuyển tương ứng.

Nhưng có lẽ trong giai đoạn vừa qua, quá trình dịch chuyển này diễn ra chậm, hoặc chưa hoàn toàn đúng quỹ đạo cần thiết, vì vậy thiếu hiệu quả. Đó là lý do cơ bản khiến lãnh đạo chính phủ phải định hình cho thật rõ ràng câu chuyện nhà nước là phải làm gì và làm như thế nào để tránh khỏi những méo mó, sai lầm, hay thậm chí hư hỏng.

Tiến hành “tái cơ cấu nền kinh tế” và “đổi mới mô hình tăng trưởng” thực chất không có gì khác là nhà nước phải định vị lại chức năng cơ bản của mình trong nền kinh tế thị trường – chức năng phân bổ (hay đúng hơn – tham gia phân bổ) nguồn lực. Nhà nước phải chuyển giao vai trò từ chỗ quyết định tuyệt đối việc phân bổ nguồn lực (thời kế hoạch hóa tập trung - bao cấp), sang đúng vai phân bổ nguồn lực của mình trong một nền kinh tế thị trường: tham gia cùng với thị trường và hỗ trợ thị trường.

Sau 9 tháng vừa qua, ông cảm nhận những bước đi đầu tiên của mục tiêu xây dựng chính phủ kiến tạo như thế nào?

Chúng ta thấy là chính phủ đã tiếp cận những việc rất cụ thể, mang tính hành động cao, với tính mục đích rất rõ là “phục vụ doanh nghiệp”.

Ví dụ, việc đầu tiên mà chính phủ mới làm là gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp. Những thông điệp được liên tục đưa ra từ đầu đến nay, những hành động nhất quán về định hướng đều nhằm mục tiêu là tạo môi trường, điều kiện để doanh nghiệp hoạt động tốt nhất.

Hay hành động xử lý vụ “Quán cà phê Xin chào”. Chính phủ đã làm rất kiên quyết, rất mạnh với một vụ việc vốn sẽ bị coi là rất nhỏ nếu theo tư duy “quản” trước đây, với thông điệp rất rõ: Luật lệ không thể để bộ máy quyền lực nhà nước, bộ máy hành chính sách nhiễu, cưỡng bức doanh nghiệp vô lối như vậy được.

Rồi những hành động cố gắng kiểm soát và hạn chế các hoạt động theo tinh thần “kiếm chác” từ doanh nghiệp thật nhiều, hoặc cố gắng đặt gánh nặng lên doanh nghiệp để thu lợi. Ví dụ việc giảm các trạm thu phí giao thông, giảm mức thu phí, hay chí ít cũng không được phép tăng phí tùy tiện, ngăn chặn doanh nghiệp thu phí “triệt hạ” doanh nghiệp nộp phí. Chính phủ bảo vệ doanh nghiệp nộp phí theo tinh thần phục vụ chính là Chính phủ kiến tạo.

Hay chuyện Thủ tướng đã gặp doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, và tuyên bố ngay rất rõ định hướng chính sách là chính phủ ưu tiên cho việc phát huy lợi thế nông nghiệp, cho việc phát triển nông nghiệp – công nghệ cao, cho doanh nghiệp nào hoạt động theo hướng này. Theo định hướng đó, hiện nay, Chính phủ đang thiết kế gói hỗ trợ 50-60 ngàn tỷ đồng.

Tôi cho đó là những hành động có ý nghĩa mở đường. Tất nhiên, chính Thủ tướng đã nói rằng “con đường dài nhất là từ lời nói việc làm”, không phải một chốc một lát bộ máy đã chuyển được ngay. Việc khởi động thật sự chắc sẽ chậm, nhưng gia tốc sẽ tăng lên, dưới áp lực của cả bản thân bộ máy lẫn áp lực từ bên ngoài.

Theo ông, tinh thần chính phủ kiến tạo và hành động đã ảnh hưởng tới các bộ như thế nào?

Hiện nay có lẽ “Chính phủ kiến tạo” mới “động” ở tầng cao nhất, chứ ở từng bộ thì chuyển động còn rất ít.

Nhưng “Chính phủ kiến tạo” phải đến từng bộ, phải “sống” trong mỗi bộ. Tức là mỗi bộ phải ý thức được phần việc của mình là phục vụ doanh nghiệp, phục vụ người dân như thế nào. Thực hiện nhiệm vụ đó là xoay chuyển cả một cái lề lối, xoay chuyển cả một nền văn hóa công vụ, xoay chuyển cả những khối lợi ích lớn. 

Cuộc thảo luận liên quan tới Luật Quy hoạch đang diễn ra, cho thấy rõ là các bộ vẫn còn vì mình là chính, vì quyền lực, lợi ích của mình thì nhiều, mà ít tính phục vụ doanh nghiệp, phục vụ xã hội.

Việc Bộ Công Thương quyết định thoái vốn tại Sabeco, Habeco có phải là những nỗ lực theo hướng đi này không?

Vấn đề quan trọng đầu tiên là phải xác định rõ chức năng quản lý nhà nước của Bộ đó là như thế nào, chứ không phải là giữ chặt quyền quản lý hàng loạt doanh nghiệp, quản lý những lực lượng tạo ra lợi ích để “làm chủ” quá trình phân phối lợi ích. Nếu Bộ Công Thương muốn thực hiện việc quản lý nhà nước theo nghĩa phục vụ thì hoàn toàn khác, phải có chương trình bài bản hơn, chứ không phải phản ứng thay đổi chức năng mang tính tình thế.

Ví dụ như Habeco và Sabeco. Việc cổ phần hóa hai “ông lớn” này trước hết là vấn đề tranh luận: những doanh nghiệp sinh lợi tốt thì nhà nước có nên bán hay không? Người phản đối thì cho rằng nhà nước phải giữ vì đây là những tập đoàn hoạt động hiệu quả. Còn người ủng hộ thì cho rằng nhà nước nên bán sản phẩm tốt để thu được nhiều tiền, rồi sử dụng tiền đó vào việc cần thiết, đúng chức năng hơn; khi hai công ty đó nằm dưới tay doanh nghiệp tư nhân thì hoạt động sẽ hiệu quả hơn, đóng thuế cho ngân sách nhà nước nhiều hơn.

Cho đến giờ ông đã nhận thấy bước chuyển rõ nét từ một chính phủ điều hành bằng mệnh lệnh sang một chính phủ phục vụ?

Những cái tôi vừa nói, cho đến giờ những hành động của chính phủ mới đều rất thực tế, cụ thể. Nhưng xét về quá trình, chúng cơ bản mới là “dấu hiệu”, mới chỉ là sự bắt đầu chứ thực thi chưa được nhiều, chưa thể hiện rõ tính hệ thống để chứng tỏ đã là “một xu thế không thể đảo ngược”. 

Ví dụ, lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng là rất hay nhưng tại sao khó thực hiện đến vậy? Vấn đề ở đây có phải là chuyện lâm tặc hay không, hay là bao gồm cả nguyên nhân từ sinh kế của người dân nghèo miền núi? Bởi vì nếu là sinh kế của người dân, thì chặt rừng là lối thoát duy nhất của họ. Khi đó, việc xử lý, việc đóng cửa rừng sẽ khó hơn rất nhiều. Phải giúp cho những người dân ấy có cách sinh kế khác, và đây là câu chuyện lâu dài.

Chính phủ liêm chính sẽ chống lại vấn đề lợi ích nhóm như thế nào?

Chúng ta thường hiểu khái niệm nhóm lợi ích theo nghĩa tiêu cực. Nhưng trong cuộc sống lợi ích nhóm là chuyện phổ biến, bình thường. Tuy nhiên, nếu lợi ích cá nhân, hay lợi ích một tập thể (lợi ích nhóm) gây ảnh hưởng tiêu cực, làm tổn hại đến lợi ích chung của xã hội, và vì lợi ích đó, người ta phá vỡ luật lệ, hoặc quy tắc chung, thì nó phải bị lên án, bị trừng trị.

Theo cách hiểu như vậy, một chính phủ liêm chính, một mặt, vừa bảo đảm hành động của một nhóm không vì lợi ích của mình, mà vì xã hội. Hoặc trong chính phủ có lợi ích nhóm cụ thể, như nhóm bộ, nhóm ngành, nhóm tỉnh, những nhóm lợi ích theo ngân sách chẳng hạn, thì phải có cơ chế “cân bằng” lợi ích nhóm với lợi ích chung và thúc đẩy lợi ích chung.

Theo ông, sang Diễn đàn Davos lần này, Thủ tướng sẽ quảng bá chính phủ kiến tạo như thế nào?

Tôi nghĩ là Thủ tướng không đặt nhiệm vụ quảng bá chính phủ kiến tạo. Mục tiêu chuyến đi của ông là tiếp xúc để truyền bá thông điệp về Việt Nam, khẳng định tầm nhìn của Việt Nam trong không gian thế giới hiện đại. Trong không gian hội nhập hiện đại, nhu cầu phát triển của Việt Nam là gì, cần ai trong các bạn bè quốc tế, các công ty, tập đoàn giúp Việt Nam giải quyết những vấn đề phát triển, và Việt Nam sẽ tạo điều kiện gì cho họ, v.v... Tôi nghĩ đó là những gì Thủ tướng sẽ làm.

Ví dụ, Việt Nam muốn có các đô thị thông minh thì mời những ai vào giúp? Hoặc Việt Nam sẽ tiến lên du lịch đẳng cấp thì ai có thể giúp chúng ta?

Chính phủ kiến tạo, hay chính phủ phục vụ sẽ giúp cho các nhà đầu tư yên tâm khi vào Việt Nam đúng không?

Cái đấy tự người ta sẽ tìm hiểu. Việt Nam cứ hành động đi còn thế giới sẽ nhìn nhận đó có phải là chính phủ kiến tạo hay không.

Xin cảm ơn ông Trần Đình Thiên đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.

Huỳnh Phan thực hiện