“Trong bối cảnh hiện nay, giáo dục muốn phát triển thì phải cạnh tranh. Mà muốn cạnh tranh lành mạnh thì thông tin phải minh bạch. Điểm này, ở Việt Nam vẫn chưa được như mong muốn”- TS Đàm Quang Minh chia sẻ nhân ngày nhà giáo Việt Nam.

Là một nhà giáo, ông suy nghĩ thế nào về câu chuyện giáo dục và đào tạo ở nước ta?

Giáo dục ngày nay có nhiều việc phải làm. Có những ý kiến cho rằng, giáo dục Việt Nam đang đi lệch hướng so với thế giới.

Họ minh chứng, trong khi thế giới đang bàn chuyện quốc tế hóa, internet ảnh hưởng như thế nào đến giáo dục….thì Việt Nam vẫn loay hoay bàn về những thứ như tự do học thuật, lợi nhuận hay phi lợi nhuận.

Từ thực tế trải nghiệm, tôi cho rằng, chúng ta cần sớm vượt qua những tranh luận đó để nhanh chóng hội nhập, bắt kịp với thế giới.

Trong bối cảnh hiện nay, giáo dục muốn phát triển được thì phải cạnh tranh. Đây là nguyên tắc, vì nếu không có cạnh tranh tất sẽ dẫn đến suy thoái. Mà muốn có sự cạnh tranh lành mạnh thì thông tin phải minh bạch. Điểm này, ở Việt Nam vẫn chưa được như mong muốn.

{keywords}
TS Đàm Quang Minh. Ảnh: vietnamplus.vn

Khi bàn về những bất cập của nền giáo dục, nhiều người vẫn than phiền về trách nhiệm của phía nhà trường. Ông chia sẻ thế nào về điều này?

Giáo dục luôn bao gồm 3 phía là môi trường, nhà trường và gia đình. Trong đó, giáo dục từ môi trường và từ gia đình thường tác động đến hành vi của các em trong nhiều trường hợp còn kinh khủng hơn tác động trong môi trường nhà trường.

Có thể hình dung, nếu như trong nhà trường dạy một đứa trẻ về một việc làm tốt, nhưng khi đứa trẻ đó bước chân ra ngoài cổng trường và chứng kiến những hành vi không đẹp, không đúng thì em sẽ không biết tin vào đâu nữa.

Những câu chuyện thực tiễn, theo ông, để dạy học trò nên người, để đào tạo ra những sinh viên có năng lực hành động, đáp ứng nhu câu thị trường lao động đầy thử thách hiện nay thì GD và ĐT nước ta cần những điều kiện gì? Người thầy cần những điều kiện gì?

Trường của chúng tôi là một ví dụ khá thành công trong việc đào tạo nguồn nhân lực ra trường đáp ứng được nhu cầu việc làm, đặc biệt là những công việc chất lượng cao.

Xu thế phát triển hiện nay buộc các trường phải cạnh tranh. Tuy nhiên, nhiều trường ở ta dường như vẫn bàng quang, có khi còn lạc quan với kết quả đào tạo của mình.

Đâu đó có người vẫn duy trì cách nghĩ, cách làm trì trệ, bảo thủ và thiếu cập nhật. Thực tế này còn đúng cả với nghề giáo chúng tôi.  Bằng chứng là vẫn còn những tài liệu, giáo trình cũ từ những thập niên 60-70 khá lỗi thời không phù hợp với tiến trình đổi mới của đất nước nhưng vẫn được sử dụng.

Đó là một minh chứng của việc không chịu thay đổi trong khi cuộc sống hiện nay đang thay đổi rất nhanh.

Vừa rồi ông có nhắc đến yếu tố minh bạch như là một điều kiện cần để giúp giáo dục có thể cạnh tranh để phát triển, ông chia sẻ kỹ hơn về điều này thế nào?

Bản thân chúng tôi làm giáo dục nhưng nhiều khi rất lúng túng, không biết thông tin nào là chính xác, thông tin nào không chính xác. Điều này rất nguy hiểm, vì  khi số liệu không chính xác rất khó để chúng tôi ra quyết định đúng.

Ví dụ, có những ngành cứ kêu là thiếu người, nhưng họ lại thông tin rất chung chung, không rõ ràng khiến chúng tôi rất khó khi tuyển sinh.

Thêm một ví dụ khác, nhiều ý kiến cho rằng sinh viên Công nghệ thông tin ra trường đamg không có việc làm. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin lại bảo họ không không thể tuyển đủ người vì các trường đã không đào tạo đúng yêu cầu của doanh nghiệp, chương trình học thì cổ điển không đáp ứng được yêu cầu của họ.

Theo ông, để có thể làm tốt công việc của mình, người thầy ngày nay cần những gì?

Bản thân người thầy phải là người tự nghiên cứu nếu không sẽ bị đào thải khỏi bộ máy tri thức.

Trong vòng 20 năm qua, khoa học công nghệ tiến xa, nếu ai cũng chỉ dựa vào những kiến thức mình đã học thì để đi làm còn chưa đủ, nói chi là để đi dạy bởi vì những kiến thức đó đã rất cũ kĩ và quá lạc hậu.

Vì vậy, người thầy nên chủ động trong việc nghiên cứu và học tập.

Bất kể sống trong môi trường xã hội nào cũng phải làm việc. Nếu môi trường xã hội tốt thì sẽ hỗ trợ mình tốt hơn, môi trường không tốt thì mình sẽ vất vả hơn. Không nên đổ lỗi cho môi trường mà mình cần có những động thái giúp cho môi trường tốt hơn.

Yêu cầu từ thực tiễn, từ xã hội đang đòi hỏi từng người thầy phải đổi mới, từng nhà trường phải đổi mới. Đây có phải là một áp lực lớn không?

Áp lực là một phần của cuộc sống và là động lực để mọi người thay đổi và phát triển. Cuộc sống đôi khi cũng cần sự mạo hiểm và chấp nhận rủi ro, nếu cẩn trọng quá sẽ khó thành công.

Con người thường hay có xu thế dễ dàng thỏa hiệp với bản thân và khắt khe với người khác. Như vậy không đúng. Cần phải khắt khe với bản thân và bao dung rộng lượng với người khác.

 Nếu cứ suốt ngày than phiền và đổ lỗi cho hoàn cảnh thì sẽ không giải quyết được việc gì, chúng ta không thể tiến lên bằng sự chán chường mệt mỏi mà phải bằng hành động.

Người làm được việc thường ít nói, bởi thời gian họ để làm việc bằng hành động cụ thể. Không những hành động mà còn phải hành động đúng. Giữ đầu óc tỉnh táo để hành động.

Lan Anh thực hiện