Trong thời buổi CNTT phát triển như vũ bão hiện nay, trước sau gì "cặp đôi hoàn hảo" truyền thông và bạn đọc sẽ "lật ngửa" tất cả các con bài.

>> Có phải người Việt thích được thương hại?

>> Vượt suối bằng túi nilon: Sao tôi thấy dửng dưng!

>> Bàng hoàng vì chuyện “chỉ có ở Việt Nam”

Dù vẫn còn tranh luận, nhưng có muốn nói gì thì cũng phải công nhận rằng chúng ta đang vận động trong nhịp sống hối hả của kinh tế thị trường. Mà đã là kinh tế thị trường thì phải chịu sự chi phối bởi những quy luật đặc thù của nó.

Cặp đôi hoàn hảo và sự tung hứng

Truyền thông cũng vậy, ngoài chức năng thông tin, họ còn nhu cầu mưu sinh, nhu cầu phát đạt và thịnh vượng. Do đặc thù, vài tờ báo vẫn còn bao cấp, nhưng đa số các đơn vị truyền thông phải cạnh tranh thật khốc liệt để mà tìm chổ đứng, vị thế, thương hiệu của chính mình.

Bạn đọc cần truyền thông và truyền thông cần bạn đọc. Người làm truyền thông giỏi là người nắm bắt được tâm lý số đông, nắm bắt được thị hiếu bạn đọc.

Cảm ơn truyền thông, câu chuyện "khó tin" của cô trò Sam Lang kia đã kết thúc có hậu...

Cảm ơn truyền thông, sự khai thác gần như triệt để sự "sa cơ" của tài tử Chánh Tín vang bóng một thời đã cho dư luận nhìn thấy được những khía cạnh khác của sự nổi danh, một con người đời thường với những sân si, toan tính rất đời thường.

Hai sự kiện thu hút kia đã được "cặp đôi hoàn hảo" truyền thông và bạn đọc tung hứng tạo nên những diễn đàn, những góc nhìn đa chiều đầy suy tư và thú vị. Kẻ vô cảm dửng dưng, kẻ động lòng thương hại, người thì cố gắng truy tìm nguyên nhân thói quen còn vấn vương của "hoàn cảnh lịch sử" thời bao cấp, của cơ chế xin- cho đầy bất cập, thậm chí có cái còn được gọi là "thuyết âm mưu". Không cần kể ra vì nó đã tràn ngập khắp các trang mạng.

Nhưng cũng từ đó cho thấy được rõ một bức tranh đầy nghịch lý trong tính cách người Việt, nghịch lý của tình và lý, nghịch lý của lòng tự trọng. Nghịch lý ấy tương đồng với hình ảnh của truyền thông hiện nay, một bên thì cố sức tôn vinh những điều tử tế tốt đẹp, một bên thì rực rỡ rầm rộ tin "lá cải" nở hoa khoe sắc, nghịch lý của kinh tế thị trường.

Cây cầu 3,5 tỷ đồng sắp được xây dựng ở Sam Lang, nghĩ cho đến cùng thì cũng là biểu hiện "con có khóc mẹ mới cho bú". Thế nhưng hơn nữa, nó còn là biểu hiện của lòng tự trọng bị mai một, tinh thần tự lực tự cường bị mai một. Ngay cả các cán bộ, quan chức tại cở sở còn có người không tin, không biết đến điều "khó tin" ấy. Những nhà chuyên môn ấy, những nhà quản lý ấy xem ra có còn hợp với cái gọi là "kinh tế thị trường" đầy cạnh tranh và đỏi hỏi năng lực cập nhật thực tiễn liên tục hiện nay nữa hay không?

{keywords}
Qua suối bằng túi nilon và chuyện Chánh Tín là những vấn đề "nóng" trên truyền thông thời gian qua

Tốt nhất hãy tự lưc tự cường

Và hiện tại bây giờ trong nước còn bao nhiêu cây cầu cần được xây như vậy nữa, và có phải đợi đến lúc truyền thông "lật bài" rồi mới được chú ý đến? Đoán chắc rằng, nhiều cán bộ chuyên trách, nhiều vị quan ở khắp nơi trong cả nước đang cảm thấy thật "thú vị" trước sự kiện vượt suối "kỳ thú" kia. Nhưng những điều "kỳ thú" tương tự ở chính tại địa phương họ, chắc gì họ đã biết, thậm chí nếu biết cũng... chẳng biết cách khắc phục như thế nào.

Bi kịch "sa cơ" của cựu ngôi sao điện ảnh Chánh Tín lại là một hình ảnh "mưu sinh" đậm nét của kinh tế thị trường, cũng tương đồng như những "ngôi sao" đương thời trẻ trung xinh đẹp khác, ngoài "tài năng" họ còn trang bị cho mình phương pháp "cởi", cởi hình thể, cởi cả đời tư. Khi nào vẫn còn thu hút được sự hiếu kỳ của đám đông, họ sẽ vẫn còn phồn vinh và thịnh vượng. Định nghĩa lòng tự trọng của họ rất khác, nhiều khi lại là nghịch lý với quan niệm nhân sinh đời thường.

Bằng chứng rất rõ ràng là con số 600 triệu trong vài ngày "huy động", rất dễ dàng và đơn giản, có lẽ, sẽ có nhiều, nhiều "ngôi sao" trẻ, già tiếp tục cởi... trong tương lai.

Chắc cùng độ tuổi với Chánh Tín, ông Lê Doãn Hợp, chủ tịch Hội truyền thông số VN, mới vừa đưa ra một nhận định tinh tế, đầy trải nghiệm: "Xét về mặt tư duy chúng ta khác thế hệ trẻ và thế giới tiến bộ chỉ có 01 điều: Với thế hệ trẻ thành đạt của VN, cũng như các nước tiên tiến trên thế giới là ngay khi thành công họ luôn mổ xẻ xem có cách nào làm để thành công cao hơn nữa không? Còn tư duy của chúng ta thường là luôn kiếm tìm các nguyên nhân khách quan để bào chữa cho những điều chưa thành công của mình."

Chắc bây giờ ông Chánh Tín cũng đủ sức hiểu mình đã được và mất những gì.

Bản thân kinh tế thị trường là sự vận hành đúng đắn, nhưng khi con người có những quan điểm lệch lạc, thực dụng quá hay quan liêu ỷ lại quá đều đem đến sự tiêu cực thất bại. Kinh tế thị trường đúng nghĩa vốn công bằng và sòng phẳng.

Có người ví von "đời là một ván bài", có vẻ hơi "đỏ đen" quá, nhưng tất nhiên vẫn có lý. Nhưng trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay thì trước sau gì "cặp đôi hoàn hảo" truyền thông và bạn đọc sẽ "lật ngửa" tất cả các con bài. Tốt nhất là đừng đỏ đen, mà hãy tự lực tự cường.

Minh Phước