Sự kiện Truông Bồn xảy ra ngày 31.10.1968. Khi đó, tôi chưa đầy 10 tuổi.

Ký ức còn lại của những năm tháng ấy là đi học đội mũ rơm, và hễ nghe tiếng kẻng báo động của đội phòng không trên núi Hòn Dài thì ngay lập tức cô trò tản ra hầm đào đắp ngay bên cửa sổ lớp học. Sau mỗi trận bom pháo, không ai dám ra khỏi hầm vì miểng bom, miểng đạn rơi veo véo, cả tiếng sau nhặt lên còn nóng rẫy và sắc lẹm...

Trận bom xảy ra buổi sáng ấy ở Truông Bồn, thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, chỉ cách làng tôi độ 15 cây số theo đường chim bay. Vậy mà phải mấy chục năm sau, tôi mới hiểu rõ ngọn ngành về sự kiện ấy...

Tiểu đội thép Truông Bồn lúc đó chủ yếu là thanh niên xung phong từ Yên Thành, Đô Lương. Họ nhận nhiệm vụ đảm bảo giao thông ở trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của không lực Mỹ trên mảnh đất Nghệ An.

Chỉ một ngày nữa, ngày 1.11.1968, Mỹ sẽ ngừng ném bom phá hoại Miền Bắc. Anh Hòa, chị Tâm run run cầm tấm Giấy kết hôn trên tay. Chị Đang, chị Doãn, chị Nhung, hay chị Dung, khấp khởi cất vào ba lô Giấy báo nhập học.

Chị Đang, chị Doãn, chị Nhung, hay chị Dung, khấp khởi cất vào ba lô Giấy báo nhập học. Ảnh tư liệu

Và họ vẫn thanh thản ra mặt đường, như mọi ngày, chỉ dẫn cho xe bộ đội hành quân ra tiền tuyến. Nhưng ngày đó đã không chỉ là ngày cuối cùng của họ tại đơn vị...

Không hiểu sao, khi tìm hiểu về sự kiện Truông Bồn, tôi cứ bị ám ảnh về câu chuyện Giấy kết hônGiấy báo nhập học của các anh, các chị trong tiểu đội thanh niên xung phong đó. Tôi, cũng như nhiều người ở miền đất hiếu học này, từng hân hoan cầm trên tay, hay hãnh diện khoe với bạn bè, "tấm giấy nhập học".

Mặc dù, đối với chúng tôi, để có được niềm hân hoan, hay hãnh diện, đó không hề đơn giản, nhiều lúc tôi vẫn nghĩ rằng những người như chi Đang, chị Doãn, chị Nhung, hay chị Nhung, đã lặng lẽ nhường cho chúng tôi tấm giấy đó.

Thế rồi, tôi cũng như nhiều người khác, đến duyên, đến thì cũng run run cầm trên tay chiếc giấy kết hôn, với hạnh phúc ngập tràn. Lấy vợ, sinh con, nếu thuận lợi thì mua xe, làm nhà..., như cuộc sống vẫn thế.

Nhưng đối với anh Hòa, chị Tâm, hạnh phúc của họ mãi mãi dừng lại ở giây phút ngượng ngùng nhận tấm giấy kết hôn ở ủy ban hành chính xã. Họ cũng chẳng có đủ thời gian để cùng người bạn đời tương lai của mình lo lắng xem sẽ chuẩn bị đám cưới thế nào...

Nhưng đối với anh Hòa, chị Tâm, hạnh phúc của họ mãi mãi dừng lại ở giây phút ngượng ngùng nhận tấm giấy kết hôn ở ủy ban hành chính xã.  Ảnh tư liệu

Có người đồng nghiệp cùng cơ quan nói rằng mẹ cô cũng từng tham gia thanh niên xung phong ở Truông Bồn, như những anh chị mà tôi kể. Chỉ có khác là mẹ cô đã trở về lành lặn.

Nhiều lúc, cô đã tự dưng vùng vằng trách mẹ tại sao không cố làm thủ tục xin lấy một mảnh giấy chứng nhận, để hưởng chế độ như nhiều người khác. Mẹ cô chỉ im lặng.

"Giờ thì em đã hiểu, sống qua được những trận bom ấy, cuộc chiến tranh ấy, đã là may mắn lắm rồi", cô khẽ nói.

Cũng người đồng nghiệp ấy, trong một lần được giao nhiệm vụ đi tìm tuổi tên, gia đình của những người ngã xuống ở Truông Bồn, khi về đã kể lại rằng hầu hết những anh chị đó đều được thờ cúng cẩn thận tại nhà cha mẹ. Chỉ duy nhất có một chị, hiện vẫn chưa rõ nơi thờ cúng, bởi bố mẹ mất cả, anh em họ hàng lại tản mát.

"Ai hương khói cho bác ấy hả anh?, cô ngước đôi mắt đẫm lệ, hỏi tôi trong tiếng nấc.

Tôi không biết phải trả lời ra sao cả. Nhưng tôi biết rằng, dù sao tên tuổi của tất cả các anh, các chị ấy cũng đã được ghi vào sử sách, được khắc rõ rành trên Bia Tưởng niệm Truông Bồn Bất tử. Ngày ngày, nơi ấy vẫn có khói hương nghi ngút.

Hơn nữa, không biết tự lúc nào, trên chiếc bàn thờ linh thiêng ấy đã xuất hiện cả những chiếc lược chải đầu, những chiếc gương soi xinh xắn, những chùm bồ kết, những lọ dầu xoa... Những người còn sống đã cố làm mọi thứ có thể, để tưởng nhớ các anh, các chị.

Nhưng, theo tôi, hình như vẫn còn thiếu hai thứ. Đó là tấm Giấy kết hôn của anh Hòa, chị Tâm và Giấy báo nhập học của chị Đang, chị Doãn, chị Nhung, hay chị Dung.

Không có những kỷ vật đặc biệt đó, những người đang sống như chúng ta không thể hiểu được rằng chúng ta đã quá may mắn... Như lời nhận xét của cô bạn đồng nghiệp của tôi.

Bùi Nam Sơn