Không thể chủ quan 

Thưa ông, tính chung, GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%, thấp hơn mục tiêu chúng ta đặt ra hồi đầu năm nay, ông nghĩ như thế nào về con số tăng trưởng này?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Thời buổi bất bình thường thì không thể đo các loại thành tích, nhất là tăng trưởng kinh tế, theo logic thông thường, bởi như thế không chuẩn được. Cần đánh giá tình hình theo thực tế khách quan để thấy rằng mức tăng trưởng 5,64%, tuy chưa đạt mục tiêu, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn và bất thường mà đất nước đang lâm vào, là một thành tích đáng ghi nhận.

Đánh giá theo xu hướng và xét trong tổng thể, khi quý 2 - dù tình hình rất khó khăn, kinh tế vẫn đạt mức tăng trưởng 6,61%, cao hơn quý 1 và cao hơn so cùng kỳ năm 2020, chúng ta sẽ thấy rõ hơn thực chất vấn đề: nền kinh tế đang nỗ lực và “trụ hạng” tốt. 

Ở khía cạnh mở cửa - hội nhập, tăng trưởng xuất nhập khẩu cũng rất tích cực. Kinh tế thế giới “đứt chuỗi” mà ta đạt được thành tích ngoại thương như vậy quả thật là rất có ý nghĩa. Chính phủ đang “chắc tay” điều hành công việc, củng cố niềm tin xã hội.

Tuy nhiên, tình hình đang rất khó khăn, đặc biệt là khu vực “nội”, nơi 95-96% doanh nghiệp Việt là nhỏ và yếu. Nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn cực đỉnh. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không, du lịch, vận tải... đang thật sự gay go. Cần có cách tiếp cận cụ thể, xuyên vào trong cơ cấu để có chính sách chuẩn. 

{keywords}
PGS.TS Trần Đình Thiên: Nền kinh tế chống dịch tốt nhưng các biện pháp hành chính quá đà sẽ làm chúng ta khó “đứng dậy” nối chuỗi với thế giới

Theo thống kê, khoảng 70 ngàn doanh nghiệp đã bỏ thị trường trong 6 tháng đầu năm nay, điều này có thể ảnh hưởng tới “mục tiêu kép” mà chúng ta đặt ra hay không?

Con số 70 ngàn doanh nghiệp rời bỏ thị trường chỉ nói lên một phần tình trạng khó khăn của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19. Nhưng có hai điểm cần lưu ý. Một là đừng đổ hết cho dịch bệnh. Trước đây, trong điều kiện bình thường, khi không Covid thì số doanh nghiệp đóng cửa cũng “khá” chứ không kém mấy đâu. Hai là số đóng cửa đó toàn là doanh nghiệp “nội”. Nghĩa là thực lực doanh nghiệp Việt vốn đã yếu, bị bồi thêm đòn Covid nên càng yếu hơn.  

Cần chú ý hơn tới con số thống kê 85-90% số doanh nghiệp (thuần “nội”) chịu tác động tiêu cực do dịch bệnh. Đây là con số rất lớn. Vậy mà nền kinh tế vẫn tăng trưởng gần 6%! Tôi nghĩ cần giải thích rõ thực chất của kết quả đạt được, đặc biệt ở khía cạnh cơ cấu. 

Thành tích tăng trưởng của nền kinh tế đang dựa ngày càng nhiều vào khu vực FDI. Nó thể hiện xu thế nghiêng lệch tỷ trọng cơ cấu về phía khu vực “ngoại”. Đây là điều không thể coi thường. Cần tự hỏi: Đến lúc nền kinh tế cần đứng dậy - trong dịch và sau dịch, doanh nghiệp nội sẽ đứng dậy thế nào đây?

Khu vực nông nghiệp đóng góp tốt vào tăng trưởng. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Thực trạng nhiều doanh nghiệp công nghiệp, du lịch, vận tải đang khó khăn. Nên nhớ tỷ trọng nông nghiệp trong GDP ngày càng bé, hiện chỉ chiếm 14-15% thôi. 

Nói như vậy để thấy rằng tuy “mục tiêu kép” hoàn toàn có thể đạt và giữ, song giá phải trả rất đắt. Ta đã làm được điều đó trong suốt 1 năm rưỡi cực kỳ khó khăn vừa qua. Nhưng đã đến lúc phải mổ xẻ cụ thể và trả lời cho được câu hỏi then chốt: Tình thế thay đổi thì liệu nền kinh tế tiếp tục “trụ hạng” thành công bằng cách nào?

Cho đến giữa năm 2021, có thể nói ta đã chống Covid thành công. Nhưng một khi dịch đã chuyển sang trạng thái mới, đã hiện đúng “nguyên hình dịch” mà các nước phát triển đã nhận diện ngày từ đầu, thì chúng ta cũng cần quan tâm “đúng liều” cho vắc xin, cho miễn dịch cộng đồng bên cạnh phương án truy vết, phong tỏa, xét nghiệm, cách ly. Bên cạnh đó, không nên gia tăng các biện pháp hành chính để ngăn chặn, cản trở lưu thông vì doanh nghiệp nào sẽ có thể tồn tại cho đến khi thoát dịch? 

Nền kinh tế chống dịch tốt nhưng các biện pháp hành chính quá đà sẽ làm chúng ta khó “đứng dậy” nối chuỗi với thế giới.

{keywords}
Hà Nội đã công bố luồng xanh giao thông kết nối với luồng xanh quốc gia 

Thành tích kinh tế cũng cần được mổ xẻ như vậy. Dựa vào lực lượng nào, nội - ngoại? Dựa thế nào để đạt mục tiêu tăng trưởng? Đây sẽ là những vấn đề then chốt. 

Xin nhấn mạnh thêm rằng, dịch Covid đang diễn biến rất khó lường. Tỷ lệ tiêm vắc xin còn rất thấp. Việc kiểm soát dịch tại một số địa phương, đặc biệt là TP.HCM và các địa phương lân cận đang rất khó khăn. Không thể chủ quan được. 

Yếu tối 'nội' sáng lên trong khó khăn

Nhưng thưa ông, như vậy có bi quan quá không?

Tôi không bi quan. Tôi không nghĩ nêu rõ thực trạng, chỉ ra khó khăn là cách tiếp cận bi quan. Ngược lại mới đúng. 

Nhưng từ góc độ “lạc quan”, có thể thấy rõ những yếu tố “nội” tích cực, sáng lên trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.

Nông nghiệp là một “vùng sáng” như vậy. Dường như lúc nào nền kinh tế gặp khó khăn, nông nghiệp đều là chỗ dựa an toàn và là tọa độ thành công. Nhưng nông nghiệp không chỉ là vùng đệm an toàn cho nền kinh tế. Lĩnh vực này đang thực sự vượt lên với nỗ lực ứng dụng công nghệ cao và tiên phong thị trường thế giới. Điểm này cần được đúc kết để có cách tiếp cận chính sách - cơ chế tích cực hơn nữa.

Một khu vực khác cũng có thành tích nổi bật là kinh tế số - công nghệ cao. Mức tăng trưởng của khu vực này trong 6 tháng vừa qua đạt hơn 20%, cộng hưởng với kết quả năm ngoái “bằng 10 năm trước đó cộng lại”. Tất nhiên, do điểm xuất phát thấp và tỷ trọng nhỏ nên thành tích xuất sắc vẫn chưa đủ để xoay chuyển tương quan vị thế của ngành trong nền kinh tế. 

Qua hai tuyến phát triển nêu trên, tôi muốn nhấn mạnh triển vọng của xu thế công nghệ cao - kinh tế số mà Việt Nam, dù còn non yếu và đối mặt nhiều khó khăn, vẫn tạo được bứt phá mạnh. Hàm ý ở đây rất rõ: Nếu chúng ta biết tập trung ưu tiên chính sách và hỗ trợ phát triển cho những lực lượng này thì thành tích phát triển sẽ mang tầm chiến lược, lâu dài và rất căn bản.

Nên lưu ý rằng những nền kinh tế đang bứt phá mạnh trong năm 2021, cho dù thành tích tăng trưởng năm 2020 là rất “đau thương”, đều có cách tiếp cận như vậy. Mỹ, Tây Âu và đặc biệt là Trung Quốc là những ví dụ cần được suy ngẫm thấu đáo.

Còn một điểm nữa, rất quan trọng: Xuyên suốt cách điều hành của Chính phủ là kiên định lập trường “mục tiêu kép” kết hợp với tính linh hoạt và quyết đoán trong chỉ đạo thực tiễn. Dường như đang tái hiện cách tiếp cận “dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà cách đây ¾ thế kỷ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với cụ Huỳnh Thúc Kháng vào thời khắc sinh tử của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ. Có cơ sở gì để không tin vào thành công của tư duy chiến lược đó hiện nay? 

Sức 'kháng thể' mạnh

Ông nhìn nhận thế nào về hoạt động điều hành của Chính phủ 6 tháng vừa qua?

Sang năm 2021, tình hình dịch bệnh biến chuyển rất mạnh và bất thường. Xuất hiện những biến chủng virus mới, độc hại và lây lan nhanh, theo cách khó lường. Thế giới thì đã sản xuất được vắc xin đại trà, nghĩa là có công cụ mạnh để chống dịch. 

{keywords}
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM

Chính phủ đã căn cứ vào tình thế thay đổi để điều chỉnh chính sách một cách linh hoạt và quyết liệt. Đây là khía cạnh nổi bật nhất trong hoạt động điều hành của Chính phủ mấy tháng vừa qua. Có thể khái quát mấy điểm chính sau:

Thứ nhất, đứng trước tình thế “là quốc gia đi đầu trong chống dịch”, nhưng có thể lại “thoát dịch muộn nhất”, Chính phủ đã tập trung nỗ lực chuyển hướng mục tiêu sang miễn dịch cộng đồng sớm bằng cách huy động tối đa sức mạnh cộng đồng trong việc nhập khẩu và tổ chức tiêm vắc xin đại trà.

Thứ hai, tập trung chống dịch cho các “tọa độ ưu tiên” - những nơi có độ rủi ro dịch bệnh cao, những địa bàn xung yếu. Nhờ đó, dịch bệnh ở các điểm nóng như Bắc Giang, Bắc Ninh được khống chế sớm, nền kinh tế không bị đứt gãy. Kinh nghiệm đang được mở rộng áp dụng để chống dịch ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Phải công bằng đánh giá rằng cách điều hành linh hoạt nhưng quyết đoán, quyết liệt của Chính phủ đang mang lại kết quả tích cực, tạo niềm tin và sức “kháng thể” mạnh cho xã hội. 

Thứ ba, đôn đốc mạnh, giám sát chặt, điều chỉnh linh hoạt các biện pháp chống dịch ở cả cấp trung ương - toàn quốc và cấp địa phương, phối hợp các giải pháp chống dịch với các biện pháp bảo vệ lưu thông kinh tế. Cách tiếp cận mới này (xin lưu ý: “mới ta” thôi) đang được triển khai, vẫn còn gặp nhiều lúng túng và trục trặc trong điều hành ở cấp địa phương, dẫn tới cho các biện pháp hành chính chi phối, lấn át yêu cầu bảo đảm lưu thông “máu” cho nền kinh tế thị trường đang “xuống sức”.

Chuẩn bị năng lực cho kinh tế số

Làm sao để hỗ trợ các doanh nghiệp đạt hiệu quả trong điều kiện ngân sách nhà nước cũng gặp khó, thưa ông?

Đúng là khó. Tiền cứu trợ ít, người cần cứu trợ nhiều, đòi hỏi cứu trợ lớn. Đó là thực cảnh mang tính xung đột rất cao mà Chính phủ và cả xã hội ta đang đối mặt.

Để giải quyết vấn đề trên, cần thống nhất trước mấy điểm.

Thứ nhất, dịch Covid là một tai họa. Để thoát khỏi nó thì nền kinh tế và doanh nghiệp phải trả giá. Việc một số doanh nghiệp không trụ được, phải đóng cửa là khó tránh khỏi. 

Thứ hai, lúc nền kinh tế gặp khó khăn, mục tiêu tối cao phải là cứu nền kinh tế, là nền kinh tế đứng dậy được trong dịch và sau dịch chứ không phải là tất cả doanh nghiệp an toàn. Mục tiêu này còn gay gắt hơn cho một nền kinh tế có độ mở cửa và cạnh tranh quốc tế cao. 

Cho đến nay, Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ, đặc biệt là những giải pháp giải tỏa khó khăn chung cho tất cả các doanh nghiệp - giãn, hoãn, giảm thuế, miễn - giảm nhiều loại phí, hạ lãi suất cho vay, giãn nợ v.v... 

Những giải pháp này đã có tác động tích cực.

Tuy nhiên, vấn đề lớn đặt ra là phải phân bổ nguồn lực cứu trợ khan hiếm thế nào để đạt mục tiêu cứu doanh nghiệp và giúp nền kinh tế phục hồi, “đứng dậy” được.

{keywords}
Sài Gòn trong những ngày giãn cách xã hội.

Tất nhiên, lúc ngân sách khó, để đạt mục tiêu “cứu” nền kinh tế, không thể đặt vấn đề hỗ trợ cho tất cả doanh nghiệp theo kiểu “chia đều bát cháo cho cả làng đang đói”. Chia đều cháo thì có vẻ là công bằng, hợp đạo lý. Nhưng trong tình huống khó khăn kéo dài, các đối thủ cạnh tranh đang sẵn sàng đứng dậy thì cách làm đó sẽ đẩy nền kinh tế vào nguy cơ tất cả cùng yếu và nền kinh tế khó có thể đứng dậy, chưa nói đến việc đứng dậy sớm để chớp thời cơ bứt phá.

Với tinh thần coi sự phục hồi của nền kinh tế là mục tiêu tối cao, tôi cho rằng ngoài những giải pháp hỗ trợ chung cho tất cả doanh nghiệp như đã nêu ở trên, việc phân bổ ngân sách cứu trợ cần tập trung cho những trụ cột, có thể giúp nền kinh tế trụ vững và vươn dậy. Cách tiếp cận này không có ý đồ và không được lợi dụng cho mục tiêu “lợi ích nhóm” hay lợi ích “sân sau”. 

Tất nhiên, phải xác định cho đúng trụ cột của nền kinh tế. Đó có thể là một số chuỗi sản xuất quan trọng. Có thể là một số doanh nghiệp có sứ mệnh quốc gia. Có thể là những trung tâm tăng trưởng - đô thị lớn hay khu công nghiệp tập trung … - có vai trò quyết định. Không khó để xác định những yếu tố này. Tuy nhiên, trên thực tế, nêu không rõ tiêu chuẩn, tiêu chí và động cơ xác định “trụ cột”, rất dễ để lợi ích “sân sau”, lợi ích nhóm len vào làm hỏng những ý định chính sách tốt đẹp. 

Thứ hai, nền kinh tế thế giới hậu Covid sẽ có định hướng công nghệ cao và kinh tế số rất mạnh. Đó sẽ là những xu hướng quyết định triển vọng các nền kinh tế quốc gia và các doanh nghiệp. Việt Nam phải ráo riết chuẩn bị năng lực cho nền kinh tế này. Nếu không, lại lỡ nhịp, lại tụt lại với lực lượng kinh tế “đời cũ” được “bảo tồn”.

Các nền kinh tế đang phục hồi khá hiện nay (trong dịch và sau dịch) đều đi theo logic này. Họ không quá chú trọng bảo tồn nền kinh tế cũ bằng cách chỉ tập trung cứu các doanh nghiệp “truyền thống” mà ưu tiên xây dựng các động lực tăng trưởng mới, là khu vực công nghệ cao và kinh tế số. 

Covid-19 là tai họa. Nhưng không được phép lãng phí nó. Chúng ta cần chớp thời cơ để chuyển mạnh nền kinh tế vật thể sang nền kinh tế số.

Với các ngành khác, đặc biệt như hàng không, du lịch cũng cần có cách tiếp cận mới theo tinh thần như vậy. Không phải là “thiên vị”, “cục bộ” mà là phải biết tập trung nguồn lực khan hiếm vào đúng chỗ, đúng lúc. Có như vậy, dù có tổn thất, tôi tin rằng nền kinh tế sẽ vươn dậy sớm, tận dụng được những lợi thế quan trọng mà chúng ta đang có.

Thứ ba, tiếp tục tập trung thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Đây là công việc đã được Chính phủ làm tốt trong nửa cuối năm 2020. Sang năm 2021, tiến độ bị chậm lại. Có những lý do chính đáng để giải thích tình hình này - dịch bệnh khó khăn, chuyển giao Chính phủ v.v... Nhưng mấu chốt vẫn là những trở ngại bên trong hệ thống cơ chế và bộ máy. 

Bây giờ, cần khôi phục động thái giải ngân tích cực của năm ngoái. Chính phủ mới vẫn coi thúc đẩy giải ngân đầu tư công là một giải pháp căn cơ trong tình hình hiện nay. Và ngay từ đầu, Thủ tướng đã đặt vấn đề rất quyết liệt - cắt giảm mạnh số lượng dự án đầu tư công để tập trung vốn và tăng tốc giải ngân. 

Tình thế bất thường thì giải pháp phải khác thường. Chúng ta đang trong tình thế đó. Chính phủ và Quốc hội cần coi đây là một cơ hội để giải tỏa những vướng mắc “cổ truyền”, đang gây tắc nghẽn, đã bị lộ diện nhưng lâu nay không tháo gỡ được vì “quy trình phức tạp”, vì “thủ tục chồng chéo” và vì “lợi ích xung đột”. Cách tiếp cận “khác thường” thực chất là tư duy đổi mới, cải cách, mượn tình thế để giải quyết tồn đọng cũ. 

Tôi vẫn tin rằng một Chính phủ với cách tiếp cận “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, biết hành động quyết liệt và linh hoạt trong điều hành, sẽ đạt được “mục tiêu kép” một cách thực chất.

Giải tỏa nhanh các điểm nút 

Là một chuyên gia kinh tế, ông có đề xuất giải pháp gì cho Chính phủ trước tình hình hiện nay?

Phát triển kinh tế và chống dịch có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Nếu chúng ta không xử lý tốt nhiệm vụ chống dịch thì chuyện đứt chuỗi sản xuất, tình trạng các thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp bị phong tỏa… sẽ dẫn đến hệ lụy kinh tế - xã hội khó lường. 

Theo tôi, thời gian tới đây, có mấy điểm cần lưu ý thêm.

Một là tạo không gian thông thoáng hơn cho hoạt động kinh tế. Cứng nhắc quá gây tâm lý hoảng sợ trong xã hội, làm các doanh nghiệp và người dân sẽ phải chịu thêm nhiều chi phí không đáng có và không nên có. 

Thứ hai, nguyên tắc “chịu trách nhiệm cá nhân” của lãnh đạo, trong tình hình dịch bệnh, cần được triển khai với tinh thần tích cực, được hiểu theo nghĩa không vì thành tích riêng của địa phương, đơn vị mình mà gây tổn hại đến sự vận hành chung của nền kinh tế. 

Tình trạng giao thông tắc nghẽn, xe chở hàng hóa đến cảng bị dồn ứ kéo dài nhiều km mấy ngày qua tại các nút giao giữa các địa phương là kết quả của cách hành xử không hài hòa chung - riêng, mang tính cát cứ địa phương.

Trung ương nên tăng cường lực lượng hỗ trợ cho các tỉnh giải tỏa nhanh các điểm nút (phải được coi là những điểm nút lưu thông quốc gia chứ không phải của riêng địa phương nào) để vừa giúp địa phương bảo đảm sự an toàn dịch bệnh, vừa thông luồng hàng hóa liên tỉnh. 

Rõ ràng là cần bỏ ngay “bệnh thành tích” trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về vấn đề chịu trách nhiệm cá nhân, làm sai tinh thần chỉ đạo. Chúng ta hiểu trách nhiệm là của từng địa phương, từng cá nhân lãnh đạo cụ thể. Nhưng điều đó không có nghĩa là đóng đinh trách nhiệm chỉ vào thành tích riêng của địa phương, vào sự an toàn của địa phương mà quên rằng nền kinh tế cần sự phối hợp và chung sức thì mới an toàn được.  

Lan Anh ghi

'Cả nước như một cơ thể sống, không vì có chỗ bệnh mà cắt rời'

'Cả nước như một cơ thể sống, không vì có chỗ bệnh mà cắt rời'

Cả nước như một cơ thể sống, quan hệ tuần hoàn chặt chẽ nên không vì những chỗ bị bệnh mà cắt rời tất cả. Làm sao để cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế - ĐB Nguyễn Thị Thủy nói trước Quốc hội.