Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 sắp diễn ra là một sự kiện vô cùng quan trọng cho nền kinh tế vì không chỉ thiết lập mục tiêu cho năm 2025, tầm nhìn đến 2030, 2045 mà còn là các định hướng chỉ đạo cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định cũng như thực thi các chính sách về sau.
Trong những năm gần đây, hầu hết các nghiên cứu hay bình luận về kinh tế Việt Nam đều gắn liền với từ khóa “Đổi mới”, ghi nhận đất nước hình chữ S là một câu chuyện thành công trong xóa đói giảm nghèo, nền kinh tế có tăng trưởng cao và ổn định trong hơn 30 năm, vị thế quốc gia được nâng cao, và là điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài.
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đang là nước có thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm trung bình thấp, ở mức 2.540 USD/người theo số liệu năm 2019 của Ngân hàng Thế giới.
Trình độ sản xuất trong nước phát triển sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu các công nghệ, hàng hóa, dịch vụ từ các nước phát triển |
Bên cạnh các thành tựu đạt được, các vấn đề như ô nhiễm môi trường, phân hóa giàu nghèo trong đó có chênh lệch vùng miền, chọn lọc nhà đầu tư nước ngoài, khai thông nguồn lực trong nước đang là những thách thức rất lớn cho việc xây dựng hình ảnh thương hiệu một đất nước Việt Nam phát triển thịnh vượng, bền vững.
Thay đổi về chất nằm ở thực thi chính sách
Quan sát nhiều thực tiễn, lãnh đạo của đất nước đã cho thấy khi có quyết tâm chính trị cao thì việc thực thi các chính sách đều đạt hoặc vượt mục tiêu đặt ra. Điều này có thể thấy qua kết quả xóa đói giảm nghèo, thu hút FDI, và thúc đẩy xuất khẩu.
Nhưng giai đoạn phát triển hiện nay và sắp tới của Việt Nam không còn như 20, 30 năm về trước. Từ một xuất phát điểm thấp thì tốc độ phát triển cũng như khung thời gian cho phát triển là rất ấn tượng trong giai đoạn đầu. Đến một quy mô nhất định, tốc độ phát triển sẽ đương nhiên chậm lại vì con số tuyệt đối ở mẫu số trong phép tính % đã lớn hơn lúc đầu rất đáng kể.
Lúc này, sự thay đổi về chất sẽ là yếu tố quyết định cho sự thay đổi về lượng như cặp phạm trù lượng - chất như chúng ta đã biết.
Và sự thay đổi về chất, theo người viết, nằm ở việc thực thi chính sách.
Gia công lắp ráp vẫn là chủ yếu
Trong một nghiên cứu mới đây của Grozier và Keene ở trường Hành chính công Kennedy thuộc Đại học Harvard (dưới sự hướng dẫn của GS. Lawrence và GS. Dapice, những người rất am hiểu Việt Nam), các tác giả đã chỉ ra rằng phát triển, nâng cao năng lực khu vực kinh tế tư nhân là cách tốt nhất để duy trì mô hình phát triển dựa vào FDI và xuất khẩu của Việt Nam.
Thực vậy, hiệu ứng lan tỏa trong chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đã không đạt được như kỳ vọng, như lý thuyết và thực tiễn từ nhiều quốc gia khác. Năng lực hấp thu hạn chế của doanh nghiệp trong nước đã không tạo được một hệ sinh thái doanh nghiệp bổ trợ đủ mạnh và bao phủ.
Kết quả là các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị rất thấp, sau một thời gian dài vẫn chủ yếu là gia công lắp ráp. Ngay cả một số lĩnh vực có tỉ lệ nội địa hóa được coi là cao thì đằng sau đó vẫn là doanh nghiệp nước ngoài.
Sự phát triển và lớn mạnh của hệ thống doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là tư nhân, sẽ tạo sự thay đổi lớn về chất trong thu hút FDI và xuất khẩu theo cách tiếp cận như sau:
Thứ nhất, khả năng hấp thụ hàm lượng công nghệ cao của doanh nghiệp trong nước sẽ thu hút các FDI có chất lượng, tham gia vào phân khúc trên của chuỗi giá trị toàn cầu, như Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành vào tháng 8/2019.
Thứ hai, sự phát triển về chất của doanh nghiệp trong nước sẽ nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng. Quan trọng hơn, trình độ sản xuất trong nước phát triển sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu các công nghệ, hàng hóa, dịch vụ từ các nước phát triển.
Một khi là đối tác nhập khẩu quan trọng của các nước phát triển thì việc trở thành đối tác xuất khẩu của các nước này cũng thuận lợi hơn rất nhiều, vì hiện nay Việt Nam đã có 13 FTA và 3 FTA đang đàm phán, trong số này đều có các nền kinh tế lớn của thế giới.
Dựa vào nội lực để phát triển
Việc thực thi chính sách cần đi vào thực chất, gắn liền với đánh giá hoàn thành nhiệm vụ chính trị hay quản lý nhà nước. Các chính sách cần tập trung vào những trọng điểm nhằm khơi thông tiềm năng, xóa bỏ những rào cản, chú trọng đến sự chuyển biến về chất. Theo người viết, có một số ưu tiên sau đây:
Một là, tiếp tục thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, hướng đến các doanh nghiệp có khả năng hấp thụ sự chuyển giao công nghệ, tham gia vào hệ sinh thái cùng với các doanh nghiệp FDI có chất lượng.
Trong quá trình phát triển của khu vực tư nhân, cần hạn chế sự tập trung vào một số ít tập đoàn vì nhiều khả năng bị rơi vào tình trạng lũng đoạn, thị trường bị bóp méo. Để được như vậy, cần xử lý và hạn chế mạnh tham nhũng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật.
Hai là phát triển nguồn nhân lực trong nước thông qua đào tạo và các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D). Bên cạnh đó, cũng cần sử dụng hiệu quả mạng lưới những người có ảnh hưởng, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân ở nước ngoài ủng hộ vì sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam.
Ba là cải thiện niềm tin của người dân, doanh nghiệp ở sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ. Niềm tin được củng cố theo thời gian, qua các hành động cụ thể vì lợi ích của người dân, của doanh nghiệp, của đất nước. Không thể tránh khỏi những sai sót trong ban hành chính sách hay thiếu mẫn cán trong việc thực hiện, nhưng với tâm thế cầu thị, vì lợi ích chung của người ban hành và thực thi chính sách thì niềm tin sẽ chuyển biến thành hành động ủng hộ.
Nền kinh tế Việt Nam sắp chuyển sang một giai đoạn mới với nhiều bất định từ môi trường bên ngoài như dịch Covid-19, chiến tranh thương mại, xung đột lãnh thổ, thay đổi đảng cầm quyền ở một số nền kinh tế lớn.
Hơn lúc nào hết, dựa vào nội lực để phát triển lúc này có thể nói là một lựa chọn tất yếu. Và cách tốt nhất để Việt Nam có thể tự cường là khơi thông những điểm nghẽn để phát triển doanh nghiệp tư nhân, nâng cao chất lượng lao động, cải thiện môi trường sống... bằng việc thực thi các chính sách một cách hiệu quả, thực chất, vì người dân, vì doanh nghiệp. Có như thế, Việt Nam mới sớm phát triển trở thành một quốc gia hùng cường, thịnh vượng!
TS Võ Đình Trí (AVSE Global)
Khi doanh nghiệp tư nhân ngày càng lớn mạnh
Khu vực doanh nghiệp tư nhân ngày càng tham gia sâu rộng hơn vào các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Nếu có một “lực đẩy”, họ sẽ là lực lượng quan trọng để cùng các thành phần kinh tế khác đưa đất nước tiến lên.