- Thái độ đối đầu của dịch giả và giới phê bình đã làm cho họ không thể ngồi nói chuyện với nhau được về những cái quan trọng hơn trong văn chương.

Tác giả "Những thứ họ mang" lên tiếng về câu dịch tục

Dịch tục chưa từng có, độc giả phản ứng mạnh

Thời gian gần đây luôn có những đợt sóng phê bình ào ạt vỗ vào ốc đảo nhỏ nhoi lởm chởm đá tai mèo và thấp thoáng những ngọn hải đăng cũ kỹ trong sương chiều của nền văn học dịch nước nhà. Cũng lạ là từ chỗ chỉ biết gục đầu thành kính đọc tất cả những gì được dịch ra tiếng Việt, độc giả lại quay ngoắt qua chê trách hầu như là tất cả các bản dịch, dù chúng được dịch từ những cây đa cây đề bấy lâu nay vẫn được tưới tắm cẩn thận và thường xuyên bởi những bài báo, giải thưởng, và lời khen (lẫn nhau) của người nhà.


Người thì bảo các thảm họa dịch thuật có nguyên nhân do biên tập quá ẩu, người thì phân trần do nhuận bút quá bèo làm cho dịch giả không thể dịch cho kỹ, người lại nói… từ trước đến nay văn học dịch vốn dĩ là loạn, sao lại ném đá chúng tôi, chỉ vì chúng tôi sinh ra phải cái thời mà bất cứ ai cũng có thể tra cứu tiếng Anh và có được bản gốc chỉ bằng vài cú bấm chuột hay là chạm đầu ngón tay?

{keywords}

Phê bình hay đập cho chết?

Đứng trên một góc độ nào đó, thì rõ ràng là phê bình dịch thuật đang ở trong một giai đoạn rất thiếu tính xây dựng đối với dịch giả. Hầu như các bài phê bình mang tính “đập chết ăn thịt”, tìm và thống kê hàng loạt lỗi dịch sai thô thiển đến mức không thể chấp nhận nổi, rồi kết luận là dịch giả quá kém. Tuy nhiên, những lỗi còn nguy hiểm hơn ví dụ như dịch sai hoàn toàn ý tác giả (mặc dù đúng từng từ trong từ điển) thì lại ít khi được đề cập đến.

Điều này làm cho dịch giả rất ấm ức, và luôn phân trần rằng ai cũng có thể dịch sai từ, những phê bình kiểu moi móc vài chục lỗi sai trong một bản dịch hàng chục hay hàng trăm ngàn từ là khá bất công với dịch giả. Thậm chí có dịch giả còn phản ứng quyết liệt bằng cách hỏi nhà phê bình xem, chẳng hạn, anh nói tôi dịch sai hàng ngàn từ, thì chứng cứ đâu?

Tuy nhiên, không một tờ báo tử tế nào sẽ chịu đăng một bài viết chỉ để liệt kê 3000 lỗi trong một cuốn sách nào đó. Và với những lỗi mang tính học thuật, tranh luận về các đoạn dịch sai ý tác giả mặc dù đúng đến từng chữ, sẽ tốn giấy tốn mực đến mức chúng chỉ có thể đăng trên các trang web cá nhân của nhà phê bình.

Chính điều đó đã dẫn đến tình trạng phải nói là phê bình dịch thuật theo kiểu quyết liệt triệt hạ cho bằng được như hiện nay trên báo chí VN. Những người phê bình không muốn mất thời gian vào chuyện tranh cãi triền miên về một quan điểm dịch với hàng ngàn bài viết xung quanh chỉ một từ duy nhất, điển hình là chỉ với một từ của nhà văn Tim O’Brien mà giới phê bình đã phải thư qua tin lại đến vài chục bài, tốn giấy tốn mực của hầu hết các tờ báo lớn nhỏ của VN, đủ thấy việc phê bình học thuật gian nan đến mức nào, và thái độ phản ứng đến cùng của dịch giả đã đưa đến một kiểu phê bình chỉ nhằm vào việc dịch sai từ. Anh không chịu nhận chỗ này anh dịch sai ý phải không, thế thì tôi sẽ chỉ cho anh hàng chục, hàng trăm chỗ anh dịch sai nghĩa nhé?

Dịch sai tiếng Anh quả thật là tệ, nhưng đáng tiếc đây chưa phải là lỗi nghiêm trọng nhất trong dịch thuật. Đương nhiên với các nhà văn lớn, như Tim O’Brien, Nabokov,… thì không nên và không thể dịch sai dù chỉ một từ, do họ đều suy ngẫm từng từ ngữ họ viết; nhưng một bản dịch vẫn có thể sai hoàn toàn mặc dù dịch sát đến từng chữ. Nhất là những bản dịch từ tiếng Anh – một thứ tiếng có những nghĩa thay đổi hoàn toàn theo ngữ cảnh của nó.

Thái độ đối đầu của dịch giả và giới phê bình đã làm cho họ không thể ngồi nói chuyện với nhau được về những cái quan trọng hơn trong văn chương. Rất khó, và thực tế là không thể bảo một cái đang tưởng nó là ngọn Hải Đăng, rằng nó cần phải đổi hướng đi.

Phê bình có dễ không?

Ở một đất nước duy tình hơn duy lý như VN chúng ta, nơi mà người ta vẫn bảo nhau rằng một bồ cái lí không bằng một tí cái tình, thì phê bình dịch thuật nói riêng và phê bình nói chung là một việc cần nhiều dũng cảm hơn là người ta tưởng.

Có trăm ngàn cách nói để người ta trách cứ một nhà phê bình: Nó còn quá ít tuổi, anh phê bình thế thì làm sao nó còn có nhiệt tình để dịch tiếp? Ông ấy đã quá già, sao anh có thể nói như thế với một người già? Cô bé đó viết như vậy là khá rồi, sao anh lại đòi hỏi quá nhiều ở một cô gái viết văn? Dịch giả đó đang gặp những chuyện buồn đấy, anh làm vậy ác quá! Tác phẩm đó rất là khó, dịch được như thế hoàn toàn không dễ, anh nên có tinh thần xây dựng hơn! Cái chuyện ấy thì dịch sao mà chẳng được, anh xét nét quá đáng! Đó là chưa kể một số người còn cho rằng phê bình một tác phẩm đôi khi chỉ giúp cho nó bán chạy hơn. Thậm chí nghi ngờ… nhà phê bình là tay trong của nhà sách!

{keywords}
Minh họa: tranh "Những người chơi bài" (Paul Cézanne)

Một số khái niệm nổi tiếng trong Lý thuyết trò chơi là Đảm bảo phá hủy lẫn nhau (mutual assured destruction), Song đề tù nhân (prisoner's dilemma)

Thực ra hiện nay, đã là trí thức thì ai cũng có thể là dịch giả hoặc nhà phê bình dịch thuật. Hai vai trò đó không đối kháng lẫn nhau trong một cá nhân. Và nó gợi lại bài toán nổi tiếng có tên là Song Đề Tù Nhân trong lý thuyết trò chơi (game theory). Tóm lược như sau: Hai kẻ bị tình nghi là tội phạm bị cảnh sát bắt. Cảnh sát không có đủ chứng cớ để kết án họ, nên đã cách ly họ. Cảnh sát gặp từng người một và làm cùng thoả thuận: nếu một người thú tội mà người kia im lặng, người im lặng sẽ bị phạt 10 năm tù và người thú tội sẽ được thả tự do. Nếu cả hai đều im lặng, cảnh sát chỉ phạt được mỗi tù nhân 6 tháng tù vì một tội nhỏ nào đó khác. Nếu cả hai đều thú tội, mỗi người sẽ bị phạt 2 năm.

Về mặt lý thuyết thì cả hai nên giữ im lặng để cùng bị phạt ít nhất. Nhưng trong thực tế thì các thí nghiệm cho thấy đa phần người ta chọn giải pháp thú tội. Lý thuyết trò chơi đã có sự phát triển mạnh từ khi John von Neumann là người đầu tiên hình thức hóa nó trong thời kỳ trước và trong Chiến tranh Lạnh, chủ yếu do áp dụng của nó trong chiến lược quân sự, nổi tiếng nhất là khái niệm đảm bảo phá hủy lẫn nhau mà các siêu cường áp dụng để phát triển hệ thống vũ khí hạt nhân hủy diệt của họ. Những ý tưởng từ lý thuyết trò chơi cũng tìm được chỗ đứng trong việc xây dựng một thị trường cạnh tranh, khi các nhà cung cấp không thể bắt tay nhau để mưu lợi cho nhóm của mình.

Quay về vấn đề phê bình dịch thuật, có thể thấy giải pháp tốt nhất cho giới dịch giả là im lặng trước tất cả những sai sót của đồng nghiệp. Thực tế vừa qua đã cho thấy một nhà cựu-phê bình đã bị phê bình khốc liệt đến thế nào. Có lẽ anh cũng có đôi chút ăn năn về những lời ngày xưa mình đã viết về đồng nghiệp! Tuy nhiên điểm cân bằng mang tính lợi ích nhóm này rất mong manh và sẽ nhanh chóng bị phá vỡ. Thực tế thì cộng đồng không được lợi ích gì khi phải mua sản phẩm được “sản xuất” ra từ một nhóm “đoàn kết nhất trí cao” như thế.

Dù giới dịch giả có phản ứng đến thế nào, thì vai trò của các nhà phê bình là cực kỳ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng - ở đây là những độc giả mua sách dịch. Chúng ta cần ủng hộ các nhà phê bình cũng nhiều như ủng hộ các bản dịch chất lượng cao. Không thể chấp nhận thái độ của một số dịch giả coi việc dịch sách là một công việc cá nhân bất chấp độc giả, coi độc giả chỉ như những kẻ ăn “cơm mớm” từ miệng dịch giả. Hàng triệu độc giả không biết tiếng Anh và bỏ tiền ra để mua các “dịch phẩm”, sẽ nghĩ thế nào khi biết dịch giả coi thường họ như thế?

Phê bình như thế nào?

Như đã nói ở trên, báo chí không thể đóng vai trò có tính chuyên môn trong việc phê bình dịch thuật, báo chí chỉ có thể rung những hồi chuông cảnh báo về chất lượng của một bản dịch nói riêng, hay là một xu hướng dịch loạn nói chung; và để làm như vậy nó buộc phải dùng biện pháp nghiệp vụ đặc thù của mình là “đánh” vào những biểu tượng nhất định, hoặc vào những thứ mang tính biểu tượng.

Để việc phê bình dịch thuật thực sự mang lại hiệu quả, thì sau những bài báo sẽ phải là các nghiên cứu chuyên sâu hơn, thậm chí là những hội thảo chỉ nhằm vào việc phân tích một bản dịch. Các dịch giả cũng nên từ bỏ tâm thế coi tất cả những phê bình là nhằm vào cá nhân hay một công ty, một nhà sách nhất định. Nếu anh là một dịch giả lương thiện, yêu nghề, hãy đừng ngại lời phê bình, dù nó đúng hay sai, thì nó cũng là những cơ hội để anh hiểu được mình, hiểu được tác phẩm mình đã dịch. Và trên hết, chính những lời phê bình đó sẽ tạo ra một môi trường lành mạnh mà các tác phẩm dịch của anh mong muốn mang đến cho độc giả.

Nhà văn Nguyễn Tuân từng nói: “Khi tôi chết, nhớ chôn tôi cùng một thằng phê bình!” Cũng không hiểu cụ nói thế là quá ghét hay là quá yêu các nhà phê bình. Nhưng chắc chắn rằng sống hay chết, thì phê bình vẫn phải đồng hành với văn chương, dù đó chỉ là văn chương dịch.

Thiên Lương