"Chuyện anh Bằng Kiều giá hơn 10. 000 USD tôi thấy cũng đúng thôi. Đó là lần đầu tiên anh Kiều về Việt Nam hát nên phải có giá trị của việc mười mấy năm mới quay lại chứ." "Mắt nai" Hồng Ngọc chia sẻ về cuộc sống, cát xê của nghệ sĩ tại Mỹ.

Đã khá lâu rồi chị mới trở lại Việt Nam, cảm xúc của chị thế nào?

- Lần trở về này mang đến cho tôi nhiều cảm xúc nhất bởi vì những lần trước tôi trở về chỉ có một mình thôi, về làm việc, nhưng lần này tôi trở về sau tour diễn thành công, mọi căng thẳng vừa hết nên tôi rất thích. Bên cạnh đó, lần trở về này còn có cả gia đình của tôi nữa, hai con tôi cũng về vì ông bà ngoại chưa gặp cháu, nên coi như lần này về là ra mắt thành viên thứ hai, cảm xúc lạ hơn mọi khi rất nhiều. Tôi cũng không làm việc nhiều như mọi khi, dành thời gian đi chơi với bố mẹ và các con.

{keywords} 

Đưa cả hai bé về Việt Nam thì chắc là vui có vui mà mệt cũng rất mệt?

- Mệt thì chắc chắn rồi, nhưng mệt mà mình vẫn hạnh phúc. Cũng rất may là các cháu có vẻ rất hợp với Việt Nam. Cháu bé thích nghi với Việt Nam nhanh lắm, cháu vui, ăn uống cũng tốt, chỉ có điều là giờ ngủ chưa được ổn định thôi. Nhưng cũng may mắn là cháu không quá bám víu chúng tôi. Về Việt Nam nếu không đi làm thì gò bó quá nên tôi vẫn đi làm và gửi cháu để đi đây đó một chút.

Cuộc sống hiện tại của chị ở Mỹ thế nào?

- Tôi hài lòng với những gì mình đang có nhưng cũng không có nghĩa là tôi sẽ ù lì trong âm nhạc. Tôi sẽ vẫn cố gắng dùng hết nhiệt huyết của mình. Hiện tại tôi rất vui vì mọi người nhìn nhận tâm huyết của mình bỏ ra bao nhiêu năm trời. Tuy tôi đã sống ở Hải ngoại rồi, nhưng tôi vẫn còn sự yêu thương của gia đình tại Việt Nam và khán giả tại Việt Nam, bởi vậy tôi luôn luôn nghĩ mình có nguồn gốc Việt Nam và luôn mong mỏi quay về Việt Nam làm việc.
{keywords}

Những nghệ sĩ ở hải ngoại thường chia sẻ rất thật là show của họ không nhiều nên họ thường có một công việc khác nữa, ví dụ như Thanh Hà hay Kỳ Duyên chẳng hạn?

- Đó là vì họ có đầu óc kinh doanh, những người đó tôi thấy rất ngưỡng mộ. Với tôi nếu thêm một công việc nữa thì mình sẽ không có đủ khả năng tập trung nữa. Chồng tôi đã bạc tóc vì công việc của tôi rồi, còn con cái nữa, rồi nhiều thứ nữa, phụ nữ mà. Bản thân tôi cũng không giỏi về kinh doanh nữa nên cứ ăn chắc mặc bền kinh doanh trong công việc ca hát của tôi. Tôi sẽ vẫn kết hợp mời ca sĩ sang làm việc cho công ty của mình, chỉ là kinh doanh về giải trí thôi.

Chị đưa các bé về Việt Nam, đợt này chị về có lâu không?

- Tôi về được 1 tháng. Tôi muốn cho các cháu ở lại 3 tháng hè bên cạnh ông bà luôn nhưng sau liveshow thì công việc của tôi lại tăng gấp đôi. Các casino khi đã làm việc với tôi rồi lại muốn làm một năm mấy cái tour như thế này nữa, nên tôi phải trở lại vào tháng 7.

Các cháu có về Mỹ với chị không hay vẫn ở đây?

- Các cháu phải về với tôi, tôi không thể nào xa con được. Không có các con tôi không làm được gì cả. Tôi may mắn có được hai đứa con “có nếp có tẻ”, là kho báu đúng như tôi mong đợi. Tôi luôn nghĩ tôi sẽ phải giữ gìn kho báu này nhiều hơn nữa vì xã hội bây giờ thay đổi chóng mặt, có rất nhiều cám dỗ, nhiều tệ nạn... Có con thì nhưng mình phải dạy bảo con mình thật kỹ. Vậy nên hai vợ chồng làm gì thì làm không người này thì người khác cũng phải ở bên cạnh các con.

Vậy những tour diễn của chị thì sao?

- Bình thường tôi chỉ đi có 1, 2 ngày thôi, trước đó tôi làm việc qua mạng, qua email. Chồng tôi sẽ bay đến đó để làm việc với các casino, dàn dựng tất cả trước. Chỉ những show diễn quan trọng quay hình như show vừa rồi của tôi ở Chicago thì phải qua đó sớm 3, 4 ngày. Tôi và chồng luôn chia sẻ công việc với nhau. Tôi không có nhà là chồng tôi đóng vai trò như một người mẹ, bên cạnh đó nói gì thì nói tôi vẫn phải cám ơn gia đình nhà chồng đã hỗ trợ rất nhiều, biết vợ chồng tôi làm nghề như vậy nên bố mẹ và anh chị có gì hỗ trợ được là hỗ trợ chúng tôi tới cùng.

{keywords}

Nhờ vậy nên chị vừa hoàn thành một tour diễn rất thành công tại Mỹ?

- Thật ra tôi còn muốn làm hơn như thế nữa cơ. Vì đơn giản hiện tại ca sĩ ở Việt Nam qua Mỹ rất nhiều, cứ như đi chợ vậy đó. Vậy tại sao mình là người có điều kiện được tiếp xúc với khán giả tại Mỹ mà mình không làm điều đó? Vì vậy tôi và ông xã mình đã cùng lên ý tưởng và thực hiện. Ở hải ngoại, ca sĩ có chương trình riêng như vậy rất hiếm, hầu hết là trung tâm làm cho. Tuy nhiên khi trung tâm làm thì sẽ là nhiều ca sĩ cùng biểu diễn chứ không còn là show riêng của mình nữa. Là người đầu tiên nên tôi rất hạnh phúc, cho dù có thất bại hay thành công nhưng ít nhất những điều mình đã chờ đợi, mong chờ cũng đã trọn vẹn, mình đã làm được.

Tôi có trò chuyện với một số ca sĩ ở Hải ngoại, họ có nói mức độ chạy show ở Hải ngoại không nhiều, một tuần cũng chỉ vài ba show, có được tour riêng như chị quả là hiếm.

Về chuyện tần suất chạy show thì đúng như vậy. Nói thật là một tuần hát 3 show là bạn ở “đỉnh” rồi. Ở Mỹ, khán giả Việt không đi coi nhạc ngày thường, chỉ thứ 6, thứ 7 và chủ nhật thôi. Ca sĩ nào hát đủ 3 show đó là quá “hot” rồi, chứ trung bình chỉ khoảng 2 show là nhiều. Thường ở mỗi tiểu bang, mỗi thành phố phải 3 tháng mới quay lại một lần, vì lượng khán giả chỉ có như vậy thôi, nếu quay đi quay lại nhiều cũng gây sự nhàm chán. Chỉ trừ người ta tự động mời mình quay lại thì chứng tỏ là mình “hot”.

Vậy mà ca sĩ Việt Nam chạy show qua Mỹ liên tục, có nhiều ca sĩ ở Việt Nam dường như đã “hết thời” lại đắt show ở Mỹ?

- À, tôi không nghĩ ca sĩ chạy show ở Mỹ là hết thời đâu. Có điều khán giả ở Hải ngoại rất cuồng nhiệt nhưng bên cạnh đó, người ta cũng thường chỉ thích những dòng nhạc quen thuộc. Nếu muốn hát ca khúc mới phải từ từ chứ không như ở Việt Nam có thị trường để đẩy những bài mới cho khán giả nghe hoài họ thích. Nhiều khi những ca khúc ở Việt Nam đã đình đám được một thời gian dài ở Hải ngoại mới bắt đầu thích. Vậy nên hát ở hải ngoại không cần phải hát ca khúc mới nhiều. Tôi cũng thường khuyên các ca sĩ mới qua rằng không cần hát những ca khúc đang đình đám ở Việt Nam vì có thể ở Hải ngoại người ta chưa biết. Các bạn ca sĩ trẻ cũng giống như tôi ngày xưa, cũng chạy tới chạy lui, không để ý và không hiểu được mẹo đó.

Tôi hiểu ý chị, có thể tôi dùng từ “hết thời” chưa chính xác lắm, có điều tôi thấy một số ca sĩ hiện tại rất ít show ở Việt Nam như Duy Mạnh chẳng hạn, anh ấy bây giờ được đánh giá là một trong những ca sĩ Việt “đắt show” nhất ở Hải Ngoại?

- Bởi vì bài hát của anh ấy đang nổi ở Hải ngoại. Tôi cũng rất thích Duy Mạnh, những bài hát của anh ấy rất hay. Phải thừa nhận rằng tôi cũng chưa hát nhạc của Duy Mạnh nhưng nhạc của anh rất dễ đi vào lòng người, nhiều khán giả bây giờ chỉ muốn nghe nhưng loại âm nhạc đơn giản, dễ nghe. Tôi đã được làm việc với Duy Mạnh thời gian gần đây, trong liveshow của tôi, tôi đã song ca với anh ấy một bài hát của anh ấy và tôi rất thích.

Tôi nghĩ vấn đề không phải là ca sĩ hết thời sang Mỹ mới thành công, vấn đề là hải ngoại nghe nhạc “chậm” hơn ở Việt Nam. Ở Hải ngoại, muốn biết ca khúc nào đang thành công, đang được yêu thích thì phải thấy nó được hát karaoke hoặc nghe ở quán cà phê. Cứ thấy bài nào được mở lên nhiều tức là bài này đang nổi. Còn có những bài hát bên này nổi đình đám nhưng bên kia karaoke người ta nghe chưa quen thì cũng không nổi được, cũng có những bài hát hay nhưng khó hát, ít người hát được nên khán giả không thích.

Như chị nói thị trường ở Hải ngoại chỉ có bấy nhiêu đó thôi, trong khi có rất đông ca sĩ Việt Nam bay qua nên “miếng bánh” ở thị trường hải ngoại bị bớt đi nhiều. Có phải vì vậy mà ca sĩ ở hải ngoại phải “di cư” theo hướng ngược lại?

- Tôi không nghĩ như vậy. Tôi nghĩ ca sĩ ở hải ngoại cũng muốn đổi thị trường, giống như ca sĩ ở Việt Nam vậy. Âm nhạc thì lúc nào cũng cần tìm khán giả, cần kéo khán giả lại gần mình hơn. Những ca sĩ đã chứng minh được mình với khán giả ở Việt Nam rồi thì cũng muốn đi đến những nơi khác để làm điều tương tự, ca sĩ hải ngoại cũng vậy thôi.

Tôi cũng mong là trong thời gian tới trong hai nhóm ca sĩ (Việt Nam và hải ngoại) sẽ xen kẽ với nhau, hát với nhau, thoải mái giống như trong liveshow của tôi. Tôi qua Hải ngoại thấy ca sĩ bên đó rất dễ thương, Minh Tuyết, Bằng Kiều là những người đang “hot” nhất tại hải ngoại nhưng họ rất hòa nhã với mình. Tôi rất vui, rất mong có những chương trình liên kết để thấy không có sự mâu thuẫn nào cả, mỗi ca sĩ có chỗ đứng riêng, ai cũng đều có lượng khán giả của riêng họ.

Một lý do khác nữa là cát xê, không thể phủ nhận điều đó cũng chi phối tới ca sĩ rất nhiều. Một danh ca nổi tiếng ở Hải ngoại chia sẻ với tôi rằng hát ở Mỹ cô chỉ được trả khoảng 2,000 USD nhưng khi về Việt Nam, con số đó được nhân lên gấp nhiều lần. Còn như Bằng Kiều chẳng hạn, người trong giới nói giá cát xê cho đợt đầu về của anh ấy lên tới hơn 10,000 USD?

- Cái đó tôi không nắm hết được. Còn chuyện anh Bằng Kiều giá hơn 10, 000 USD tôi thấy cũng đúng thôi. Đó là lần đầu tiên anh Kiều về Việt Nam hát nên phải có giá trị của việc mười mấy năm mới quay lại chứ. Mỗi người có một giá trị riêng và tôi tôn trọng giá trị đó của mỗi người, tôi cũng vui cho giá trị đó.

Xin cảm ơn chị rất nhiều!

(Theo Dân trí)