- Có thể không phải là sự lựa chọn duy nhất, nhưng chất liệu âm nhạc “toàn cầu” đang mang đến những hiệu quả nhìn thấy được.


Nhạc dân tộc rơi cảnh chợ chiều

Trong bức tranh sinh động của âm nhạc Việt những năm qua, nhạc dân tộc truyền thống có lẽ là mảng màu ảm đạm nhất. Vì nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan mà loại hình âm nhạc này dần xa rời với cuộc sống.

Trên những sân khấu âm nhạc lớn nhỏ khắp cả nước, thật khó để có thể nghe được một làn điệu dân ca quen thuộc. Các sân chơi truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng ca nhạc thì lại càng hiếm hơn khi mà những giọng ca trẻ có xu hướng sính ngoại.

Ngay cả ở những điểm văn hóa nghệ thuật bình dân, muốn tìm nghe được một làn điệu Chèo hay quan họ cũng chẳng dễ. Đôi câu vọng cổ thi thoảng được xướng lên ở những show tỉnh nhưng chỉ để góp vui là chính và không thể thay thế được “nhạc sến” với “nhạc giựt”.

{keywords}

Nhạc dân tộc khó đến được với các sân khấu đại chúng

 

Trước tình cảnh ấy, vẫn có một số người âm thầm tìm cách giữ gìn và phát triển dòng nhạc này. Nổi bật nhất trong số đó là Giáo sư Trần Văn Khê.

Năm 2004, sau khi về nước, việc đầu tiên mà ông bắt tay vào làm là tổ chức nhưng buổi tọa đàm, trao đổi về nhạc dân tộc. Cứ đều đặn hai tuần một lần, tại nhà riêng của mình, ông dốc hết những kiến thức và cả tình yêu mà mình có với những làn điệu dân ca để chia sẻ cho các khách mời.

Tuy nhiên, vì điều kiện không cho phép mà những buổi tọa đàm, trao đổi ấy chỉ có thể thu hút được trên dưới 100 người. Một con số còn quá khiêm tốn.

Cũng âm thầm không kém là các hoạt động của số ít nhóm bạn trẻ đam mê với nhạc dân tộc. Nhóm thì tự rèn luyện với nhau, nhóm lại trao đổi qua mạng. Chỉn chu, có tổ chức hơn một chút là những câu lạc bộ tại các nhà văn hóa.

{keywords}

GS Trần Văn Khê, một người tâm huyết với âm nhạc truyền thống.

Dẫu vậy, tất cả các hoạt động trên cũng chỉ dừng lại ở mức tự phát, nhỏ lẻ và hiệu quả không cao. Nhìn chung, với tình hình này, để có thể thay đổi được cái nhìn của công chúng, đặc biệt là giới trẻ thì vai trò quan trọng nhất phải thuộc về những người nghệ sĩ. Bởi không có cách giao dục âm nhạc nào tốt hơn sự tiếp xúc bằng trực quan.

Những lối đi mới cho nhạc dân tộc

Khi còn ở thời kỳ đỉnh cao phong độ của mình, nhóm 3 Con mèo đã từng làm mưa làm gió với Lý ngựa ô được phối theo phong cách Pop. Không lâu sau đó, đến lượt Bức Tường hay Anh Khoa thổi những giai điệu máu lửa của Rock vào Ra khơi hay Lý quạ kêu.

Việc những bản dân ca quen thuộc được khoác lên một tấm áo mới đã thực sự đem đến cho khán giả những bất ngờ. Chúng cũng vì thế mà được đón nhận một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vì cả 3 Con mèo hay Bức tường đều vốn không phải là các nghệ sĩ theo đuổi âm nhạc dân gian, thế nên những thể nghiệm của họ mới chỉ có thể giữ nguyên giai điệu mà không kết hợp được với những nhạc cụ đặc trưng.

{keywords}

Quốc Trung từng gây tiếng vang lớn với Đường xa vạn dặm

Không phải Pop hay Rock, năm 2004, Quốc Trung với World Music đã có một bước tiến dài trong việc thổi hơi thở của thời đại vào âm nhạc dân tộc. Trong đêm nhạc Đường xa vạn dặm, anh đã khiến nhiều người ngỡ ngàng khi kể lại tác phẩm Người thiếu phụ Nam Xương của Nguyễn Dữ bằng những giai điệu vừa lạ, lại vừa quen.

Sự xuất hiện của guitar, trống cùng các nhạc cụ điện tử bên cạnh những đàn bầu, đàn nhị, sáo… chẳng những không khiến người nghe cảm thấy nghịch tai mà còn mở ra cả một không gian âm nhạc rộng lớn, không biên giới. Sau thành công ban đầu ấy, Quốc Trung tiếp tay bắt tay vào thực hiện Nguồn cội vẫn với chất liệu âm nhạc dân gian trên nền World Music.

Tuy không tạo nên tiếng vang lớn nhu trước nhưng dự án này vẫn nhận được sự đánh giá cao. Và dù có đôi chút tiếc nuối khi cả Đường xa vạn dặm hay Nguồn cội vẫn chưa đến được với số đông khán giả, thế nhưng có thể nói nó đã phần nào mở ra một hướng đi mới trong việc đưa nhạc dân tộc tới công chúng.

{keywords}

Ca nương trẻ Kiều Anh ghi dấu ấn với ca trù kết hợp cùng World Music

Bằng chứng là ở chương trình Vietnam’s Got Talent 2013 vừa kết thúc, “ca nương” trẻ Kiều Anh đã để lại những ấn tượng mạnh mẽ với người xem khi kết hợp ca trù cùng World Music. Trên nền âm thanh thiên nhiều về điện tử, tiếng đàn đáy, tiếng trống chầu, tiếng gõ phách và đặc biệt là tiếng hát của giọng ca 17 tuổi trở nên “phiêu” một cách bất ngờ.

Mỗi lần xuất hiện là một lần gây xôn xao, Kiều Anh cứ thế thẳng tiến vào đêm chung kết một cách thuyết phục. Điều đó cho thấy những thể nghiệm này với nhạc dân tộc của Kiều Anh đã được đông đảo khán giả đón nhận thực sự.

Sau 8 năm xuất hiện, loay hoay tìm phong cách phù hợp nhất với mình, mới đây, nhóm Mặt trời đỏ cũng đã cho ra mắt album đầu tiên có tên Tri kỷ. Album gồm 6 ca khúc, mở đầu bằng một bài chầu văn, kết thúc với một bản ca trù, phần còn lại là dân ca Nam bộ, Huế, Tây Nguyên, Nam Trung bộ. Tất cả đều được đặt trong không gian mở của một chất liệu âm nhạc mang tính toàn cầu.

Đặc biệt, vì không quá nặng về điện tử mà âm thanh của các nhạc cụ dân tộc trong album đều rất trong và rõ. Nó khiến cho phần dân tộc của sản phẩm này trở nên nổi bật hơn rất nhiều. Sau khi được nghe Mặt trời đỏ trình diễn trực tiếp tại buổi ra mắt album, không chỉ đánh giá cao về mặt sáng tạo, những người có mặt đều thừa nhận Tri kỷ hoàn toàn có thể đến được với khán giả đại chúng.

{keywords}

Mặt trời đỏ đã tìm thấy được phong cách của mình sau 8 năm.

Quả thực, có nhiều cách để vun lại tình yêu với âm nhạc dân tộc trong số đông khán giả. Khoác lên những giai điệu quen thuộc một tấm áo thời đại cũng là một cách. Và World Music có thể không phải là sự lựa chọn duy nhất, nhưng ở thời điểm hiện tại, nó đang mang đến những hiệu quả nhìn thấy được.

Bên cạnh đó, dù sẽ phải đối mặt với những ý kiến trái chiều, nhưng việc các nghệ sĩ chủ động tìm lối đi cho niềm đam mê của mình cũng là một điều đáng trân trọng.

Linh Phạm