"Phải có chứng chỉ hành nghề khi tham gia vào tu bổ di tích là một bước chuyển biến tích cực, cần thiết trong quản lý chất lượng công tác bảo tồn, tu bổ di tích. Nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo sau đó. Cần phải được siết chặt để tránh "thảm họa" trùng tu", KTS Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích nói.

Bí thư, Chủ tịch nhận lỗi đào bới di tích Mỹ Sơn 

{keywords}
Nhiều di tích được làm mới theo kiểu tô vẽ quá đà thế này.

Đi học để "đón trước" thông tư

Liên tục những di tích có giá trị trong thời gian gần đây được tu bổ theo kiểu làm mới như trường hợp của chùa Trăm Gian. Bắt đầu từ tháng 7 này, Thông tư 18 của Bộ VHTT&DL quy định chi tiết về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích chính thức có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên nỗi lo thì vẫn chưa hết.

Theo thông tư này, Cục di sản văn hóa sẽ là nơi đứng ra cấp chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích sau khi những người có nhu cầu được lấy giấy chứng nhận đã qua lớp đào tạo về tu bổ di tích và một số giấy tờ khác. 

Theo ông Vinh, từ năm 2010 đến nay Viện Bảo tồn di tích đã đào tạo được 7 khóa và đang đào tạo khóa thứ 8. Các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ tu bổ di tích mà Viện mở ra được thực hiện theo chuẩn dự án mà Bộ VHTT&DL hướng dẫn. Tất cả các học viên đều được học lý thuyết kết hợp với thực hành. Họ được trực tiếp tiếp cận với di tích cần tu sửa, đã tu sửa, phải làm bài thực hành thực tế.

"Trải qua 7 khóa đào tạo, tôi thấy những khóa đầu tiên những học viên đi học thực chất bởi họ thực sự cần kiến thức về tu bổ di tích. Tuy nhiên, càng về sau, càng kém đi, một số người đi học theo kiểu "đón trước" thông tư", ông Vinh nói.

Ông Vinh so sánh, việc có được chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích cũng như việc một người có tấm bằng đại học. Có rồi, làm như thế nào lại là câu chuyện khác, người làm tốt, người làm dở. Điều này cần có một quá trình lâu dài làm việc thực tế, tích lũy kinh nghiệm và nâng dần khả năng. Nên điều quan trọng là cơ quan quản lý phải bám sát.

"Một số trường đại học cũng đã bắt đầu rục rịch mở các khóa bồi dưỡng. Nhưng theo tôi được biết thì chất lượng mới chỉ dừng lại ở lý thuyết, chưa có thực hành, chưa đi sâu vào thực tế tồn tại về di tích ở Việt Nam", ông Vinh cho biết.

Vì sao Cục Di sản né trả lời?

Hiện cả nước có hơn 4 vạn di tích, hàng năm có hàng trăm di tích lớn nhỏ trong cả nước được đầu tư, quan tâm đến công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Với lượng di tích quá lớn cần phải tu bổ, với thông tư 18 có hiệu lực thì nhu cầu cần phải có chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích ngày càng cao.

Cuộc chạy đua để có chứng chỉ hành nghề sẽ diễn ra sôi động,  trong khi các lớp bồi dưỡng về tu bổ di tích lại thực hiện theo kiểu "mạnh ai nấy làm" chứ chưa có chuẩn chung. Một khóa ngắn hạn vài tuần liệu có đảm bảo rằng "đầu ra" sẽ đầy đủ kiến thức về tu bổ? Ai sẽ giám sát quá trình đào tạo? Liệu sẽ không xảy ra tình trạng "chạy" chứng chỉ? Có chứng chỉ hành nghề sẽ tránh được "thảm họa trùng tu"...

Đem những băn khoăn này hỏi Cục di sản văn hóa - đơn vị sẽ trực tiếp cấp chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích thì những người có liên quan đều tránh né. Khi PV liên hệ với Cục trưởng Nguyễn Thế Hùng, ông báo bận còn Phó Cục trưởng Nguyễn Hữu Toàn thì nói ông không tham gia vào vấn đề này, Phó Cục trưởng Nguyễn Quốc Hùng mới là người trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, khi liên hệ với ông Hùng, ông này báo bận, đang đi công tác, đề nghị phóng viên hỏi những người ở nhà.

Câu hỏi đặt ra là tại sao một cơ quan chuyên trách về di sản lại né tránh những vấn đề mình quản lý? 

PGS.TS Trần Lâm Biền: Có còn hơn không!

Chứng chỉ hành nghề có còn hơn không, tuy hơi chậm theo kiểu "mất bò mới lo làm chuồng" nhưng sẽ loại được những người không tử tế, đàng hoàng ra khỏi việc tôn tạo một di tích linh thiêng.

Việc phải có chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích mới được tham gia vào quá trình trùng tu, tôn tạo di tích khiến nhiều người từ trước tới nay thực sự có nghiệp vụ về vấn đề này, đã từng tu bổ nhiều di tích tự ái.

Nhưng "qua sông thì phải lụy đò", đã là quy định thì phải tuân theo. Tuy nhiên, ban đầu sẽ hơi lộn xộn, sẽ chưa thể loại được những người không tử tế ra ngay được nhưng cái gì cũng phải có lộ trình, quy định chặt chẽ. Hy vọng di sản sống dần sẽ được bảo vệ tốt hơn.

 T.Lê