Truyền hình thực tế ở Việt Nam vẫn chỉ ăn khách ở những chương trình giải trí, đặc biệt là ca hát, nên các chương trình khai thác nội dung khác khó thu hút khán giả.

Khi truyền hình thực tế bắt đầu bùng nổ trên các kênh truyền hình có lượng khán giả cao ở Việt Nam, các đơn vị kinh doanh truyền thông giải trí đua nhau vào cuộc. Ai mạnh hơn, nhanh chân hơn thì giành được đất vàng trên sóng truyền hình, mua được bản quyền chương trình “hot” (ăn khách). Đơn vị nào yếu hơn, không đủ sức đầu tư vào những chương trình lớn thì tìm cho mình những chương trình ít sức hút hơn, tiền mua bản quyền và đầu tư sản xuất chương trình cũng thấp hơn nhiều. Tất nhiên, chuyện thắng - thua trong kinh doanh thuộc lĩnh vực này luôn tùy thuộc vào mức độ quan tâm của khán giả nên những gì diễn ra thời gian qua cũng chẳng bất ngờ.

Không gì hơn ca hát

Cho đến nay, kể từ khi chương trình Vietnam Idol mùa đầu tiên lên sóng HTV, các chương trình truyền hình thực tế về thi ca hát vẫn có chỉ số người xem cách biệt lớn so với những chương trình truyền hình thực tế thuộc nội dung khác. Ngay những chương trình dành cho giới “chân dài” như Vietnam Next Top Model cũng không thành công về mặt thu hút người xem như chương trình gốc của nó tại Mỹ. Đứng đầu về chỉ số người xem cho đến thời điểm hiện tại vẫn là Giọng hát Việt và Giọng hát Việt nhí trên sóng VTV3.

{keywords} 

Dù có hạ nhiệt so với mùa đầu nhưng Giọng hát Việt vẫn là chương trình có lượng khán giả cao nhất hiện nay.  

Chương trình Tôi là người chiến thắng trên HTV7 cũng đang cạnh tranh với Giọng hát Việt. Ngay những cuộc thi hát không chuyên nghiệp như Cặp đôi hoàn hảo vẫn đạt chỉ số người xem cao. Theo công bố của Zing TV, Giọng hát Việt mùa đầu tiên khi phát trên trang mạng này đã có lượt xem lên 4-5 triệu lượt/tập. Thậm chí, có những tập Zing TV có hàng trăm ngàn lượt xem cùng lúc, bằng tất cả các chương trình khác cộng lại. Bước sang năm thứ hai, Giọng hát Việt có giảm lượt xem trên trang mạng này nhưng vẫn đạt được 1,5 triệu lượt xem/tập.

Sức hút khán giả của các chương trình thi hát càng lớn, doanh số thu được từ tài trợ và quảng cáo cho nhà sản xuất và nhà đài cũng tăng lên. Để tạo ra được những chương trình có sức hút khán giả lớn, nhà sản xuất chương trình phải đầu tư lớn, từ tiền mua bản quyền chương trình của nước ngoài lên đến hàng triệu USD đến cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người... đều có giá cao nhất. Chính những yếu tố này khiến những công ty không thuộc hàng “đại gia” không đủ sức cạnh tranh, đành phải chọn những hướng đi khác ít tốn kém hơn.

Tạo sự khác biệt ít tốn kém

Khi Công ty Chu Thị công bố chương trình truyền hình thực tế Cùng xây nhà mới, không ít người tỏ ra lo ngại về sự “chịu chơi” của đơn vị này. Sở dĩ như vậy bởi khán giả truyền hình Việt vẫn dành nhiều ưu tiên cho những chương trình đậm chất giải trí. Trong khi đó, Cùng xây nhà mới lại dành cho những người đam mê công việc thiết kế, đặc biệt là thiết kế nội thất. Ở chương trình này, các thí sinh (là cặp đôi đang yêu nhau hay vừa mới cưới) sẽ thể hiện khả năng trang trí, sắp xếp, thiết kế một căn nhà mới hoàn toàn để chinh phục giám khảo. Người chiến thắng sẽ giành được giải thưởng là căn hộ giá 1 tỉ đồng hoặc số tiền mặt trị giá tương đương. So với các chương trình truyền hình thực tế hiện nay, Cùng xây nhà mới khá khác biệt về nội dung. Tuy nhiên, đây không phải là chương trình khác biệt duy nhất.

Nấu ăn cũng là một trong những chương trình rất khác biệt. Masterchef, Ironchef được mua bản quyền từ chương trình truyền hình thực tế cùng tên cực kỳ nổi tiếng ở Anh và một số nước. Sau mùa giải đầu tiên của hai chương trình này tại Việt Nam, những đồn đoán về việc không chỉ Masterchef mà các phiên bản khác như Celebrity Masterchef (phiên bản nấu ăn dành cho người nổi tiếng mang tên Vua đầu bếp) và đặc biệt là Junior Masterchef (Vua đầu bếp nhí) đang được vài đơn vị ấp ủ ý định mua bản quyền sản xuất tại Việt Nam.

Chọn lối đi riêng này phải kể đến Công ty MCV, một trong những đơn vị sản xuất nhiều chương trình truyền hình thực tế nằm ngoài sở thích ca hát của đa số khán giả truyền hình Việt.

Thay vì thực hiện những chương trình thiên về ca hát, nhảy múa thì công ty này lại tập trung vào những chương trình về tình yêu, như Hành trình kết nối những trái tim (mua bản quyền từ chương trình Ainori The love bus của Đài Truyền hình Fuji Nhật Bản), Kế hoạch gia đình hạnh phúc (mua bản quyền của chương trình Happy family plan của Đài Truyền hình TBS Nhật Bản), chương trình Vợ chồng son cũng mua bản quyền từ Nhật Bản, dành cho những cặp vợ chồng trẻ vừa mới cưới từ 6 tháng đến 5 năm, chưa có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống gia đình, đang ở giai đoạn gặp nhiều khó khăn trong sự làm quen để hòa hợp về lối sống, tính cách...

Khó thành công

Tạo nên một dòng chảy ngược với xu hướng truyền hình thực tế thiên về giải trí đang bùng nổ, các công ty đang đánh cược với chính mình. Tất nhiên, sự “liều lĩnh” này luôn được khảo sát trên những thành công có thật của các chương trình truyền hình thực tế gốc ở nước ngoài. Thế nhưng, phiên bản Việt ra mắt cũng với cách thức và kịch bản giống hệt như Masterchef phiên bản gốc nhưng không mấy thành công về chỉ số người xem như chương trình gốc từng có.

Cùng xây nhà mới tự hạn chế đối tượng dự thi là những cặp vợ chồng. Khi lên sóng, người mang lại doanh thu cho chương trình chính là khán giả. Chính vì vậy, nếu thí sinh không thật xuất sắc, chắc hẳn chương trình cũng nhanh chóng bị lãng quên. Gần đây, khi The Apprentice Asia - Người tập sự phiên bản châu Á, truyền hình thực tế tìm kiếm người dẫn đầu châu Á trong việc tiếp thị và kinh doanh để giành lấy công việc trong mơ của mình, phát sóng trên kênh truyền hình Let’s Viet, nhiều đơn vị cũng nhăm nhe làm một chương trình phiên bản Việt. Nhưng giống như The Appartment, người chiến thắng của chương trình là người vừa có năng lực vừa có bản lĩnh.

Những chương trình truyền hình thực tế dạng này  ở Việt Nam khó tạo sức hút vì người chơi thường ít có năng lực và bản lĩnh, còn đơn vị sản xuất lại không có điều kiện để tạo nên một cuộc tranh tài thực sự khắc nghiệt đủ sức thử thách thí sinh và tạo gay cấn, hấp dẫn cho khán giả. Đó là lý do truyền hình thực tế ở Việt Nam vẫn chỉ ăn khách ở những chương trình giải trí, đặc biệt là ca hát.

Theo NLĐ