"Tôi biết, tôi có quen với bà Cầu nhiều lắm. Không phải chỉ có một mình bà Hà Thị Cầu, còn cả hai ba chục, có khi cả trăm nghệ nhân đang sống vất vơ vất vưởng không ai biết. Trong các bộ môn đều vậy đó" - GS Trần Văn Khê nói.
Trần Lập khi ở bên kia bức tường
Lang thang trên mạng, người mê nhạc dễ dàng tìm thấy những clip ca nhạc, những bài viết của giáo sư Trần Văn Khê. Ông say mê âm nhạc Việt đến độ nồng nàn máu thịt. Khi thì ông tự hát một điệu dân ca Nam Bộ, khi thì ông ngẫu hứng với Nguyên Lê - bậc thầy Jazz/world music gốc Việt, dùng chất liệu âm nhạc Việt... Nơi nào ông có mặt là có âm nhạc Việt Nam; nơi nào có âm nhạc Việt Nam - nơi đó ông sẽ đến.
93 tuổi, giáo sư Trần Văn Khê tự đọc
hết gần 1000 trang hồi kí của mình để xuất bản được tập audiobook - sách
nói, bên cạnh việc tái bản có bổ sung 2 tập Hồi kí Trần Văn Khê. Không
còn nghe tinh như thuở nào, nhưng giọng đọc ông thì sang sảng, vang, đầy
nội lực, chất chứa cả xúc động, đau đớn khi nhắc về cái chết của người
mẹ năm nào.
Giáo sư dành cho VietNamNet một cuộc trò chuyện.
GS Trần Văn Khê và nhạc sĩ Phạm Duy khi còn sống.
"Còn nhiều nghệ nhân như bà Hà Thị Cầu"
Đến giờ này khi vừa qua sinh nhật tuổi 92, giọng giáo sư vẫn rất khỏe, đẹp và vang. Làm sao để có thể có một nội lực như vậy?
- Thứ nhất muốn có nội lực đó phải có một tinh thần
lạc quan, lúc nào cũng nghĩ mình phải thắng mình, mình phải thắng tuổi
già. Thứ hai là phải luyện tập. Thuở nhỏ tôi luyện Thiếu Lâm, võ Bình
Định, tập thở khí công. Mấy năm nay vẫn còn tập thở khí công. Khi tôi
nói chuyện là hơi từ đan điền đẩy lên mà nói, chứ không phải phát ra từ
lồng ngực.
Đã bôn ba rất nhiều nước, vì sao âm nhạc Việt Nam cứ mãi theo ông, đau đáu trong 55 năm trời ở xứ người như vậy?
-
Tôi sinh ra trong một gia đình có 4 đời là nhạc sĩ. Từ ông cố, ông nội,
cha, đến đời tôi đều là nhạc sĩ hết. Lớn lên, tôi biết nói là biết hát,
biết chơi là biết đờn. Trong lúc khó khăn của cuộc đời, âm nhạc dân tộc
đã cứu tôi sống được, cho tôi danh dự. Tôi đi thi và lấy được giải
thưởng đầu tiên năm 1949 ở Budapest (Giải thưởng nhạc cụ dân tộc tại
Liên hoan Thanh niên Budapest).
Từ trong gia đình, truyền thống dân tộc đã góp lại,
tích lũy lại trong tôi bao nhiêu, để từ đó mà nhân lên, thấy được những
cái hay, cái tốt, cái sâu sắc của đất nước đưa lại cho quốc tế. Nên với
tôi, âm nhạc là mật thiết, liên quan như máu với thịt, như xác với hồn.
Sinh ra ở mảnh đất Phương Nam, ông rất gắn bó với âm nhạc Nam Bộ, thế còn âm nhạc Bắc và Trung Bộ thì sao?
-
Đối với tôi, phương Nam chỉ là một góc trời của đất nước Việt Nam. Đất
nước Việt Nam có cả miền Trung, miền Bắc. Với tôi, âm nhạc Việt Nam
không phải chỉ là âm nhạc miền Nam, miền Trung hay miền Bắc, mà ở khắp
cả đất nước - nơi chỗ nào cũng là người Việt.
Từ năm 1976 đến năm 1986, trong 10 năm, cùng với Lưu
Hữu Phước tôi đi khắp các vùng trên đất nước, để gặp gỡ, ghi chép lại
tất cả những nét đặc thù, những điều đã nghe, đã thấy.
Mỗi một vùng có một nét đặc biệt, tùy theo ngôn ngữ, theo phong tục
truyền thống, nếp sống của họ. Thành ra mình phải giữ lấy cái nét đặc
thù đó chứ đừng để mất vì mải nhìn ra những thứ khác. Một vườn âm nhạc
phải đầy hoa thơm cỏ lạ, thứ này thứ kia phải khác nhau, chứ cùng một
thứ hoa thì sao có được sự phong phú. Ta cứ giữ được nét nhạc như thế là
một cái tốt.
Giữ bằng cách nào thưa ông? Bằng ghi âm hay sách ghi chép, giải thích?
-
Không. Giữ bằng âm thanh hay ghi chép mà bỏ trong bảo tàng, viện, chỉ
là một cách để bảo vệ. Mà đó là bảo vệ tiêu cực. Bảo vệ tích cực là bảo
vệ trong lòng người, tức là phải làm cho người nghệ nhân sống được với
âm nhạc, người thương âm nhạc sống được với âm nhạc. Âm nhạc có một chức
năng trong xã hội chứ không phải là một món đồ để ghi âm, để tàng trữ,
coi như một món đồ cổ chịu sự tàn phá của thời gian, là bụi của thời
gian.
GS Trần Văn Khê "Tôi biết và có quen với bà Cầu nhiều lắm."
Đầu năm nay khi nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu mất, mọi người mới biết bà sống rất cực khổ, nghèo túng, thưa giáo sư.
- Tôi biết, tôi có quen với bà Cầu nhiều lắm.
Chuyện đó không phải chỉ có một mình bà Hà Thị Cầu, còn cả hai ba chục,
có khi cả trăm nghệ nhân đang sống vất vơ vất vưởng không ai biết. Trong
các bộ môn đều vậy đó.
Đất nước Việt Nam không may gặp thời kì đô hộ Pháp,
sau đó là thời kì chiến tranh, sau chiến tranh lại lo sống có cơm ăn cái
mặc, lo chuyện kinh tế. Nó chèn lấp cả cái văn hóa.
Để giải quyết chuyện đó như thế nào? Bây giờ con phải lên mạng coi lại,
kiếm bài "Căn bệnh mãn tính của âm nhạc truyền thống Việt Nam" trên
Google. Có hai chục nơi người ta đăng bài đó, nói dài tới ba chục chương
về việc tại sao âm nhạc Việt Nam bị bỏ rơi? làm sao để âm nhạc Việt Nam
trở lại?
"Con người đi qua cuộc đời để lại kinh nghiệm sống"
Những
nước phương Đông khác như Nhật Bản hay Trung Quốc họ đưa âm nhạc dân
tộc hay nghệ thuật truyền thống như kịch Nô, kinh kịch lên màn ảnh, vào
các tác phẩm điện ảnh, cho nó giao lưu, kết nối với các loại hình nghệ
thuật khác, phổ biến nó, nên thế giới biết đến âm nhạc của họ. Ta có nên
làm thế?
- Tôi có nghiên cứu mấy cái đó. Cái cách họ phổ biến
như vậy mình phải học hỏi, thanh niên phải kiếm người biết để học hỏi,
chính quyền phải đem âm nhạc vào học đường... Mỗi một nước có cái đặc
biệt, khác nhau. Và âm nhạc, nghệ thuật của ta hay không thua nước nào
trên thế giới.
GS Trần Văn Khê bên tập hồi kí "Người truyền lửa"
Giáo
sư đã đi qua nhiều năm tháng hơn những người khác. Xin phép hỏi giáo
sư, một người đi qua những năm tháng của cuộc đời, anh ta để lại cái gì?
- Để lại kinh nghiệm. Tôi để lại tất cả kinh nghiệm
của tôi, công sức của tôi viết, hồi kí của tôi, những bài viết trên mạng
bằng tiếng Việt, bằng tiếng Pháp, nói lại những tư tưởng, những nhận
xét của mình.
Và giáo sư đã thu nhận lại điều gì từ cuộc đời?
-
Thu nhận được những đặc điểm, đặc thù, những cái hay, những điều sâu
sắc, những cái tế nhị, những cái mà người ta không ai biết tới.
Xin cảm ơn giáo sư Trần Văn Khê!
Hồ Hương Giang