- Nhạc sĩ Dương Thụ, Giám đốc nghệ thuật chương trình hòa nhạc Điều Còn Mãi do VietNamNet tổ chức thường niên, chia sẻ câu chuyện về lựa chọn những giá trị âm nhạc xứng đáng được tôn vinh.

{keywords}
Nhạc sĩ Dương Thụ cùng các ca sĩ Nguyên Thảo, Hồng Nhung, Mỹ Linh trong một chương trình "Điều Còn Mãi".

Chọn những giá trị vượt thời gian

- Thưa ông, trong vai trò là Giám đốc nghệ thuật của Điều Còn Mãi, ông có thể cho biết đôi nét về cách lựa chọn tác phẩm ?

Hòa nhạc VietNamNet Điều còn mãi là một concert chứ không phải một show diễn giải trí. Các tác phẩm được lựa chọn vào chương trình phải đóng góp cho việc giúp người nghe hình dung ra lịch sử âm nhạc của người Việt ở thượng tầng và đóng góp cho việc thống nhất văn hóa. Nó phải có tính chất chọn lọc và tiêu biểu (theo cách hiểu của thế hệ tôi).

Tất nhiên có nhiều cách hiểu về những giá trị này nên Hòa nhạc Điều Còn Mãi cũng chỉ là “một góc nhìn” dù nó có nghiêm túc đến đâu. Chúng ta quen tư duy theo kiểu một chiều, không quen lắng nghe và chấp nhận nhau nên gây ra nhiều đố kỵ. Do đó việc lựa chọn này ở trong một tình thế khó khăn đấy. Cách đây 29 năm tôi đã từng là Tổng đạo diễn và là người biên tập chương trình “Nửa thế kỷ Bài hát Việt Nam”, một chương trình quy mô lớn và cũng “rắc rối lớn” nên tôi rất hiểu điều này.

- Nhạc mục của những chương trình Điều Còn Mãi thường mang lại cảm giác là lạ lẫm thân quen cho khán giả. Trong lựa chọn của mình, ông chú trọng những tác phẩm mang tính phát hiện hay những tác phẩm đã nổi tiếng nay xứng đáng được nhìn nhận lại như một giá trị?

Chú trọng cả hai nhưng ưu tiên cho những tác phẩm mà giá trị đã được khẳng định qua thời gian. Còn sự nổi tiếng cũng có “ba bẩy đường”, không phải sự nổi tiếng nào cũng bao hàm giá trị nghệ thuật đỉnh cao. Trong việc lựa chọn, với riêng tôi, nổi tiếng chưa phải là một tiêu chuẩn có tính chất mặc định.

- Để việc giới thiệu tác phẩm được trọn vẹn, theo ông, Điều còn mãi có cần thêm phần dẫn chuyện cho thấy giá trị nghệ thuật khiến tác phẩm xứng đáng được tôn vinh?

Vẫn có người đọc lời dẫn trước mỗi tiết mục đấy chứ, nhưng người đọc đứng trong cánh gà chắc bạn không để ý. Điều Còn Mãi cố gắng theo chuẩn mực của một concert thính phòng giao hưởng nên việc xuất hiện của MC là không cần thiết.

Nghịch lý: văn hóa trở thành chuyện làm ăn

- Nếu nhìn Điều Còn Mãi như một “phép thử” cho lực lượng các nghệ sĩ ở cả thanh nhạc lẫn khí nhạc có thể trình diễn những tác phẩm đỉnh cao trong gia tài nhạc Việt, thì có phải lực lượng này đang quá mỏng khi chương trình tiếp tục phải cần tới những cái tên rất quen thuộc trong những lần tổ chức trước? Có yếu tố nào mới về mặt lực lượng trong chương trình năm nay?

Đỉnh khác với đáy. Đáy rộng, lên tới đỉnh thì thu hẹp lại. Người tài ở mức đỉnh cao là rất hiếm, nên lực lượng mỏng là đương nhiên. Nếu chưa có người thay thế thì việc họ tiếp tục có mặt trong chương trình cũng là đương nhiên. Chúng ta đi nghe nhạc không phải là để đi xem các tên tuổi như trong các show giải trí.

Chất lượng nghệ thuật phải đặt lên hàng đầu. Tôi vẫn rất chăm đi nghe các concert cả ở Hà Nội và TP.HCM để tìm ra những tài năng thích ứng cho chương trình. Nghệ thuật có quy luật đào thải. Và những nhân tài mới sẽ xuất hiện. Bạn không nên lo lắng nhiều.

Năm nay Hòa nhạc VietNamNet Điều Còn Mãi sẽ giới thiệu hai nghệ sĩ độc tấu thuộc diện tài năng trẻ đặc biệt mà ta thường gọi là thần đồng: Đỗ Hoàng Linh Chi (Piano) và Đỗ Phương Nhi (Violon). Về Thanh nhạc, những yếu tố mới là Tùng Dương, Duyên Huyền (Soprano) và Đức Tuấn.

- Trong sinh hoạt nhạc Việt hiện có khá nhiều giải thưởng vinh danh những giá trị đang được đám đông ưa thích. Nhưng việc gọi tên và tôn vinh những giá trị vượt thời gian của nhạc Việt đang gần như là một khoảng trống, ngoài nỗ lực của Điều Còn Mãi với một buổi hòa nhạc duy nhất vào ngày 2/9 hàng năm. Nhạc sĩ có nhận thấy đây là điều nghịch lý?

Mấy chục năm nay, tôi chỉ biết làm những gì tôi yêu thích, làm một cách chủ động. Tôi yêu âm nhạc Việt Nam và muốn làm một cái gì cho nó. Còn việc tổ chức tôn vinh những giá trị bạn gọi là “Vượt thời gian” phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện về tổ chức và tiền bạc. 19 năm trước không có Hội nhạc sĩ và một hãng nước ngọt thì không thể làm “Nửa thế kỷ bài hát”, và bây giờ không có VietNamNet và tiền tài trợ của doanh nhân thì chẳng thể làm được “Điều Còn Mãi”. 

Còn cái khoảng trống mà bạn nói là có thật. Trong một xã hội thụ động, mọi người bấu víu vào cơ chế xin cho, làm văn hóa trở thành chuyện làm ăn, làm tiền thì nghịch lý phải xảy ra. Tôi không ngạc nhiên về điều này.

Xin cảm ơn ông!

Minh Chánh thực hiện

Hòa nhạc Điều còn mãi 2013 vào 14h chiều ngày 2/9 sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV1 và truyền hình ANTV, truyền hình Nghệ An sẽ nối sóng của VTV truyền hình trực tiếp chương trình. Ngoài ra Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ phát trực tiếp chương trình trên kênh FM Đài Tiếng nói Việt Nam. Trân trọng cảm ơn Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (nhà tài trợ Vàng), Tổng Công ty Rượu bia nước giải khát Sài gòn - Sabeco (Nhà tài trợ Đồng), Công ty Cổ phần Truyền thông VMG (Đồng tài trợ) và café Trung Nguyên số 3 Ngô Quyền Hà Nội. Đơn vị hỗ trợ kinh phí tổ chức: Công ty Cổ phần Truyền thông VietNamNet (VIETNAMNET JSC).