Âm nhạc của Điều còn mãi là sự kết hợp của à ơi, của chiều rộng và tình yêu trong nhạc Việt với cái chiều dài, tính logic và chiều sâu của âm nhạc Tây phương.

Quốc Trung: Bố tôi không thể hiểu và đồng cảm với The Voice  

Hòa nhạc Điều còn mãi 2013 vào 14h chiều ngày 2/9 sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV1 và truyền hình ANTV, truyền hình Nghệ An sẽ nối sóng của VTV truyền hình trực tiếp chương trình. Ngoài ra Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ phát trực tiếp chương trình trên kênh FM Đài Tiếng nói Việt Nam.

Mới đây, trong cuộc trò chuyện với GS Trần Văn Khê, ông có nhắc đến một ý thừa nhận sự sai lầm trong nghiên cứu của mình. "Trước đây tôi cứ nghĩ âm nhạc phương Tây động và mở, âm nhạc phương Đông tĩnh và đóng. Sau này tôi biết là mình sai. Phải là ngược lại".

Ông không nói sâu thêm về các đặc tính liên quan đến việc mở và đóng, tĩnh và động, nhưng nghĩ về âm nhạc Việt Nam, người ta có thể thấy một sự chuyển động thân tình, gần gũi và cũng đầy sự phiêu lưu của óc tưởng tượng; như những câu hát ả đào, điệu lý, hò lơi, lúng liếng, chất dân ca Bắc - Nam - Trung Bộ... 

{keywords}

Ca sĩ Mỹ Linh - giọng ca thường xuyên của Điều còn mãi.

Không xây dựng một cấu trúc thượng tầng theo kiểu âm nhạc phương Tây, âm nhạc truyền thống Việt Nam là sự liên kết của gia đình, làng xóm, tình yêu đôi lứa, cuộc sống thường ngày... Nó đẹp theo một cách riêng đặc biệt, thân thương. Ngẫm ra điều đó để yêu nhạc Việt, yêu dấu thanh, dấu ngã, yêu tính tự tình của nhạc Việt.

Vì thế mà nhiều người yêu nhạc (kể cả yêu nhạc cổ điển phương Tây) sẽ mong được nghe Điều còn mãi. Đó là sự kết hợp của à ơi, của chiều rộng và tình yêu trong nhạc Việt với cái chiều dài, tính logic và chiều sâu của âm nhạc Tây phương. Vẫn là giai điệu Việt, ngôn ngữ Việt, nhưng được biểu diễn với hệ thống nhạc cụ rộng lớn và phong phú, có cao độ, trường độ, âm sắc đa dạng của dàn giao hưởng.

Gần đây người ta xôn xao với sự bung nở của Giai điệu mùa thu từ một concert có khái niệm và hướng đi rõ ràng thành một festival cổ điển đầu tiên mà Tp.HCM có được, rồi Luala Concert mùa 2013 rất thành công với sự đa dạng của âm nhạc dân gian/đương đại Việt Nam.

Cùng với Điều còn mãi, các chương trình này đều theo đuổi một mục tiêu duy nhất: tôn vinh âm nhạc Việt Nam, nghệ thuật đỉnh cao và những tài năng người Việt. Và mỗi chương trình lại mang cho mình một màu sắc riêng tư. Giai điệu mùa thu muốn làm đa dạng nhất, có yếu tố nước ngoài, đương đại, nghệ thuật ngoài âm nhạc(múa, hội họa) - Luala Concert có "đặc sản" đương đại - "Điều còn mãi" thuần chất nhạc Việt, người Việt, dẫn một sợi chỉ xuyên suốt từ quá khứ.

{keywords}

Nguyên Thảo từng gây ấn tượng tại Điều còn mãi.

Nhạc sĩ Dương Thụ nói về nhạc mục được cân nhắc kỹ trong concert năm nay của "Điều còn mãi":

"Về khí nhạc chúng ta sẽ được nghe 2 chương trong tổ khúc giao hưởng Kơ-nhi viết cho ballet của nhạc sĩ Văn Ký viết từ thời ông còn đi tu nghiệp ở Cộng hòa dân chủ Đức (thập niên 70), tác phẩm đã được trình diễn tại Kazacstan-1970, CHDC Đức-1972, Nga-1984 với các Dàn nhạc giao hưởng quốc gia của nước họ; 2 chương trong tổ khúc Tiếng hát sông Hương viết cho Cello và Dàn nhạc giao hưởng của nhạc sĩ Hoàng Dương, một bậc thầy về Cello và viết cho dàn dây của Việt Nam; Bản Concertino cho Piano và Dàn nhạc giao hưởng của nhạc sĩ Ca Lê Thuần, một nhạc sĩ đàn anh sắp bước sang tuổi 80 nhưng vẫn còn viết rất khỏe. Còn lại là tác phẩm của ba người thuộc thế hệ kế cận

Ngẫu hứng Phố là một sự tìm tòi khi kết hợp giữa nhóm các nhạc cụ thuộc bộ gỗ, bộ đồng và bộ gõ của dàn nhạc giao hưởng với kèn trong Tuồng truyền thống, ca nương, đàn đáy, sênh phách ca trù của nhạc sĩ Trọng Đài.

Nhạc phim Cánh đồng bất tận viết cho dàn dây khá hấp dẫn của nhạc sĩ Quốc Trung và một chuyển thể dân ca (Xe chỉ luồn kim) cho dàn nhạc giao hưởng của một tài năng trẻ về khí nhạc Trần Mạnh Hùng, tác phẩm viết rất thanh thoát, bộc lộ được vẻ đẹp tuyệt mỹ của giai điệu dân ca Việt Nam...

Về thanh nhạc, có 7 bài hát được lựa chọn: Hòn vọng phu (sáng tác vào khoảng giữa thập niên 40) của nhạc sĩ Lê Thương, bản trường ca đầu tiên theo lối kể chuyện trong kho tàng nhạc Việt viết theo kiểu Tây Phương song rất gần gũi với dân ca và cổ nhạc.

Bên kia sông Đuống, thơ của thi sĩ Hoàng Cầm, nhạc sĩ Hồ Bắc phổ nhạc vào năm 1950. Hai tâm hồn đồng điệu của hai kẻ đồng hương (hai ông đều quê ở Bắc Ninh, Hồ Bắc ở Từ Sơn, Hoàng Cầm ở Thuận Thành) đã tạo thành một nhạc phẩm trữ tình thuộc loại hay nhất của thời kháng chiến chống Pháp;

Tiếng đàn bầu thơ Lữ Giang, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc phổ nhạc, rất phóng khoáng với giai điệu uốn lượn mềm mại như tiếng đàn bầu, một bài hát độc đáo hiếm có của thời kháng chiến Chống Mỹ; Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người của nhạc sĩ Trần Kiết Tường một đỉnh cao của nền âm nhạc CM, choáng ngợp và thành kính.

Nửa hồn thương đau, thơ Thanh Tâm Tuyền, người phổ nhạc là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, người được coi là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc tiền chiến thuộc khuynh hướng lãng mạn....”"

Như thế, âm nhạc Việt Nam vẫn đang chuyển mình, sống động, cũng như những điều tốt đẹp, tính trữ tình, thân ái vẫn lẩn khuất trong lòng người Việt Nam. Có điều, bạn có lắng nghe nó hay không trong thời ồn ã?

Hồ Hương Giang

Trân trọng cảm ơn Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (nhà tài trợ Vàng), Tổng Công ty Rượu bia nước giải khát Sài gòn - Sabeco (Nhà tài trợ Đồng), Công ty Cổ phần Truyền thông VMG (Đồng tài trợ) và café Trung Nguyên số 3 Ngô Quyền Hà Nội. Đơn vị hỗ trợ kinh phí tổ chức: Công ty Cổ phần Truyền thông VietNamNet (VIETNAMNET JSC).