Sử dụng công nghệ 3D để đưa các triển lãm chuyên đề lên mạng song hành cũng các hiện vật bày ở bảo tàng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang cố gắng đưa các hiện vật có giá trị ở Việt Nam tới gần hơn với công chúng.
Công nghệ 3D cho người xem quan sát tỉ mỉ đến cả những vết rạn trên hiện vật. |
Ở nhiều nước trên thế giới, bảo tàng thường là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch, đặc biệt là với các tour trong thành phố. Ở Việt Nam, hầu hết các bảo tàng vẫn mặc định mình là nơi chỉ để lưu trữ và trưng bày các hiện vật lịch sử, văn hóa và chưa thực sự là những bảo tàng “sống”.
Cả nước có khoảng 120 bảo tàng lớn nhỏ nhưng hầu hết đều vắng khách. Do vậy đổi mới cách trưng bày để hút khách đang là bài toán đặt ra cho nhiều bảo tàng.
Mới đây, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã sử dụng công nghệ 3D để xây dựng bảo tàng ảo. Khu trưng bày Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam và Đèn cổ Việt Nam là hai chuyên đề đầu tiên được thực hiện số hóa 3D trong dự án tổng thể xây dựng Bảo tàng ảo tương tác 3D cho toàn bộ Bảo tàng lịch sử Quốc gia.
Với hai chuyên đề trưng bày đầu tiên này, khi người dùng kích hoạt vào địa chỉ đã được hướng dẫn sẽ hoàn toàn tự do “tham quan” và thưởng ngoạn gần 150 hiện vật hiện đang được giới thiệu trong chuyên đề với sự trợ giúp của hướng dẫn viên ảo.
Ngoài ra, người dùng còn được bổ sung những thông tin cô đọng, súc tích về nguồn gốc, xuất xứ, niên đại… của từng hiện vật; những bài nghiên cứu, những đoạn video clip… minh họa sinh động cho phần trưng bày 3D mà ở phần trưng bày thực tại chưa đáp ứng được.
Những công nghệ xử lý hiện đại nhất cho phép bạn xem xét kỹ lưỡng từng chi tiết của những cổ vật tuyệt đẹp, cảm nhận từng vết rạn, thậm chí phát hiện những chi tiết vô cùng tinh tế mà nếu thưởng thức tại bảo tàng thực với tâm thế một khách tham quan đơn thuần sẽ không dễ được trải nghiệm.
Không gian Phật giáo Việt Nam được tái hiện đầy đủ qua bảo tàng ảo. |
TS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, tiến tới lãnh đạo bảo tàng cố gắng làm nhiều chuyên đề hơn nữa để có thể giới thiệu nhiều bộ sưu tập tới người dân, nhất là những người không có thời gian tới thăm quan bảo tàng.
Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi nghi ngại việc nếu làm quá chi tiết và làm hết các bộ sưu tập thì e rằng, người dân sẽ chỉ ngồi nhà xem và như thế bảo tàng đã vắng khách lại càng vắng khách hơn và lấy đâu kinh phú để bù cho chi phí làm bảo tàng ảo?
Ông Cường rất lạc quan cho rằng thế giới đã làm mô hình này rồi và rất thành công. Thật ảo song hành hỗ trợ lẫn nhau chứ không có chuyện triệt tiêu nhau. Có thể khi xem bảo tàng ảo, vì tính mò mò người dân sẽ đến bảo tàng thật xem và không phải hiện vật nào cũng có thể khiến người xe "đã mắt" nếu không xem hình ảnh thật.
Theo ông Cường, điều khó khăn nhất của bảo tàng ảo là phải chọn được chuyên đề đặc sắc, có đầy đủ tài liệu. "Thời gian để có một chuyên đề ảo như Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam và Đèn cổ Việt Nam hoàn thành tốt đẹp như hiện nay, đội ngũ nhân viên bảo tàng cũng các chuyên gia phải làm việc cả năm trời. Kinh phí không lớn lắm nhưng mất rất nhiều công sức, điều quan trọng là giới thiệu được nhiều hiện vật có giá trị của Việt Nam tới người dân. Thêm nữa có những chuyên đề rất hay nhưng chỉ trưng bày trong vài tháng, trong khi đó nhiều người vì bận công việc không có thời gian tới bảo tàng xem được thì họ có thể xem lại thông qua bảo tàng ảo", ông Cường nói.
Thực ra công nghệ này cũng không mới mẻ, các nước trên thế giới đã làm từ lâu và cũng đã thành công. Tuy nhiên, điều đáng nói rằng với động thái này có thể thấy bảo tàng Việt Nam đã cố gắng chuyển mình để có thể bắt kịp thời đại và hút được người xem.
Suốt một thời gian dài, nhiều bảo tàng loay hoay đi tìm nguyên nhân vì sao giới trẻ quay lưng với họ mà quên đi việc tìm cách thay đổi phương thức hoạt động và trưng bày của bảo tàng. Mới đây, việc 3 bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Dân tộc học và Phụ nữ lọt top 25 bảo tàng hấp dẫn nhất Châu Á cũng là sự ghi nhận đáng chú ý về sự thay đổi phương thức hoạt động vốn trì trệ của bảo tàng lâu nay.
T. Lê