- Sao mai Hồng Quân cho biết hàng ngày cô phải rèn luyện thể lực rất nhiều, ngày nào cũng tập chạy 30 phút và chơi thể thao trong vòng 2 tiếng và luyện thanh trong khoảng 1 tiếng.

Sao Mai 2013: Sự lên ngôi của các giọng ca nữ

Mẹ là người thầy đầu tiên

Con đường đến với âm nhạc của bạn bắt đầu như thế nào?

Mẹ em vốn là giảng viên thanh nhạc của nhạc viện TP.HCM. Mẹ từng là học trò của GS NGND Lô Thanh - thầy của rất nhiều ca sĩ nổi tiếng như Quang Thọ, Ánh Tuyết.... Từ nhỏ em đã hay xem mẹ dạy các học sinh, rồi mẹ thấy có tố chất mẹ uốn nắn em từ từ, thậm chí mẹ còn dẫn đi biểu diễn ở nhiều nơi để quen sân khấu. Đến năm 15 tuổi rưỡi em thi đậu vào nhạc viện thành phố và em chính thức được mẹ truyền dạy những kĩ thuật hát căn bản đầu tiên tại đây. Năm 17 tuổi em thi đậu được học bổng sang Pháp học về thanh nhạc tại Nhạc Viện Lyon và được nhà nước tài trợ.

{keywords}

Các thầy tại đây khen em may mắn có một “nhạc cụ” bẩm sinh rất tốt, giọng hát có âm sắc tươi sáng, nhẹ nhàng, thêm nữa là em có khả năng tiếp thu nhanh. Em sang Pháp năm 17 tuổi, xem mình như bắt đầu học lại từ vỡ lòng, nhưng các thầy cũng nói rằng, người thầy đầu tiên của em đã rèn luyện em rất đúng phương pháp. Đó chính là mẹ em.

Bạn có thần tượng âm nhạc nào để noi gương không?

Một số người em có thể kể tên, Montserrat Caballé, Kiri te Kanawa, Natalie Dessay... Em thích Dessay, chị ấy xử lý tinh tế và kĩ thuật vô cùng hoàn hảo. Nhưng quan trọng hơn là chị ấy biết truyền cái cảm xúc và tâm hồn của mình vào mỗi tác phẩm dù sau nhiều năm với kiểu hát phá giọng như vậy. Giọng chị ấy bây giờ đã không còn được ổn định như trước. Te Kanawa có giọng hát trữ tình mềm mại, em rất thích. Có lẽ nội tâm của bà ấy rất đẹp và nó thể hiện qua giọng hát của bà ấy. Vâng, giọng hát phản chiếu chính tâm hồn của người ca sĩ, em nghĩ vậy. Còn Caballé, em thấy một sự chắc chắn, âm thanh rất chắc chắn, thậm chí hơn Dessay rất nhiều. Hơi thở của bà ấy cực kỳ tốt.

Bản thân em bây giờ cũng phải rèn luyện thể lực rất nhiều, em ngày nào cũng tập chạy 30 phút và chơi thể thao trong vòng 2 tiếng, trong khi thực tế em chỉ luyện thanh trong khoảng 1 tiếng thôi. Em tập rất nhiều về hơi thở, về vị trí âm thanh. Các thầy cô thì giúp em hoàn thiện thêm về kỹ thuật và đặc biệt là về phát âm, nhả chữ - đó là những điều mà em chú trọng chứ em không luyện thanh nhiều.

Vậy bạn có quan tâm đến các nghệ sỹ Việt Nam không?

Em rất thần tượng các nghệ sỹ thế hệ trước như NSND Lê Dung, Tường Vy,Thanh Huyền, NSUT Bích Liên… Em rất thích những bản thu âm của họ cho đài tiếng nói Việt Nam. Đó là những bản thu âm từ thời chiến tranh, em cảm thấy họ đã hát hết mình, họ bộc lộ tất cả tâm hồn của họ qua những ca khúc. Khi nghe những bản thu âm của nghệ sỹ Bích Liên, em hoàn toàn không còn chú tâm gì đến vấn đề kĩ thuật nữa, bà hát rất có hồn, rất lôi cuốn và xúc động. Nghệ sỹ Thanh Huyền thì cực kỳ tinh tế và khả năng nhả chữ tiếng Việt tuyệt vời. Em rất mong có dịp được gặp trực tiếp những nghệ sỹ ấy để tìm hiểu và học hỏi. Một thế hệ nghệ sỹ như vây khó có thể xuất hiện lại được nữa.

Bỏ ra 2000 Euro đặt vé cả năm tại nhà hát Opera quốc gia Pháp

{keywords}

Bạn được học ở Pháp, một trong những cường quốc thanh nhạc cổ điển hiện nay, có vẻ đó là một lợi thế rất lớn của bạn?

Trường phái thanh nhạc cổ điển Pháp lạ lắm, nó có một phong cách hát rất tinh tế khó diễn tả, chỉ cần nghe là có thể nhận ra. Em vẫn luôn cố gắng đến các nhà hát học hỏi và xem các nghệ sỹ biểu diễn nhạc cổ điển ở đây, tất nhiên không chỉ các nghệ sỹ thanh nhạc. Em khoe với anh nhé, em đã bỏ ra hơn 2000 Euro (hơn 50 triệu đồng) để đặt vé cả năm tại nhà hát Opera quốc gia Palais Garnier đấy. Em chỉ dám đặt vé hạng gà thôi, loại vé rẻ nhất, ngồi ở rất xa, nhưng thế cũng tốn một khoản tiền rất lớn đối với sinh viên như em rồi.

Dám bỏ một số tiền lớn như vậy chỉ để đi nghe nhạc, vậy cuộc sống du học sinh của bạn có vẻ cũng khá đầy đủ?

Không hề như anh tưởng tượng đâu. Khi mới sang Pháp em mới chỉ là một cô bé hơn 17 tuổi thôi, thực sự rất bỡ ngỡ. Bỡ ngỡ về con người, về ngôn ngữ, về rất nhiều thứ. Cuộc sống ở Pháp thì vô cùng đắt đỏ, học bổng cũng chỉ một phần thôi, mà gia đình em cũng không quá khá giả, em cũng muốn tự lập và không quá dựa dẫm vào gia đình. Ngay cả việc tìm phòng trọ thôi cũng rất khó khăn vì đâu phải ai cũng sẵn sàng chia phòng cùng mình, mình suốt ngày tập hát thì họ chịu làm sao được. Mà anh biết đấy, khi luyện thanh thì rất to và gây ồn. Đồ ăn lúc đầu em cũng không quen, có nhiều lúc đói không có gì mà ăn, có hôm em phải ăn tạm cả mì tôm đã hết đát để cầm hơi. Khi ốm đau thì cũng phải tự mình chăm sóc bản thân, không dám gọi điện về cho mẹ, sợ mẹ lo.

Như vậy, bạn có phải lo làm thêm để kiếm sống?

Em làm soát vé cho một rạp chiếu phim. Em còn sắp xếp được cả thời gian để tham gia sinh hoạt với cộng đồng người Việt và sinh viên ở Pháp nữa. Nhưng nói vậy, việc học của em còn rất dài, em mới học được 5 năm, mới đi được chưa đầy nửa quãng đường học đằng đẵng của mình, em còn phải cố gắng rất nhiều. Em muốn thi đậu vào những nhạc viện danh tiếng hơn, cải thiện được nhiều hơn về âm thanh giọng hát và kĩ thuật. Nếu may mắn, trong vài năm sắp tới, em có thể đủ trình độ để tự tiến cử mình tham gia một số các cuộc thi thanh nhạc cổ điển quốc tế. Trong quá trình ấy còn rất nhiều những khó khăn mà em cần phải vượt qua kể cả việc thu xếp về tài chính.

Bạn theo đuổi âm nhạc cổ điển khó khăn và vất vả như vậy, nhưng sự quan tâm của khán giả Việt Nam còn rất hạn chế, bạn có từng nghĩ đến điều đó và cảm thấy chán nản không?

Em biết điều đó, nhưng em phải tìm cách để đến với khán giả. Em không thể đổ thừa rằng nó là dòng nhạc quá kén người nghe, rằng họ không biết nghe nhạc. Em phải tìm cách khéo léo để nó gần gũi với khán giả hơn, để khán giả cảm thấy quen thuộc hơn một cách từ từ.

Khéo léo hơn? Liệu có phải là cách hát nhẹ nhàng mỏng manh như cách hát nhạc nhẹ không?

Không phải thế. Tất nhiên em có khả năng làm được điều đó, nó rất dễ với em, nhưng đó không phải là em. Lúc em dự thi, rất nhiều người khuyên em rằng em phải hát nhẹ đi, đừng hát quá nhiều chất thính phòng, khán giả sẽ không thích. Nhưng em vẫn quyết tâm theo cách của em. Và cuối cùng khán giả đã thực sự mang lại bất ngờ cho em. Ở vòng loại Sao Mai, em còn đạt giải được bình chọn cao nhất, dù em là người diễn cuối cùng và chỉ có 15 phút trước khi đóng tổng đài. Em tin rằng em đã kết nối thành công với khán giả. Họ hiểu được cảm xúc và nội tâm của em khi em hát.

{keywords}

Chúc bạn thành công trên con đường của mình!

Biển Đông