- Hướng đến đối tượng là những khán giả nhỏ tuổi, sân chơi giải trí trên truyền hình dành cho thiếu nhi vì thế cũng mang những tính chất nhạy cảm từ nội dung chương trình đến hình thức thể hiện. Đó cũng chính là mối lo ngại của các nhà đài khi đầu tư vào lĩnh vực truyền hình dành cho lứa tuổi thiếu nhi.
Thiếu tiền
Đó là thực trạng chung của rất nhiều chương trình truyền hình dành cho thiếu
nhi thời gian vừa qua. Không chỉ đến bây giờ, khi các nhu cầu giải trí cho những
khán giả nhỏ tuổi bùng phát mới nhìn thấy thực tế sự đầu tư cho truyền hình
thiếu nhi đang quá ít, mà ngay từ cách đây nhiều năm, thị trường truyền hình
dành cho những khán giả nhí vốn vẫn mang nhiều nét ảm đạm.
Trước đây, khi Đài truyền hình Việt Nam đang chiếm thế độc tôn thì những chương
trình giải trí dành cho thiếu nhi chủ yếu là những bộ phim truyền hình. Cũng đã
có một thời, nhiều bộ phim truyền hình thiếu nhi trở nên quen thuộc với khán giả
nhí như Đội đặc nhiệm nhà C21, Học trò thủy thần, Hoa của trời…, gần đây thì
cũng chỉ kể thêm được Kính vạn hoa, Đồng hồ cát.
Những gương mặt diễn viên nhí của bộ phim Đội đặc nhiệm nhà C21. |
Nhưng ngay cả những bộ phim nổi danh như Đội đặc nhiệm nhà C21 thì kịch bản được nhà biên kịch Lê Tấn Hiển phác họa trong 16 tập, đến lúc sản xuất cũng chỉ thực hiện được vẻn vẹn 5 tập. “Lý do thì có rất nhiều nhưng lý do lớn nhất để 11 tập phim còn lại vẫn bị “đắp chiếu” là do không có kinh phí”- Nhà biên kịch Tấn Hiển cho biết.
Đấy là mới chỉ nói đến các bộ phim truyền hình. Thực ra, đã từ rất lâu, các
chương trình dành cho thiếu nhi, dù là giải trí hay khoa giáo, dù là phim truyện
hay phim hoạt hình thì bài toán kinh phí và nguồn đầu tư vẫn là một câu hỏi khó
tìm thấy đáp án. Chưa kể đến xu thế thị trường hóa truyền hình hiện nay khiến
cho những chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi càng không có sự đầu tư
bởi phân khúc khán giả lứa tuổi thiếu nhi rất khó bán quảng cáo. Vì thế mà những
chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi vốn đã ít, nay lại càng ảm đạm hơn.
“Có đầu tư nhưng làm được không dễ”
Đó là ý kiến khẳng định của bà Đoàn Thị Hòa Bình (Giám đốc Kênh Kids & Family TV – VTC11), một trong những kênh truyền hình chuyên biệt dành cho thiếu nhi và gia đình. Bà Hòa Bình cho biết: “Chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi là một trong những lĩnh vực không phải chỉ cần có vốn đầu tư nhiều là có thể làm được. Đội ngũ sản xuất chương trình phải thực sự gần gũi và nắm bắt được các tâm lý của trẻ nhỏ thì chương trình mới có thể thành công, được các em nhỏ yêu thích”.
Làm sao để sản xuất những chương trình thu hút khán giả nhỏ tuổi? (ảnh chụp buổi ghi hình chương trình Những câu chuyện của cô tiên xanh – VTC11) |
Nhìn nhận vào thực tế, ngoài Kids & Family TV – VTC11, có thể kể đến một số kênh truyền hình trong nước có nội dung chuyên biệt dành cho thiếu nhi như Bibi TV – VCTV8, Sao TV, kênh HTV3, kênh SAM. Mỗi kênh hiện có rất nhiều chương trình trải khắp các khung giờ dành cho các khán giả nhỏ tuổi. Tuy nhiên, phần nhiều các chương trình như phim hoạt hình, gameshow đều được mua bản quyền từ nước ngoài. Còn lại những chương trình tự sản xuất, ngoài yếu tố kinh phí thì còn rất nhiều những khó khăn có thể nhìn thấy được.
Theo đánh giá của một đạo diễn ở Trung tâm sản xuất phim truyền hình VFC thì việc tìm nhân vật trong các chương trình, các bộ phim dành cho thiếu nhi cũng là một khó khăn lớn, “bởi việc ghi hình phải phụ thuộc rất nhiều vào lịch học tập của các em ở trường, mà những diễn viên nhí có khả năng diễn xuất tốt đâu có nhiều, vì vậy mới có tình trạng có chương trình đã lên sóng rồi bị chậm số, treo lịch ghi hình”.
Một buổi đi thực hành cấy lúa trong chương trình thực tế “Nào mình cùng đi” – một chương trình nhiều tính giáo dục của Kids&FamilyTV |
Một khó khăn lớn nữa trong quá trình sản xuất các chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi đó là phần nội dung. Với những chương trình dành cho khán giả nhỏ tuổi, nếu nhà sản xuất làm không chỉn chu thì rất dễ bị “soi” bởi ai cũng biết, ngoài yếu tố giải trí thì yếu tố giáo dục cũng là một trong những mục tiêu được đặt lên hàng đầu trong những chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Đoàn Thị Hòa Bình (Giám đốc Kênh Kids & Family TV – VTC11) cũng thẳng thắn thừa nhận: “Đúng là truyền hình dành cho thiếu nhi đang có quá nhiều nội dung và các quảng cáo không phù hợp”. “Để tăng hơn nữa tính giáo dục dành cho các khán giả nhỏ tuổi, trên phương diện một nhà sản xuất, sắp tới kênh Kids & Family cũng sẽ có những thay đổi phù hợp như tăng thêm thời lượng các chương trình khoa giáo bên cạnh giải trí, mở rộng đối tượng chương trình cho những bậc phụ huynh như ông, bà, bố, mẹ… có thể theo dõi để hiểu tâm lý của trẻ để nuôi dạy, giáo dục trẻ tốt hơn nữa” – bà Bình cho biết thêm.
Có lẽ, đã đến lúc những người làm chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi
cần nhìn nhận lại để có thể có những sự đầu tư đúng hướng hơn nữa, mang lại
những chương trình thực sự đặc sắc và bổ ích cho những khán giả nhỏ tuổi.
Thái Hoàng