Với Phạm Bằng, người bạn đời đã đồng cam cộng khổ suốt cả cuộc đời, còn sâu nặng hơn cả những ân tình.

Thời gian gần đây, không mấy khi hẹn mà gặp được NSƯT Phạm Bằng, hỏi ra mới biết ông phải bay ra bay vào liên tục giữa Sài Gòn và Hà Nội, bởi những căn bệnh tuổi già bắt đầu kéo đến, sức khỏe chẳng còn được như trước nữa. Đợt vừa rồi ông ở trong Sài Gòn khá lâu, ra Hà Nội được vài hôm lại chuẩn bị bay vào.

Thiếu đi bàn tay chăm sóc của người vợ đã hơn chục năm nay, mỗi lần đau ốm lại nhờ đến con cái, nhưng con chăm cha không bằng bà chăm ông, mà nhờ đến các con nhiều quá cũng ngại, nên NSƯT Phạm Bằng cứ lủi thủi một mình như thế trong căn nhà đơn sơ giản dị. Đến cả lúc đi chữa bệnh, ông cũng chẳng nói với ai, cứ lẳng lặng với lỉnh kỉnh đủ thứ thuốc men.

Trong câu chuyện nào của NSƯT Phạm Bằng cũng thấy ông nhắc đến người vợ đã quá cố của mình, mặc dù bà bỏ ông đi đã hơn chục năm, nhưng với Phạm Bằng, người bạn đời đã đồng cam cộng khổ suốt cả cuộc đời, còn sâu nặng hơn cả những ân tình.

NSƯT Phạm Bằng nhớ khi mẹ ông mai mỉa mình làm cái nghề xướng ca vô loài, là con hát đi mua vui cho thiên hạ và chưa một lần đến xem ông biểu diễn, vợ ông đã âm thầm đứng sau lưng, hy sinh tất cả để chồng theo đuổi con đường mà ông đã chọn lựa.

Bà xã là người chịu thương chịu khó, có lẽ cũng khó có người con dâu nào chiều được mẹ chồng khó tính như vợ ông, nên Phạm Bằng nói ông thương vợ, lúc nào cũng thương dáng vẻ hiền lành, có gì đó cam chịu và luôn dõi đôi mắt theo ông đầy lo lắng và yêu thương.

Thế nên dù đã đi xa lâu lắm rồi, nhưng trong căn nhà cổ kính của ông lúc nào cũng như còn hình bóng người vợ vẫn đâu đây, và ông thì, chẳng mấy câu chuyện không nhắc đến bà.

{keywords}

NSƯT Phạm Bằng, lúc nào cũng thương nhớ người vợ đã đi xa.

Nhớ cách đây khá lâu, dễ cũng phải đến nửa năm rồi, khách đến nhà hỏi quán bánh trôi tàu lục tào xá Phạm Bằng đều phải ra về, ông nói người phụ giúp công việc nấu và bán bánh cho gia đình suốt mấy chục năm nghỉ sinh em bé, một mình ông không đủ sức khỏe để bán, nên hẹn tháng 9 này quán mở lại thì khách qua.

Tháng 9 bắt đầu bằng những cơn mưa dầm dề và sụt sùi không dứt, cái lạnh đầu mùa đến sớm làm người ta thèm cái cảm giác cầm trên tay bát bánh trôi tàu nóng hổi, vừa co ro vừa xuýt xoa cảm nhận hương vị ấm dần trong lòng bàn tay. Qua 30 Hàng Giày, thấy người nghệ sỹ già chuẩn bị hành lý cho chuyến vào Sài Gòn sắp tới, Phạm Bằng nói có lẽ phải một thời gian nữa mới mở quán lại được.

Quán bánh trôi tàu của NSƯT Phạm Bằng chẳng to tát gì, chỉ là mấy cái ghế kê trên vỉa hè chật chội, nhưng ngon nổi tiếng đất Hà thành, và chẳng lúc nào ngớt khách.

Có những người đến lần đầu chỉ với mục đích xem mặt ông, ăn miếng bánh do người nghệ sỹ mà họ quen mặt trên truyền hình làm ra, nhưng miếng ngon nhớ lâu, họ lại đến những lần sau nữa, nên bánh trôi Phạm Bằng đã thành thương hiệu.

Nhớ cả mấy Việt kiều đi xa quê lâu năm, mỗi lần về Hà Nội lại tìm bằng được đến nhà ông, ăn miếng bánh đậm hương vị ẩm thực quê nhà, ngồi nói những câu chuyện xưa cũ nhưng đủ những dư vị ân tình.

NSƯT Phạm Bằng nhớ lại, ngày xưa, phố Hàng Giày chủ yếu là người Hoa sinh sống, thế nên không thiếu những hàng quán bán đồ ăn của tàu như lục tàu xá, chí mà phù, bánh bao xíu mại…

Vợ chồng ông lúc mới nảy ra ý định mở quán cũng hợp tác với một người Hoa để học tập kinh nghiệm và cả bí quyết để có được miếng bánh trôi ngon và đúng vị. Cũng mất một vài năm đầu loay hoay để tìm ra được bí quyết làm bánh trôi đặc biệt nhất, nên sau này quán trở nên nức tiếng khắp Hà thành, mặc dù bày biện đơn giản, đơn sơ, chẳng cửa hàng cửa hiệu lớn gì.

Nhiều người cứ thắc mắc, hơn 80 tuổi, ở cái tuổi gần đất xa trời rồi, còn đích thân bán hàng làm gì cho cực khổ? Nhưng với NSƯT Phạm Bằng, quán bánh trôi tàu đó không chỉ đơn thuần là nơi kiếm tiền, mà nó còn nhắc ông nhớ nhờ có quán bánh nhỏ bé do một tay người vợ quán xuyến ấy, mà ông mới có thể theo đuổi con đường nghệ thuật suốt cả cuộc đời.

‘Trong những năm tháng khó khăn tưởng như người ta phải bỏ nghề vì miếng cơm manh áo, thì tôi vẫn kiên quyết bám trụ đến cùng, bởi có bà vợ tôi cùng quán bánh trôi ấy lo lắng việc kinh tế gia đình.

Bà vợ tôi đã tạo mọi điều kiện để tôi hoàn thành những vai diễn của mình, và đến hôm nay có đôi chút tiếng tăm.’

Thê nên không bao giờ NSƯT Phạm Bằng nỡ phụ quán bánh trôi, vẫn cần mẫn với cửa hàng nhỏ của mình. Tự tay ông cùng người phụ nữ đã giúp việc cho gia đình 20 năm nay làm tất cả mọi việc, từ chọn gạo đến lọc bột, làm nhân, rồi bưng bê cho khách.

Có lẽ niềm vui tuổi già cũng giản dị, là được làm ra miếng bánh quen thuộc, nói dăm ba câu chuyện với khách, trẻ có, già có, những câu chuyện về mấy chục năm làm nghề dưới ánh đèn sân khấu hay cả những câu chuyện không đầu không cuối bâng quơ về cái lạnh đến sớm của Hà Nội.

{keywords} 

NSƯT Phạm Bằng nhớ người vợ sâu nặng hơn cả ân tình

Gần cả cuộc đời làm nghệ thuật, đến khi về già vẫn mang tiếng cười dành tặng cho đời, giữ lại cho mình những nỗi cô đơn khó chia sẻ cùng ai, NSƯT Phạm Bằng nói ông không biết bon chen, không biết cúi lưng, mòn gối hay cong xương sống.

Đã có thời kỳ người ta đề nghị ông làm phó đoàn, nhưng Phạm Bằng không nhận, ông chỉ muốn được làm người nghệ sỹ bình dị trên sân khấu, miệt mài với những vai diễn, tìm tòi và sáng tạo, với ông thế là đủ.

Có lẽ, phải đến hơn nửa năm rồi không thấy NSƯT Phạm Bằng xuất hiện trong các tiểu phẩm hài trên truyền hình, tiểu phẩm Cụ tổ hiển linh đình đám cũng chiếu từ dạo đầu năm, người nghệ sỹ già nói thật ra một phần sức khỏe không cho phép, phần nữa cũng muốn đóng góp nhiều nữa cho nghệ thuật, nhưng phải có tiểu phẩm thực sự hay mới dám nhận, từng ấy năm làm nghề rồi.

NSƯT Phạm Bằng vừa nói vừa loay hoay gói ghém đồ đạc, người viết chạnh lòng khi thấy dáng ông đã bắt đầu còng xuống, ánh mắt và đôi tay chẳng còn được nhanh nhạy như xưa. Hy vọng rằng, sau chuyến vào Sài Gòn trở về, quán bánh trôi tàu của ông mở lại, và khán giả lại được gặp người nghệ sỹ già với những vai diễn đáng nhớ trên truyền hình…

Theo VTC News