- Sự xuất hiện với tần suất dày đặc của những bộ phim hoạt hình Hollywood có chi phí cao ngất được lồng tiếng Việt không khác nào chặn hết cửa ra rạp của phim nội.
Hoạt hình ngoại độc chiếm rạp nội
"Kẻ trộm mặt trăng 2" đạt doanh thu khủng tại thị trường Việt Nam. |
Tháng 4/2011, 'Rio' trở thành bộ phim hoạt hình đầu tiên của Hollywood mở màn cho trào lưu Việt hóa tại Việt Nam. Cho đến nay, trong vòng 2 năm rưỡi đã có hàng chục dự án phim hoạt hình nước ngoài phát hành phiên bản Việt hóa.
Riêng mùa hè vừa qua, "Kẻ trộm mặt trăng 2" đã lập nên kỷ lục phòng vé tại thị trường Việt Nam với doanh số lên tới 3 triệu USD (trên 60 tỉ đồng). Trong đó, có tới 60% doanh thu đến từ phiên bản 3D lồng tiếng với sự tham gia của các diễn viên Việt Nam.
Riêng trong tháng 9 và 10 này, dù không còn ở mùa cao điểm nhưng có thêm 4 phim hoạt hình 3D nước ngoài được lồng tiếng Việt ra rạp : Planes (Thế giới máy bay, 13/9); Justin and the Knights of Valour (Justin và hiệp sĩ quả cảm, 20/9); Cloudy 2 (Cơn mưa thịt viên 2, 27/9) và Pororo, The Racing Adventure (Pororo - đường đua mạo hiểm, 25/10).
Trong số này, có 2 phim hoạt hình Mỹ, 1 phim Tây Ban Nha và 1 phim Hàn Quốc. Tuy nhiên, với việc tiến hành lồng tiếng Việt thì một phim hoạt hình nói tiếng Anh hay Tây Ban Nha, Pháp hay Hàn đều không quan trọng với người xem.
Trái với sự tiếp nhận dè dặt ban
đầu, dần dần phiên bản lồng tiếng của các phim hoạt hình nước ngoài trở nên quen
thuộc với khán giả Việt, đặc biệt là với các em nhỏ hoặc chưa biết chữ, hoặc gặp
khó khăn trong việc đọc phụ đề. Diễn xuất của các diễn viên Việt Nam trong vai
trò người lồng tiếng cũng khiến cho những bộ phim hoạt hình nước ngoài trở nên
gần gũi với khán giả Việt hơn.
"Người con của rồng" - phim hoạt hình Việt hiếm hoi ra rạp. |
Việc tiến hành lồng tiếng cho ra những bộ phim hoạt hình bom tấn nói tiếng Việt ngày càng nhiều cũng đồng nghĩa với cánh cửa để phim hoạt hình nội ra rạp ngày càng hẹp hơn.
Tình thế ngày càng khó khăn hơn khi các bộ phim hoạt hình trong nước vốn đã yếu thế giờ phải đương đầu với những siêu phẩm hoạt hình có chi phí lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD của Hollywood và thế giới với nội dung hấp dẫn rầm rập vào rạp Việt với những phiên bản lồng tiếng.
Với nền sản xuất phim hoạt hình còn nhiều hạn chế ở hầu hết các khâu (từ kịch bản đến công nghệ, từ đầu tư đến việc quảng bá...), cùng lượng phim sản xuất mỗi năm rất ít và định kiến không hay của nhiều khán giả về phim nội khiến các phim hoạt hình được sản xuất trong nước gần như không có cửa chiếu thương mại ngoài rạp.
Bộ phim hoạt hình dài gần đây nhất được chiếu rạp trong phạm vi rất giới hạn là "Người con của rồng" cũng đã từ năm 2010.
1 tỉ để có phim bom tấn nói tiếng Việt
Các diễn viên Việt Nam được chọn lồng tiếng cho phim hoạt hình Hollywood đều phải thử vai. |
Đại diện MegaStar, nhà phát hành phim tiến hành nhiều dự án lồng tiếng cho phim hoạt hình Hollywood nhất tiết lộ chi phí Việt hóa cho mỗi dự án phim khoảng 1 tỷ đồng. Tuy nhiên điều này đang có những tác động tích cực đến doanh thu của các rạp tại Việt Nam khi khán giả bỏ tiền mua vé xem phiên bản tiếng Việt luôn nhiều hơn phiên bản gốc có phụ đề.
Mặc dù trung bình mỗi phim hoạt hình chỉ chiếu rạp từ 3-4 tuần lễ nhưng việc tạo cho người xem nhiều lựa chọn từ các bản phim dưới định dạng 2D, 3D lồng tiếng và phụ đề cũng khiến doanh thu mỗi phim tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, ít ai biết quy trình tuyển chọn diễn viên và lồng tiếng với sự giám sát của đạo diễn và studio nước ngoài được tiến hành thế nào. Việc chọn diễn viên Việt Nam nào lồng tiếng đều phải qua một quá trình tuyển lựa gắt gao và trên thực tế có khá nhiều diễn viên nổi tiếng đã bị loại vì không hợp giọng với nhân vật.
Theo tiết lộ của một chuyên gia phụ trách các dự án phim hoạt hình lồng tiếng của Hollywood thì qui trình lồng tiếng có thể tóm gọn với các bước như sau:
Mỗi phim đều phải tuân thủ quy trình lồng tiếng nghiêm ngặt. |
Đạo diễn lồng tiếng sẽ chọn ra 3 diễn viên có giọng phù với mỗi nhân vật trong phim, thu âm theo mẫu và nộp cho hãng phim tại Hollywood. Đạo diễn phim hoặc giám đốc bộ phận sáng tạo của bộ phim sẽ chọn 1 giọng phù hợp nhất cho nhân vật đó. Kế đến các giám sát viên từ Hollywood sẽ sang Việt Nam giám sát toàn bộ công tác thu âm trong khoảng từ 10-14 ngày, tùy dự án.
Công tác mixing sẽ được thực hiện tại một thành phố thuộc quốc gia khác do hãng phim chỉ định như: Sydney (Úc), London (Anh) hoặc Bangkok (Thái Lan). Công đoạn cuối cùng là lồng tiếng và đóng gói sẽ được thực hiện tại Hollywood trước khi chuyển bản phim về Việt Nam để ra mắt khán giả.
Tất cả các quy trình này đều tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của hãng phim, để đảm bảo bản phim được tiến hành Việt hóa có chất lượng tương đương bản phim gốc, chỉ có một điểm khác duy nhất là giọng diễn viên lồng tiếng gốc được thay thế bằng giọng của diễn viên Việt Nam. Chính vì thế, những bộ phim hoạt hình ngoại cũng không khác gì được sản xuất riêng cho thị trường Việt Nam.
Điều này khiến cho cơ hội ra rạp và cạnh tranh
của các bộ phim hoạt hình nội địa hàng ngày mờ mịt và không lối thoát. Phim hoạt hình Việt vì thế cũng đã có thể coi là thua trắng trên chính sân nhà mà không có cơ hội gỡ bàn.
Hạnh Phương