"Không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới làm gì có trường lớp nào đào tạo diva nên họ phải tự khẳng định vị trí của mình", hạc sỹ Phó Đức Phương bày tỏ quan điểm về những danh xưng diva, ông hoàng, nữ hoàng hiện nay ở làng nhạc Việt.
Những sân chơi như Giọng hát Việt là nơi tạo điều kiện cho các ca sỹ trẻ có cơ hội trưởng thành.
- Trên Báo điện tử gần đây đăng tải rất nhiều bài viết mổ xẻ thực trạng của nền âm nhạc nước nhà từ những nhạc sỹ nổi tiếng. Là một người theo dõi thị trường âm nhạc khá sát, theo ông thực trạng nền âm nhạc của chúng ta có điểm nào đáng nói?
Nhiều năm gần đây, các phương tiện truyền thông, kênh truyền hình, trang web nở rộ cùng với những chương trình của các ‘nhà đài’ như Bài hát Việt, Giọng hát Việt, Vietnam Idol… tạo điều kiện cho các bạn trẻ sáng tác, hát. Tính tích cực của các chương trình đó là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cũng không ít những người thuộc thế hệ trước lại tỏ ra băn khoăn về điều đó.
Tôi chỉ là một nhạc sỹ thôi nhưng cũng có nhiều cuộc điện thoại từ khán thính giả gọi đến cho tôi và hỏi 'tại sao âm nhạc bây giờ lại như thế',... Họ đặt vấn đề rất gay gắt về nhạc trẻ, nhạc nhái…Như vậy có thể thấy âm nhạc trong giai đoạn 10 năm gần đây đang nở bung ra đặc biệt là trong lớp trẻ. Nó tạo ra nhiều luồng suy nghĩ trái chiều nhau là điều không tránh khỏi. Khán thính giả thuộc thế hệ trước hoặc là bức xúc, hoặc thất vọng vì không thể chia sẻ được.
- Những băn khoăn, bức xúc trên là điều đáng lo ngại cho nền âm nhạc đại chúng bây giờ không thưa ông?
Cá nhân tôi nhận định rằng dòng chảy âm nhạc Việt Nam là một dòng chảy liên tục, giống như một dòng sông cũng có lúc uốn khúc hay gặp phải thác ghềnh nhưng cuối cùng nó vẫn chảy ra biển. Nên ‘dòng sông’ âm nhạc Việt Nam cũng không hề bị đứt đoạn, vẫn liên tục.
Những ý kiến băn khoăn nhiều nhất vẫn thuộc về thế hệ đàn anh, cha chú và thời kỳ âm nhạc ấy vô cùng hào sảng, đặc biệt là thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nó say đắm, lãng mạn và nhiệt huyết.
Nên khi chứng kiến âm nhạc giai đoạn này có thể họ mang nhiều nuối tiếc, họ sẽ băn khoăn rằng tại sao lại có sự thay đổi như thế về âm nhạc. Nhưng đó chỉ là những hoài niệm quá khứ.
- Nhưng thực tế là bây giờ các cuộc thi truyền hình thực tế như Giọng hát Việt, Vietnam Idol nở rộ, chưa bao giờ làm ca sỹ lại dễ như hiện nay nên cũng từ đó mà những vấn nạn của làng nhạc trở nên nhức nhối hơn?
Tôi cho rằng ở thời điểm mà các công nghệ truyền thông đại chúng rộng mở như bây giờ cũng là một điều đáng nói. Chúng mở ra các sân chơi phù hợp cho các đối tượng bạn trẻ yêu thích nghệ thuật, sáng tác được thể hiện mình.
Và chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng ở các sân chơi ấy rõ ràng vẫn có các tài năng được phát hiện ví dụ như ở Bài hát Việt, có nhiều sáng tác mới nhưng vẫn được công chúng đón nhận.
Điều đó cũng có nghĩa là nó đang góp phần nào đó tích cực đối với âm nhạc tất nhiên không phải hoàn toàn. Vì thế, tôi cho rằng giai đoạn này của âm nhạc vẫn là sự phát triển bình thường.
Không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới có trường lớp nào đào tạo diva.
- Vậy sự nhiễu loạn trong âm nhạc hiện tại, như việc tự phong là ‘ông hoàng’, ‘bà chúa’, diva nhưng trình độ chuyên môn còn hạn chế, không được đào tạo qua trường lớp thì sao, thưa ông?
Tôi thấy điều này dễ hiểu mà, vì không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới làm gì có trường lớp nào đào tạo diva nên họ phải tự khẳng định vị trí của mình.
Ngay cả ở những trường lớp đào tạo bài bản về âm nhạc hiện nay cũng chỉ giúp nghệ sỹ trang bị những kiến thức căn bản.
Những ngôi sao nổi tiếng thế giới như Elvis Presley, Mariah Carey đều không học ở trường lớp nào cả. Hay ‘vua nhạc Pop’ Michael Jackson cũng bắt đầu sự nghiệp lúc lên 5 cùng với ban nhạc gia đình Jackson. Nhờ lao động, sáng tạo miệt mài mà trở thành một tên tuổi tầm cỡ.
Madonna cũng xuất thân là học sinh múa ballet dang dở chứ không học ở trường lớp nào về âm nhạc.
Về nhạc opera, nghệ sỹ Andrea Bocelli của Ý bị mù từ khi mới 10 tuổi và về sau ông theo học trường Luật rồi trở thành một danh ca nổi tiếng.
Maria Callas - nữ danh ca opera Hy Lạp đỉnh cao của mọi thời đại cũng tự tìm thầy để học hỏi, tu luyện mà thành danh. Bởi khi còn trẻ bà thi vào nhạc viện Athen nhưng bị từ chối vì cho rằng 'không có giọng và năng khiếu'.
Tất nhiên, cái trước tiên chúng ta phải nhìn nhận và khẳng định là họ có tài nhưng đưa những ví dụ này ra để mọi người thấy, những ‘ông hoàng’, ‘bà hoàng’, diva thế giới cũng không được học hành bài bản nên đừng lấy chuyện đó ra áp đặt cho nghệ sỹ.
Đành rằng một số nhân vật tự phong ở Việt Nam chưa có trình độ xứng đáng với những danh xưng của họ mà nhờ công nghệ lăng-xê nhưng cũng không phải hoàn toàn như thế.
Đôi khi, việc đi học chỉ là giải pháp phổ cập, giải pháp số đông giành cho nhu cầu rộng lớn của đời sống
Những người được học hành, có tấm bằng âm nhạc trong tay cũng nên nhìn nhận lại, vì thực tế, chương trình đào tạo của nhà trường chỉ nhằm mục đích cung cấp cho học sinh một số kỹ năng cơ bản để từ đó còn phải tiếp tục tự học hỏi và vươn lên nhiều nữa
- Cá nhân ông cho rằng cần phải có điều gì tác động để dòng chảy âm nhạc ‘thoát khỏi’ giai đoạn này?
Với tôi, âm nhạc nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung là sản phẩm của thời đại. Thời đại thế nào thì nó sản sinh ra một nền nghệ thuật như thế.
Đương nhiên, văn học nghệ thuật có thể tác động trở lại với đời sống nhưng về cơ bản tôi cho rằng chủ yếu vẫn là do thời đại.
Chiều ngược lại chỉ là hệ quả, còn gốc vẫn là từ đời sống. Có người từng nói, các nghệ sỹ như là ống sáo của thời đại, ‘gió thời đại lồng lộng thì tiếng sáo mới véo von’.
Nói như vậy thì có vẻ như hạ thấp vai trò tích cực của những người nghệ sỹ nhưng ý kiến cá nhân này của tôi, tôi cho rằng phần nào đó kiến giải được một vấn đề quan trọng trong quan hệ giữa thời đại với thượng tầng kiến trúc văn học nghệ thuật.
Điều đó cũng có nghĩa là để văn học nghệ thuật ổn định thì toàn đất nước cũng phải ổn định về đời sống xã hội, kinh tế. Tất nhiên không khớp nhau 100% nhưng tôi nghĩ về cơ bản là như thế.
Còn việc cá nhân có thể tác động được đến hay không thì tôi cho rằng đây không phụ thuộc vào giải pháp của một bộ phận mà là trách nhiệm của tất cả những người có liên quan đến ngành nghệ thuật như: Bộ VHTTDL, Hội nhạc sỹ, các cơ quan nghiên cứu… và xa hơn là toàn xã hội.
Theo VTC