- Với những ca sinh 3, các bác sĩ đã rất lo sợ; sinh nở trót lọt cũng là điều hết sức may mắn. Do vậy khuyến khích đa thai không chỉ gây nguy hiểm cho tính mạng bà mẹ, em bé mà còn tạo gánh nặng cho xã hội.

 

Các tin liên quan

Bác sĩ nói gì sau ca sinh 5 đầu tiên?

Ca sinh 5: Cần tới 15 người để ấp

Ca sinh 5: Mừng vui xen lẫn lo lắng

Nhiều nguy hiểm rình rập các bé trong ca sinh 5

Không chịu bỏ bớt phôi, cả 3 thai đều…sảy

Tại Khoa Hiếm muộn của Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), mỗi ngày khám cho khoảng 100 bệnh nhân.

Nhân viên y tế ở đây gặp phải rất nhiều rào cản khi thuyết phục thai phụ mang đa thai bỏ bớt phôi vì những lý do nguy hiểm cho sức khỏe bà mẹ, em bé.

Đa số các bệnh nhân hiếm muộn rất mong con. Hơn 50% bệnh nhân được tư vấn bỏ bớt thai không đồng thuận. Dù ngay từ đầu họ đã được phổ biến rõ ràng về các nguy cơ nhưng khi thai đậu nhiều họ lại không nỡ bỏ.

Thậm chí có người còn phản ứng gay gắt với bác sĩ. Nhiều bệnh nhân cố tránh tới bệnh viện theo dõi, để thai vượt quá 7 tuần. Khi đó bác sĩ chỉ còn cách dưỡng thai cho họ.

Các bệnh nhân khi tới khoa Hiếm muộn đều được tư vấn ngay từ đầu về nguy hiểm khi mang đa thai - Ảnh: Thanh Huyền

“Tôi vẫn còn nhớ về một lần tư vấn bỏ bớt thai cho bệnh nhân mang tam thai. Chị ta không bằng lòng bỏ thai, dù điều kiện sức khỏe không cho phép. Bệnh nhân còn quan niệm dại dột rằng có thể chết cũng được, miễn sao giữ lại 3 đứa con” - Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Sương, Trưởng khoa Hiếm muộn – Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM cho biết.

Suy nghĩ đó thật sai lầm! Các bác sĩ đã phân tích hết nước, nếu bệnh nhân có bề gì thì các thai nhi có sống nổi không? Hay khi ra đời, không còn mẹ, ai sẽ chăm sóc chúng…

Dù vậy, thai phụ và gia đình vẫn bất chấp tất cả. Kết quả, bệnh nhân đã sinh non khi tuổi thai được 30 tuần. Bà mẹ không sao nhưng 3 thai nhi đều chết hết.

Từ đó, bác sĩ Sương nhắc nhở những bà mẹ đang mang đa thai, hoặc các cặp vợ chồng chuẩn bị làm kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ngay từ đầu phải xác định tư tưởng: nếu đậu từ 3 thai trở lên sẽ bỏ bớt phôi.

Đừng nhìn vào một vài trường hợp đa thai cá biệt may mắn thoát chết hy hữu mà nghĩ mình làm vậy cũng sẽ an toàn.

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Thủy, Khoa Hiếm muộn – Bệnh viện Hùng Vương cho biết các phương pháp hỗ trợ sinh sản có nhiều mức độ can thiệp tùy vào từng nguyên nhân gây hiếm muộn.

Có thể chia ra làm 3 mức độ: kích thích buồng trứng nhưng vẫn giao hợp qua đường tự nhiên (hoặc có bơm tinh trùng vào tử cung), thụ tinh nhân tạo và thụ tinh ống nghiệm. Tỷ lệ song thai trong can thiệp hỗ trợ sinh sản là 10 – 20%, tam thai là 4%...

Sở dĩ có tình trạng đa thai do xuất phát từ việc kích thích buồng trứng. Khác với tự nhiên, thay vì mỗi tháng người phụ nữ rụng một nang trứng, khi được kích thích, có thể có tới vài nang trứng rụng một lần.

Cũng có trường hợp, lúc bơm tinh trùng vào tử cung, ngoài những trứng trưởng thành còn có các trứng trung bình, nhỏ bị bỏ sót.

Riêng với thụ tinh ống nghiệm, các bác sĩ bắt buộc phải kích cho ra số lượng từ 10 – 12 trứng để đủ chuyển ra phôi tươi và phôi đông lạnh.

Khi làm việc này, các bác sĩ cố gắng cân nhắc chuyển phôi sao cho giảm tỷ lệ đa thai nhưng tỷ lệ làm tổ phải tốt.

Có thể có 3 phôi được chuyển vào tử cung nhưng chưa chắc cả 3 phôi đã đậu. Tỷ lệ làm tổ khoảng 30%. Nghĩa là trung bình cứ chuyển vào 3 phôi, sẽ chỉ có 1 phôi làm tổ.

Đa thai, mẹ và thai nhi có thể…chết

Theo chính sách y khoa của Bệnh viện Hùng Vương, khi thai phụ có từ 3 túi thai các bác sĩ sẽ phải bàn bạc với gia đình bệnh nhân, cân nhắc chất lượng phôi để rút bớt đi một phôi.

“Con người là động vật sinh đơn thai. Vì thế khi mang đa thai, các thai sẽ cạnh tranh nhau về mặt dinh dưỡng. Thông thường những thai nào yếu, không cạnh tranh nổi với các thai khác sẽ tự thoái hóa và teo đi”, bác sĩ Thủy nói.

Tuy nhiên, nếu tới 7 tuần tuổi, vẫn tồn tại đa thai bệnh nhân sẽ được cân nhắc, tư vấn bỏ bớt thai.

Khi mang đa thai mẹ có nguy cơ bị quá kích buồng trứng, có thể dẫn tới tai biến và tử vong. Bà mẹ mang đa thai tim rất yếu vì lượng máu nuôi em bé tăng nhiều lần.

Đa thai, thai phụ phải đối mặt với nguy cơ sinh non, tai biến băng huyết sau sinh do tử cung giãn quá mức...Các bé trong ca đa thai cũng đứng trước nguy cơ rủi ro cao.

Trong vài trường hợp hiếm, đa thai cùng buồng ối, thai nhi sẽ bị dính nhau. Đa thai đồng nghĩa với việc sẽ sinh non. Từ đó các em bé non tháng dễ bị xuất huyết não, nhiễm trùng, suy hô hấp, bệnh võng mạc…

Nói tóm lại, không một bệnh viện nào, bác sĩ nào muốn bệnh nhân của mình đa thai. Bởi, đa thai là gánh nặng cả về mặt xã hội và mặt y học. Dù may mắn sinh hạ an toàn, việc đông con sẽ khiến các bé không được hưởng sự chăm sóc, dạy dỗ tốt nhất từ cha mẹ.

Thanh Huyền