- Về lâu dài, nếu vắc xin Quinvaxem chưa được lưu hành trở lại và cũng chưa có phương án thay thế thì có thể sẽ có xáo trộn lớn trong tiêm chủng.

Chưa thông báo về phương án thay thế

Hiện nay, sau công văn yêu cầu tạm ngừng việc sử dụng vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem để “đảm bảo an toàn cho người sử dụng” của Cục quản lý Dược, hiện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia chưa có thông báo chính thức nào liên quan đến việc này.

{keywords}
Vắc xin Quinvaxem là vắc xin 5 trong 1 duy nhất được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam do Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) viện trợ thông qua UNICEF. Vắc xin này bị tạm dừng sử dụng sau khi có nhiều trẻ gặp tai biến sau tiêm, trong đó có 9 trẻ đã tử vong
 

Do đó, phương án thay thế trong thời gian chờ đợi vẫn chưa được đưa ra.

Trong khi đó, nhu cầu tiêm chủng của người dân vẫn diễn ra hàng ngày, hàng tháng.

Trong bối cảnh chưa có vắc xin thay thế, trao đổi với VietNamNet, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng thành phố Hà Nội cho biết, trung tâm đưa ra phương án sử dụng các loại vắc xin đơn, vắc xin phòng 2-3 bệnh trong một mũi tiêm.

Thông tin đến từng trạm y tế phường/xã

Bà Đỗ Thị Bích Hạnh, trạm trưởng trạm y tế phường Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, trạm y tế phường (và các trạm y tế khác trong toàn quận) đã tiến hành tiêm chủng cho trẻ vào sáng ngày 4/5 (trước khi có thông báo về việc ngừng sử dụng vắc xin Quinvaxem vào buổi chiều).

Hiện chưa có thống kê có bao nhiêu cháu đã được tiêm vắc xin Quinvaxem trong buổi sáng 4/5 vừa qua tại trạm y tế này, tuy nhiên, không có trường hợp nào thông báo về các phản ứng sau tiêm.

Đến sáng nay (6/5), trạm y tế đã nhận được thông báo về việc ngừng sử dụng vắc xin Quinvaxem.

Bà Hạnh cho biết, trạm y tế phường chấp hành nghiêm thông báo này và tiếp tục chờ đợi hướng dẫn để tiến hành tiêm chủng các đợt tiếp trong các tháng sau.

Ngay sau khi có thông báo của Cục Quản lý Dược vào chiều 4/5, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cũng đã có thông báo trực tiếp qua đường điện thoại đến toàn bộ các trạm y tế xã/phường trong toàn thành phố.

Trong 2 ngày qua, khi vắc xin Quinvaxem bị ngừng sử dụng, toàn Thành phố Hà Nội vẫn tiêm chủng bình thường với các loại vắc xin như lao, sởi, cho trẻ uống vắc-xin bại liệt và tiêm “vét” vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ chưa được tiêm.

Theo ông Cảm, vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem được chỉ định tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên và trẻ dưới 1 tuổi cần tiêm đủ 3 mũi, mỗi mũi cách nhau 1 tháng.

“Như vậy, trong trường hợp nếu vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem bị dừng khoảng 2-3 tháng, khi có thể tiêm trở lại thì trẻ có thể tiêm bù. Bởi trong vòng 1 năm đầu tiên trẻ tiêm đủ 3 mũi là đảm bảo, không quá lo lắng về dịch bệnh”, ông Cảm cho hay.

Người dân lo lắng

Ông Cảm cho biết, hôm nay mới là ngày thứ 2 kể từ khi dừng tiêm vắc xin Quinvaxem nên 577 điểm tiêm chủng tại các phường/xã trong toàn thành phố chưa có xáo trộn gì lớn.

Theo ông Cảm, nhiều người dân Hà Nội khi đến các điểm tiêm chủng đều hỏi về việc vì sao lại tạm dừng sử dụng vắc xin Quinvaxem và tỏ ra lo lắng về những mũi đã tiêm trước đó.

“Cán bộ tiêm chủng đã có giải thích cụ thể, kịp thời để người dân yên tâm, đồng thời hướng dẫn họ về việc tiêm chủng trong những đợt tới”, ông Cảm cho hay.

Tuy nhiên, về lâu dài, nếu vắc xin Quinvaxem chưa được lưu hành trở lại và cũng chưa có phương án thay thế thì có thể sẽ có xáo trộn lớn trong tiêm chủng.

Mỗi tháng, Hà Nội thực hiện tiêm chủng cho khoảng 40.000 đối tượng (40.000 liều).

Việc ngừng tiêm vắc xin Quinvaxem và chưa có vắc xin thay thế có thể sẽ gây nên những xáo trộn lớn, khiến người dân đổ dồn sang sử dụng vắc xin “5 trong 1” dạng tiêm dịch vụ.

Với loại vắc xin này, người dân không được tiêm miễn phí mà phải bỏ ra khoảng 650.000 đồng/liều.

Hiện Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cũng chưa thể đánh giá cụ thể về nhu cầu sử dụng vắc xin 5 trong 1 dạng dịch vụ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nếu nhu cầu tăng đột biến thì việc đáp ứng sẽ không dễ dàng vì cần có thời gian để đặt hàng nhà sản xuất.

Vắc xin Quinvaxem: Giá rẻ, phù hợp điều kiện kinh tế VN

Trong lần trả lời phỏng vấn VietNamNet về các trường hợp tai biến sau tiêm chủng, ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, với vắc xin Quinvaxem, ngoài việc được Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo sử dụng vì có hiệu quả cao trong phòng bệnh thì giá thành vắc- xin này cũng rẻ hơn nhiều so với vắc xin vô bào, phù hợp với tình hình kinh tế của Việt Nam.

Hàn Quốc là nước sản xuất ra vắc xin này nhưng không sử dụng vì điều kiện họ khác Việt Nam. Từng quốc gia sẽ có lựa chọn phù hợp với điều kiện của mình.

Theo ông Hiển, khi sử dụng ở Việt Nam, vắc-xin Quinvaxem đã tuân thủ đầy đủ các quy định thẩm định về an toàn, chất lượng, hiệu quả thông qua các thử nghiệm lâm sàng trên người và kiểm định chât lượng trong phòng thí nghiệm.

Ông Hiển cũng cho biết luôn có một tỷ lệ rất nhỏ bị phản ứng nặng sau tiêm. Phản ứng này có thể là nhẹ hay nặng tùy từng trường hợp và tùy loại vắc-xin.

Cẩm Quyên