- Vi khuẩn “ăn thịt người” đã từng được ghi nhận ở Việt Nam với hàng chục ca mắc và gần đây nhất đã khiến một người đàn ông 40 tuổi ở Thái Bình nhiễm bệnh.

Bệnh nhân sốc, hoại tử khắp cánh tay

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới Trung ương  cho biết vi khuẩn Aeromonas hydrophyla (AH) thường xuất hiện ở sông, suối, ao, hồ, thậm chí trong đất. 
{keywords}
Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người” được điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TW 


Do chúng có thể gây hoại tử các tổ chức trong cơ thể một cách nhanh chóng nên chúng còn có tên gọi là vi khuẩn “ăn thịt người”.

“Vi khuẩn ăn thịt người” có thể gây nhiều thể bệnh khác nhau

Theo ông Cấp, AH là loại vi khuẩn dạng hình que, phổ biến trong tự nhiên và thường có trong môi trường nước ngọt và nước lợ, đa số gây bệnh cho cá, tôm và động vật lưỡng cư.

Tuy ít gây bệnh cho người, nhưng chúng có thể gây nhiều thể bệnh khác nhau. Chúng có thể tiết độc tố làm ô nhiễm nước uống gây bệnh tiêu chảy, xâm nhập qua đường ruột gây nhiễm trùng máu ở người bệnh suy giảm miễn dịch hoặc xâm nhập cơ thể người khỏe mạnh qua các vết thương gây viêm, hoại tử tổ chức sau đó lan tràn vào máu gây nhiễm trùng máu. 

Dù hiếm gặp nhưng hoại tử tổ chức thường rất đáng sợ vì sẽ khiến người bệnh bị sụp cơ rất nhanh với nguy cơ tử vong cao
Theo ông Cấp, từ năm 2009-2013, Việt Nam đã có hàng chục ca nhiễm trùng huyết do vi khuẩn AH, trong đó nhiều ca bệnh do đứt chân tay khi làm việc dưới nước, trong đó một bệnh nhân lội cống nước thải, một bệnh nhân làm việc ở khu vực nước ngâm bè nứa, thậm chí có trường hợp bắt cá, bị ngạnh cá đâm vào tay gây nhiễm trùng huyết và hoại tử.

Theo thống kê, trong 2 năm 2010 và 2011, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đã ghi nhận 10 bệnh nhân nhiễm trùng huyết do khuẩn AH. 

Bệnh nhân đều là nam giới tuổi từ 30-77, ở nhiều tỉnh, thành khác nhau.

Gần đây nhất, bệnh nhân T., 40 tuổi, quê ở huyện Tiền Hải (Thái Bình), nhập viện Nhiệt đới Trung ương ngày 12/4 trong tình trạng sốc nặng, viêm hoại tử lan tỏa khắp cánh tay bên trái.

Trước đó, bệnh nhân có biểu hiện sốt, một ngày sau đó xuất hiện sưng nề cẳng tay trái rồi nhanh chóng lan rộng ra khắp cánh tay và lên vai.

Sau khi điều trị 10 ngày, bệnh nhân thoát khỏi tình trạng sốc và nhiễm khuẩn huyết nhưng do hoại tử toàn bộ da cánh tay bên trái nên được chuyển đến Viện Bỏng Quốc gia để ghép da.

“Đây cũng là một trong số rất ít bệnh nhân nhiễm vi khuẩn AH hoặc có bệnh cảnh tương tự nhiễm AH được cứu sống” - ông Cấp nói.

Dễ tử vong, nhiều di chứng

Theo ông Cấp, 10 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong 2 năm 2010 và 2011 đều có đặc điểm chung là suy đa tạng, trong đó, 7 bệnh nhân có xơ gan, nhập viện với các biểu hiện sốt, vàng da, vàng mắt tăng dần.

Với 3 bệnh nhân còn lại là những người khỏe mạnh, chỉ có khởi đầu là sốt, tiêu chảy rồi nhanh chóng rơi vào tình trạng hoại tử rộng trên da và các tổ chức, sốc và suy đa phủ tạng.
{keywords}
Phần bắp chân bị hoại tử của một bệnh nhân nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người” (Ảnh do bác sỹ Nguyễn Trung Cấp cung cấp)


Ông Cấp cho hay trong 10 bệnh nhân xét nghiệm có vi khuẩn AH thì chỉ có 2 trường hợp được cứu sống.

Nhiều bệnh nhân mặc dù có các biểu hiện lâm sàng hoàn toàn giống các trường hợp bệnh nhiễm vi khuẩn AH nhưng do đã dùng kháng sinh trước khi cấy vi khuẩn nên quá trình xét nghiệm không thấy sự hiện diện của vi khuẩn AH.

Tuy nhạy cảm với nhiều kháng sinh và dễ bị kháng sinh tiêu diệt nhưng do bệnh diễn biến nhanh, bệnh nhân hoại tử nhiều tổ chức, dễ sốc nặng và suy đa tạng nên tỉ lệ tử vong trước đây có thể tới gần 100%.

Ngày nay, nhờ những tiến bộ về hồi sức, các thầy thuốc có thể hạn chế được phần nào tỉ lệ tử vong. 

Tuy vậy, ngoài chi phí điều trị cao, bệnh nhân dù khỏi bệnh vẫn có thể bị nhiều di chứng do hoại tử các tổ chức. Do bệnh hiếm gặp nên khó chẩn đoán, gây khó khăn trong điều trị.
Cảnh giác nhưng không hoang mang

Giới chuyên môn khuyến cáo biện pháp phòng khuẩn AH gây bệnh tốt nhất là tránh tiếp xúc nước bẩn khi có vết thương, xây xát trên da. Những người làm nghề thường xuyên tiếp xúc với nước bẩn như công nhân vệ sinh, cống rãnh, người nuôi cá, tôm… nên có các trang bị phòng hộ phù hợp.

Do bệnh hiếm gặp và tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp phải cắt cụt chân tay như ở Mỹ nên người dân khi đi tắm biển, hồ bơi… trong mùa hè không nên quá hoang mang. 

Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc nước bẩn có nhiễm trùng vết thương hoặc mắc các bệnh về đường tiêu hóa nên đến cơ sở y tế điều trị sớm.

Cẩm Quyên