- Sau vụ vệ sĩ ‘vung gậy dẹp đường’ đưa đón Nick Vujiicic, vấn đề đặt ra là những công ty vệ sĩ tư nhân được phép làm gì…để vẫn thực thi đúng pháp luật, đồng thời bảo vệ được an toàn cho các VIP, người nổi tiếng khi đến VN?

Bảo vệ VIP an toàn, hiệu quả?

Ông Nguyễn Văn Nam – Phó Giám đốc kiêm tổng chỉ huy công ty TNHH dịch vụ bảo vệ an toàn ISP (Q.1) đơn vị từng bảo vệ cho người nổi tiếng đến Việt Nam như ban nhạc Big Bang, Backstreet Boys, ngôi sao Hàn Quốc Jang Dong Gun, cho biết: “Vấn đề quan trọng khi bảo vệ người nổi tiếng, ngôi sao…chính là bảo vệ “mục tiêu” trước lực lượng người hâm mộ quá đông đúc, có lúc quá khích”.

{keywords}

Bảo vệ đoàn xe chở ban nhạc Backstreet Boys từ phi trường Tân Sơn Nhất vào trung tâm TP.HCM.

Ông Nam chia sẻ một vụ điển hình: công ty ông nhận bảo vệ ban nhạc Big Bang đến TP.HCM cách đây hơn 1 năm.

Đêm ấy, hơn 3.000 “fan” vây chật kín khu nhà ga quốc tế để chờ thấy mặt…thần tượng.

Phán đoán trước tình hình, nhóm 10 vệ sĩ ISP xin phép an ninh sân bay đưa 2 xe ô tô bí mật vào phía trong sân bay, đón và đưa Big Bang âm thầm ra bằng cửa sau, về khách sạn an toàn.

Tại cửa trước, 20 vệ sĩ khác cho hàng ngàn “fan”…ăn quả lừa, khi dàn cảnh dẹp đường đón Big Bang như thật.

Theo ông Nam: “Nếu đưa Big Bang ra cửa trước thì thế nào các “fan” sẽ đeo bám theo sau ô tô, gây nguy hiểm”.

Trường hợp khác, vệ sĩ của IPS hộ tống nhóm sao Hàn Quốc từ Bình Dương về TP.HCM, các “fan” đeo bám bằng xe gắn máy quyết liệt, chẳng còn đường nào khác…ô tô của vệ sĩ chở sao đành thoát lên trước, giữ 1 khoảng cách cố định để tránh nguy hiểm cho sao lẫn các “fan”

Không riêng gì ông Nam, nhiều giám đốc các công ty bảo vệ khác tại TP.HCM cho biết, khi ký hợp đồng, các công ty tổ chức sự kiện đều muốn đơn vị bảo vệ “kèm” điều khoản phải dẹp đường, hộ tống ngôi sao, người nổi tiếng…

Tuy nhiên phần lớn các công ty bảo vệ đều hướng dẫn ban tổ chức xin phép bằng văn bản với cơ quan chức năng để được có sự đảm trách của lực lượng CSGT theo đúng pháp luật.

Còn lực lượng vệ sĩ chỉ theo chân CSGT, bảo vệ an toàn cho khách hàng ở vòng trong.

Trong khi đó, ông Ngô Quang Vinh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký liên đoàn xe đạp - mô tô TP.HCM, Hội trưởng hội mô tô TP.HCM (trực thuộc liên đoàn) cho biết: “Hiện có rất nhiều công ty vệ sĩ, các CLB mô tô hoạt động lạm quyền, bát nháo trong việc dẫn đoàn, dẹp đường…rõ ràng là vi phạm pháp luật; thậm chí đến đám cưới cũng mô tô dẹp đường”.

Ông Vinh cho biết thêm, Hội mô tô TP.HCM từng tham gia dẫn các số đoàn như: đua xe đạp, các đoàn thể thao, du lịch…tuy nhiên hoàn toàn không gắn hụ còi, luôn chấp hành đèn tín hiệu giao thông, chỉ tìm đường thông thoáng cho đoàn đi qua.

Nên chăng có dịch vụ công hộ tống, dẫn đoàn?

Thượng tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an TP.HCM) khẳng định: nhiệm vụ chính yếu đưa, dẫn và bảo vệ đoàn là của lực lượng CSGT.

Ngoài ra, còn có các lực lượng như: lực lượng của Bộ tư lệnh cảnh vệ, lực lượng kiểm soát quân sự thuộc Bộ tư lệnh các quân khu..

{keywords}

Bảo vệ làm nhiệm vụ tại sự kiện Nick Vujicic đến VN.

Khi có các sự kiện giải trí như: đua xe đạp cúp truyền hình hằng năm dưới sự chỉ đạo của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên thì các CLB mô tô, công ty dịch vụ bảo vệ được huy động để phối hợp với CSGT.

Ông Nguyễn Văn Nam cho biết: công ty bảo vệ, vệ sĩ có thể đảm nhận việc dẫn đoàn trên đường, nhưng phải chấp hành đúng luật giao thông như người bình thường. Còn việc dẫn và dẹp đường là nhiệm vụ của cơ quan chức năng.

“Đoàn nào có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ dẫn, dẹp đường thì các mô tô của vệ sĩ có thể “theo chân” để bảo vệ. Nếu không có lực lượng CSGT đảm trách, các công ty bảo vệ nên tìm lộ trình thông thoáng, an toàn để đoàn đi qua. Trường hợp xảy ra sự cố trên đường phải nhờ chính quyền địa phương can thiệp, hỗ trợ” – ông Nam nhận định.

Còn theo ông Ngô Quang Vinh, trước đây liên đoàn xe đạp - mô tô thể thao Việt Nam từng có ý kiến xin phép cơ quan quản lý Nhà nước cho các đoàn mô tô chính quy được phép gắn còi, đèn ưu tiên và bổ sung lực lượng này làm nhiệm vụ dẫn đoàn.

Tuy nhiên, vì có quá nhiều CLB mô tô ở các địa phương, việc quản lý, kiểm soát rất khó khăn, do vậy ý kiến trên chỉ dừng lại ở mức đề xuất.

Đặt vấn đề dịch vụ công trong việc dẫn đoàn, dẹp đường như nhiều nước khác, ông Vinh nhìn nhận: “Việc này phải để các cơ quan quản lý quyết định, nhưng nếu làm được thì rất tốt”.

Ông phân tích, hiện lực lượng CSGT có nhiều việc phải làm, trong khi lượng đoàn phải dẫn (hoặc có nhu cầu dẫn) ngày càng tăng, do vậy lực lượng này không thể đáp ứng hết.

Có những đoàn không thuộc diện chính khách, như các đoàn thể thao, ngôi sao, người nổi tiếng…CSGT không dẫn đoàn, dẹp đường nhưng người hâm mộ, hiếu kỳ kéo đến, dễ gây ùn tắc giao thông.

Theo ông Vinh, nên chăng đào tạo các CLB mô tô thuộc quản lý các sở - ban - ngành để làm việc này?

Vị hội trưởng mô tô thể thao TP.HCM cũng nhấn mạnh: “Nếu được phép, có thể các CLB mô tô sẽ sắp xếp, phối hợp với lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tại chỗ ở các giao lộ, mở đường thông thoáng, thông báo bằng loa, điều tiết giao thông trong ôn hòa…thì sẽ tạo ra hình ảnh đẹp hơn cho 1 thành phố lớn”.

Xung quanh vấn đề này, VietNamNet đã có trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội):

- Thưa luật sư, theo quy định của pháp luật, dịch vụ công, dịch vụ hỗ trợ dẹp đường, hộ tống được quy định như thế nào?

Quyết định số 14/200/QĐ-TTg ngày 27/01/2000 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 05/2006/TT-BCA-C11 ngày 09/5/2006 Hướng dẫn thi hành Quyết định số 14/2000/QĐ-TTG ngày 27/01/2000 của Thủ tướng quy định, các đoàn trong nước và khách nước ngoài đến Việt Nam có xe CSGT dẫn đường chỉ gồm: Đối với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các đoàn trong nước; Đối với các đoàn khách nước ngoài là khách mời của Đảng và Nhà nước.

Ngoài ra, những trường hợp khác cần có xe CSGT dẫn đường thì các cơ quan, tổ chức có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định.

Đối chiếu với các qui định trên thì Nick Vujicic không thuộc đối tượng khách nước ngoài đến Việt Nam có xe CSGT dẫn đường.

Việc sử dụng ô tô, xe mô tô trong quá trình tuần tra kiểm soát đảm bảo an toàn giao thông là hoạt động bình thường của lực lượng CSGT.

Qua các phương tiện truyền thông, nếu có căn cứ xác định sẽ có sự kiện khách nước ngoài là người nổi tiếng đến Việt Nam và không thuộc đối tượng cần có CSGT dẫn đường thì lực lượng CSGT cũng cần phải có kế hoạch bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường, phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông, dẫn đường, dẹp đường khi cần thiết để tránh gây ùn tắc giao thông cục bộ.

Chỉ các lực lượng CSGT mới được Chính phủ và Bộ Công an giao nhiệm vụ dẫn đường các đoàn trong nước và khách nước ngoài đến Việt Nam.

- Luật sư cho biết, các hành vi tuỳ tiện tổ chức thực hiện dẫn đoàn sẽ bị xử lý như thế nào?

Các hành vi tuỳ tiện tổ chức thực hiện dẫn đoàn, các hành vi cản trở hoạt động dẫn đoàn của lực lượng CSGT hoặc lợi dụng công tác dẫn đoàn để gây phiền hà, sách nhiễu, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân đều phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Các công ty bảo vệ, công ty chuyên đưa đón khách VIP phải hoạt động động kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật, nếu cần có CSGT dẫn đoàn thì phải có Văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định như tôi đã nói ở trên.

Việc tự ý tổ chức nhiều xe mô tô dẫn đường đoàn khách nước ngoài đến Việt Nam nếu gây cản trở giao thông, không chấp hành Luật Giao thông đường bộ sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 34/2010/NĐ-CP (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ).

•    T.Nhung

Đàm Đệ