- 36 năm neo ghe trên dòng sông Sài Gòn, ông Ba Chúc là khắc tinh của thần chết. Ông đã đem lại sự sống cho gần 200 con người.

Cặp vợ chồng ngồi trước mũi ghe nhâm nhi tách cà phê buổi sáng. Gương mặt người chồng thanh thản đến lạ lùng. Người vợ, thỉnh thoảng điểm một nụ cười nhìn ông bằng ánh mắt trìu mến...

Thảnh thơi cuộc sống

Chúng tôi bắt gặp hình ành này khi đến bờ sông Sài Gòn đoạn gần cầu Bình Lợi (P.13, Q. Bình Thạnh, TP.HCM). Bà con ở đây cho biết, họ là 'đôi vợ chồng hạnh phúc nhất' – chí ít cũng nhất vùng này.

Ngày nào cũng thế, sau giấc ngủ muộn, cả hai ngồi bên nhau trước mũi ghe cùng uống cà phê nói chuyện... trên trời dưới đất. Không một chút gợn buồn, không một chút nghĩ suy.

{keywords}

Ngôi nhà của ông Ba Chúc

Ông là Nguyễn Văn Chúc, dân quanh vùng thường gọi là Ba Chúc. Ông năm nay 56 tuổi và vợ là bà Nguyễn Thị Hinh kém 2 tuổi. Cả hai ông bà đều là người miền Bắc nhưng lại sống cuộc đời lênh đênh trên ghe như những thương hồ Nam bộ đã gần hết một đời người.

Cuộc đời ông, từ năm 8 tuổi đã theo cha đến bờ sông này neo đậu. Cha ông làm nghề chài luới trên sông. Thuở trước nơi đây tôm cá khá nhiều và chỉ cần một chút siêng năng là đủ sống một cách thoải mái.

Lớn lên, năm 20 tuổi ông lập gia đình với một người phụ nữ cũng thạo nghề sông nước. Cả hai chung tay trong những mẻ lưới, đồng lòng trong những chuyến đi và sau đó lần lượt 5 cô con gái ra đời cũng trên chiếc ghe này.

Sẽ không có gì đáng nói nếu cuộc sống của Ba Chúc chỉ biết gói gọn trong chiếc ghe với những bình dị trong cuộc sống...

Sông Sài Gòn nơi cầu Bình Lợi – cây cầu đã hơn 100 tuổi – bắt ngang có lòng sông rộng và rất sâu. Từ nhiều chục năm về trước, cầu Bình Lợi là nơi nổi tiếng về những rủi ro và cũng là nơi để nhiều người tìm đến cái chết.

Dù nạn nhân có rủi ro, hay cố tình, vợ chồng ông Ba Chúc vẫn ngày đêm quyết không để thủy thần cướp đi sinh mạng của những người có tình cảnh éo le và đáng thương.

Tôi bước lên ghe, cùng ông bà làm cữ cà phê sáng. Ông cười đôn hậu: “Thức trắng cả đêm rồi, giờ làm tí cà phê cho tỉnh”. Rồi ông kể cho tôi nghe câu chuyện một thanh niên mới đây trầm mình dưới lòng sông cách nơi ông neo đậu chỉ vài trăm mét.

23h30 đêm 29/5, vợ chồng ông đã chìm sâu vào giấc ngủ. Có tiếng gọi nhờ ông tìm giúp một thanh niên vừa nhảy cầu Bình Lợi 2. Bật dậy. Không chút đắn do, ông ra chiếc ghe nhỏ nổ máy đến vị trí có người bị nạn.

Đảo qua một vòng, ông phát hiện trên ụ chống va của cây cầu một thanh niên đang nằm sóng soài. Tiếp cận. Người này còn sống. Ông đưa lên ghe và qua người này ông được biết anh ta chỉ là người cứu bạn nhưng đuối sức.

Ông tiếp tục tìm người còn lại, giữa sông rồi dạo sát bờ.

Như một thói quen ông đảo mắt lên một bãi sình. Một mố nhấp nhô, ông tiến vào. Đúng rồi. Một thanh niên nằm ngửa còn thoi thóp. Trên mắt một vết bầm khá lớn.

3h sáng, cả hai được đưa vào bờ và được cứu sống. Ông bàn giao lại cho công an địa phương rồi trở về chiếc ghe thân yêu tìm lại giấc ngủ...

Cứu sống gần 200 người

Chuyện vợ chồng ông Ba Chúc cứu người trên sông không còn là chuyện lạ. Ở đoạn sông này ai cũng biết và thầm phục cách sống của ông bà.

Dù là đêm hay ngày, dù là mưa gió hay nắng gắt hễ có tin có người rơi xuống sông là tức tốc đi ngay.

{keywords}

Ông Ba Chúc dùng ghe của mình tự lái đưa các chiến sĩ cứu nạn tìm kiếm thi thể người đàn ông bị tàu húc rơi xuống sông sáng 3/6

Người ông cứu đưa vào bờ được bà chăm sóc tận tình. Những phụ nữ, những cô gái nằm bất động thì do bà Hinh hô hấp nhân tạo. Tỉnh dậy, bà cho ăn, cho uống phục hồi lại sức khỏe.

Trong một đêm tháng 4, vào khoảng 0h, bà nghe tiếng kêu cứu từ cầu vọng lại. Bà lay ông dậy. May mắn thay, chỉ giật một lần máy nổ. Ông tức tốc chạy đến. Nạn nhân đang... giã gạo đến lần thứ 3.

Không chần chứ, ông cột sợi dây tay dính vào ghe nhảy ngay xuống nước. Một cô gái trẻ. Ông ôm gọn cô gái dìu đưa lên ghe.

Thì ra cô gái nhảy từ cầu Bình Lợi 1 trôi về đến cầu Bình Lợi 2 cách nhau gần 200m.

“Số cô gái chưa chết”, ông nói. Bình thường máy phải giật vài lần mới nổ nhưng lần này chỉ một lần đủ thời gian để ông tiếp cận.

Bà Hinh làm đủ các động tác sơ cứu. Cô gái tỉnh lại. Trước mắt ông bà, một cô gái khoảng 25 tuổi rất đẹp. Bà hỏi sơ qua lý do tìm đến cái chết, cô gái nức nở cho biết từ Vũng Tàu lên đây học nghề rồi yêu. Rồi gặp tình duyên trắc trở...

Không thiết sống nhưng sau khi được cứu cô mới thấy được giá trị của sự sống. Cả ông bà cũng đã tìm lời khuyên giải, động viên và cô gái đã lấy lại được niềm tin, hứa với ân nhân sẽ không làm điều gì dại dột nữa.

36 năm neo ghe trên dòng sông Sài Gòn, ông Ba Chúc là khắc tinh của thần chết. Từ ngày ông sinh sống trên ghe đến nay, không ghi chép cụ thể các trường hợp nhưng nhẩm lại tính trung bình mỗi năm có khoảng 5 trường hợp được ông cứu sống.

Như vậy, 36 năm, ông đã đem lại sự sống cho gần 200 con người.

Nhìn ông bà vui vẻ bên nhau ở vào cái tuổi về chiều mà lòng thầm ngưỡng mộ. An nhàn, thư thái.

Bí quyết nào vậy? Ông mỉm cười: "Tôi làm việc này xuất phát từ cái tâm. Người được cứu không phải tốn cho tôi một đồng nào dù đó là nghĩa cử tạ ơn.

Làm sao mà nhận được? Người ta tìm đến cái chết là lâm vào ngõ cụt. Mình không thể làm cái việc thất đức, ngửa tay lấy đồng tiền cho dù đó là đồng tiền xứng đáng. Hãy để lòng thanh thản hãy để phúc đức lại cho con cháu. Thế cho nên tôi rất thoải mái, dù rất nghèo".

Cả cuộc đời gắn liền với dòng sông, ông bà vẫn chưa có ý định lên bờ. 3 đứa con đã thành gia thất sẵn sàng đón cha mẹ về chung sống.

Nhưng ông nói, không nỡ bỏ dòng sông này, bỏ một nơi mà công việc cứu người khiến cho lòng ông vui.

Ông chỉ muốn cuộc sống ngày ngày càng tươi đẹp hơn, để không ai còn chán sống, để giấc ngủ trong đêm của ông bà được trọn ven...

Khi chúng tôi rời ghe ông Ba Chúc, nhiều bà con nơi đây góp ý nên kêu gọi các nhà hảo tâm giúp ông một máy nổ thay thế chiếc máy cũ kỹ ông đã dùng hơn 10 năm nay. Ông muốn thay máy mới lắm nhưng điều kiện không cho phép. Chỉ cần khởi động một lần là máy nổ sẽ giúp ông kịp thời gian đến với người bị nạn. Có lúc khởi động không được ông phải chèo tay vừa chậm vừa mất sức, khả năng cứu người có thể sẽ giảm đi. 

 

Trần Chánh Nghĩa