- Với phương án vượt hình chữ Y, nhiều bạn đọc e ngại về độ an toàn khi lưu thông trên cầu, thậm chí có ý kiến cho rằng, Đàn Xã Tắc sẽ bị kẹp giữa hai nhánh cầu không đáp ứng tính thẩm mỹ về kiến trúc và không gian tâm linh. Tuy nhiên, số độc giả đồng tình với phương án xây cầu chữ Y cũng có những lý luận hết sức chặt chẽ.
E ngại về “khúc cua tử thần”
Trên diễn đàn một tờ báo mạng, một độc giả đã bày tỏ quan điểm không đồng tình: “Nếu là cầu vượt thì phải thiết kế theo đường thẳng mới an toàn, bất đắt dĩ lắm mới thiết kế hình chữ Y vì xe leo dốc phải tăng ga, nếu chở nặng, chạy nhanh vào cua rất dễ lật nhào. Cầu vượt Cát Lái (quận 2, TP HCM) là một ví dụ điển hình”.
Phương án cầu vượt hình chữ Y đang nhận được nhiều ý kiến đồng tình |
Bạn đọc Nguyễn Công Dương cũng đồng tình: “Đương nhiên đã tạo ra khúc cua gấp sẽ tiền ẩn nhiều tai nạn, tôi thấy không khả thi vì nếu khúc cua này thành “khúc cua tử thần” thì tiền bỏ ra để làm cầu vượt quá lãng phí”.
Ý kiến này thu hút khá nhiều tranh luận mạnh mẽ của các độc giả.
Ngoài lý do an toàn giao thông, một độc giả ở Hà Nam lại cho rằng: “Tôi thấy xây cầu vượt vì làm mất mỹ quan của khu di tích. Một điểm có có giá trị to lớn về khía cạnh lịch sử mà bị cầu vuợt làm mất giá trị”.
Bạn đọc ký tên Dân Việt cũng chia sẻ trên VietNamNet, chọn phương án thứ 4 không ổn “vì phương án 4 cầu hình chữ Y thì Đàn Xã Tắc bị kẹp cổ mất”.
Còn bạn đọc Hoàng Trung lại vận dụng hiểu biết về phong thủy để phân tích: "Đàn Xã Tắc" - nơi con người cầu cho mưa thuận gió hòa, người xưa đã chọn vị trí có hội tụ lưu khí đất – trời để kính dâng nguyện vọng và quyết tâm của dân tộc. Ngày nay, có thể không sử dụng vị trí này nữa nhưng vẫn còn đó tính linh thiêng. Hình ảnh những đoạn đường với dòng xe ầm ầm quanh năm trên vùng đất thiêng đó có nên chăng?”.
"Nếu chọn phương án thứ 4 nghĩa là Đàn Xã Tắc bị kẹp giữa hai nhánh cầu về không gian kiến trúc, về không gian tâm linh sẽ không ổn chút nào”, một độc giả khác (xin giấu tên) cũng băn khoăn về phương án xây cầu hình chữ Y.
Cầu chữ Y – nét mềm mại của giao thông HN
Bên cạnh những ý kiến phản đối, luồng ý kiến ủng hộ “phương án thứ 4” trong 6 phương án xây cầu vượt cũng rất đông đảo.
"Cầu vượt cong không vấn đề gì, càng tạo nét mềm mại cho giao thông thành phố. Nếu bạn nào nêu ý kiến cầu cong dễ gây tai nạn phải chỉ rõ nguyên nhân là do tài xế cotainer chạy ẩu trên cầu vượt (cầu Cát Lái, TP.HCM). Đi đường mà không cẩn thận thì đường thẳng cũng tai nạn, chứ nói gì đường cong”, độc giả Lan Hà (Từ Liêm, Hà Nội) thẳng thắn chia sẻ quan điểm.
“Lật xe là do chở nặng quá quy định của xe, chạy không đúng tốc độ chứ liên quan gì tới độ cong của cầu. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc xây cầu như thế này”, một độc giả khác chung quan điểm.
Đồng tính anh Lê Đại (Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) cũng chia sẻ: “Cá nhân tôi ủng hộ phương án 4 vì thiết kế cầu hình chữ Y vừa đẹp vừa không ảnh hưởng đến di tích. Chúng tôi mong cầu vượt được xây dựng xong sớm, chán lắm rồi cái cảnh tắc đường liên miên sáng, chiều ở đường Đê La Thành, Nguyễn Lương Bằng…”.
Cho rằng ở nhiều nước trên thế giới đã từng xây cầu vượt “uốn lượn”, độc giả có nickname HuongDuongXanh88 nêu ý kiến: “Tôi từng đi nhiều nước ở khu vực châu Á, tôi thấy họ xây cầu vượt đủ kiểu đẹp và hiện đại, không phải cứ xây cầu cong là dễ gây tai nạn. Rất khó để đáp ứng đủ 2 tiêu chí vừa giải quyết vấn nạn tắc đường vừa bảo tồn được di tích, nên tôi rất ủng hộ phương án xây cầu vượt kiểu mới ở Đàn Xã Tắc,”.
Phân tích khá rõ về vấn đề có xảy ra tai nạn hay không khi xây cầu cong, bạn đọc Hoàng Hà nhấn mạnh: “Trong nội thành thì cầu vượt có vòng cung đến mấy cũng không đáng lo lắm về xảy ra tai nạn (tất nhiên vẫn có nhưng ít), vì phương tiện chủ yếu lưu thông là xe con, xe máy, xe buýt...không có xe trọng tải lớn”.
Cũng quan tâm đến vấn đề trên, anh Nguyễn Lễ (Ba Đình, Hà Nội) nói: “Vấn đề này liên quan trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt của những người dân nên việc xây cầu vượt qua khu vực này phải lấy ý kiến người dân sống ở khu vực trên. Bất cứ một quyết định nào cũng phải dựa trên nguyện vọng, ý kiến của người dân mới nong có hiệu quả cao nhất”.
“Theo cá nhân tôi một người dân Hà Nội sống gần khu vực đó, phương án thiết kế cầu vượt theo hướng vành đai 1 (Xã Đàn – Hoàng Cầu) có bổ sung cầu nhánh đi từ Khâm Thiên qua nút Ô Chợ Dừa là một phương án có tính khả thi. Nguyên nhân là do phương án 4 vừa phù hợp với quy hoạch, vừa hạn chế ảnh hưởng di tích và ít ảnh hưởng đến điều kiện sống của người dân”, một bạn đọc khác hưởng ứng.
Trong khi đó, bạn đọc Toàn Xuân (Hà Đông, Hà Nội) cũng nhấn mạnh: “Bất cứ sự lựa chọn nào cũng đều nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, tôi thấy phương án 4 là hợp lý vì đơn giản khó có phương án nào vừa giảm thiểu được xung đột ùn tắc giao thông, vừa đảm bảo bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc hơn so với phương án này”.
XEM CLIP MÔ HÌNH CẦU CHỮ Y TẠI ĐÂY |
Lê Lam (Tổng hợp)